Ca sĩ Đức Long: Sợ nhất đàn bà khổ vì mình

GiadinhNet - Ngồi nói chuyện với ca sĩ Đức Long, có cảm giác, anh của ngày hôm nay chẳng khác gì nhiều năm trước bao nhiêu. Vẫn cặp kính trắng che đi đôi mắt luôn xa xăm, khuôn mặt ngăm đen trầm mặc như phố cổ ngày đông, còn giọng nói thì đều đều một nhịp. Nhưng, chỉ có cuộc sống riêng là đã đổi thay…

8 tuổi đã mồ côi cha mẹ Nhìn dáng vẻ vô tư lự của anh, ai cũng nghĩ rằng cuộc sống của anh phải bình lặng lắm. Năm 1972, khi mới 8 tuổi, Đức Long đã mồ côi cha mẹ, 3 chị em phải chia nhau ra sống nhờ nhà bà con họ hàng. Đi học về là anh đi làm thuê, từ phụ hồ, đóng than, khuân vác... miễn là không phải “ăn bám” ai. Học hết cấp 2, Đức Long xin làm công nhân cho một nhà máy than ở Quảng Ninh. Có vẻ như số phận không nỡ bắt anh làm công nhân nên trong một lần hội diễn nghệ thuật quần chúng năm 1984, với năng khiếu ca hát bẩm sinh, anh đã dành được huy chương vàng. Sau giải thưởng đó, anh được nhận về Đoàn nghệ thuật Phòng không - Không quân và sau này về công tác tại Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam và “đóng đinh” ở dòng nhạc tiền chiến. Xuất thân là công nhân đi hát nên với Đức Long, hát là một cách để trả nghĩa cho đời, trả cái công trong những năm khốn khó, cuộc đời đã bao bọc, nuôi sống anh. Vì nếu không có những tình cảm đó thì chưa chắc đã có một Đức Long như ngày hôm nay mà có thể đã trở thành một kẻ cầu bơ cầu bất, trộm cắp đầu đường xó chợ. Vì thế, dù đứng trên sân khấu sang trọng hay bình dân, lúc nào Đức Long cũng tâm niệm phải chăm chỉ và có trách nhiệm như một người công nhân. “Đó là sau này, còn lúc mới đi hát, giá trị thu được chỉ là về tinh thần, còn thu nhập thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Trong những năm khốn khó, có lúc tôi có ý nghĩ bỏ nghề. Tôi nghĩ phải làm một cái gì đó khác cho có nhiều tiền hơn để nuôi sống mình. Và thế là theo bạn bè đi buôn. Nhưng được hơn 1 tuần thì tôi thấy không thể chịu nổi. Cảm giác như mình sẽ chết nếu không được hát nữa”. Chịu khổ từ bé nên ở anh sớm hình thành ý thức tự lập, tự lo cho cuộc sống của mình để không phiền hà đến ai. Cách sống đó đã “cố vị” trong con người anh, đôi khi là một sự “cản trở” khiến anh ít khi đòi hỏi riêng cho bản thân mình. Anh bảo: “Tôi đã trải qua nhiều nỗi khổ nên thấu hiểu tất cả những nỗi cùng cực trên đời. Bù lại, cũng không ai sướng bằng tôi. Trong số các ca sĩ dòng nhạc tiền chiến, tôi là người được đi nhiều nhất, đến nhiều nước nhất. Vì thế mà đôi khi ngẫm nghĩ, tôi thấy con người ta nên biết tự bằng lòng với những gì mình có”. Sợ nhất đàn bà khổ vì mình Đi hát đã 30 năm, những người cùng trang lứa giờ đã có cuộc sống đầy đủ, yên ấm thì Đức Long vẫn đi về một bóng. Lấy vợ muộn nhưng Đức Long chỉ có 5 năm được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. “Nhưng rồi vì nhiều lý do, cuộc sống vợ chồng tôi cứ mỗi ngày một nhạt nhẽo đi. Có khi cả ngày hai người không nói với nhau một câu, dù chẳng có chuyện gì xích mích. Đến giai đoạn cuối, tôi trở về nhà, hai người nhìn nhau như hai người xa lạ. Việc của ai người nấy làm, không liên quan gì đến nhau. Tôi nghĩ, nếu cứ như thế này thì là sống một mình chứ có phải là có gia đình đâu. Tôi cũng đấu tranh ghê lắm nhưng rồi chuyện gì đến đã phải đến. Chúng tôi ra tòa mà đến giờ vẫn không hiểu lý do là tại ai”, giọng anh lắng xuống. Chia tay, Đức Long tự an ủi mình, chuyện tình cảm là do duyên số. Hết duyên thì cũng khó mà níu kéo. “Ngay cạnh tôi có một gia đình, họ đối xử với nhau khiến người khác có thể nghĩ ngay ngày mai họ sẽ ra tòa nhưng rồi cuối cùng họ vẫn sống với nhau như trời “bắt” họ phải thế. Tất cả là do trời định. Vợ chồng ở được với nhau ít hay dài cũng là do “số” chứ không phải bản thân mình muốn là được. Trước lúc ra tòa, chúng tôi vẫn cùng nhau đi ăn sáng, uống cà phê. Ra khỏi tòa, lại khoác tay nhau đi một cách nhẹ nhàng như thể chưa có chuyện gì xảy ra. Giờ cô ấy đã chuyển vào Nam sống. Chúng tôi vẫn đối xử với nhau thân tình như những người bạn. Thỉnh thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm nhau. Đến ngày sinh nhật, giỗ chạp của cha mẹ hai bên vẫn nhớ nhắc nhau, thăm hỏi như xưa...”. Sống một mình nhiều năm nhưng Đức Long nói rằng anh không cô đơn vì “đã quen với cô đơn rồi”. Từ nhỏ đã thế, lớn lên lại càng có lý do để phải chấp nhận. “Lý do” đó là anh không muốn làm cho người khác khổ vì mình. Anh bảo, nếu bây giờ có người đến với tôi, nói rằng sẵn sàng được khổ vì tôi, tôi cũng sẽ “khuyên” họ tỉnh ra mà dời xa tôi, đừng có “dại dột” mà đi yêu một người rất nhạy cảm với việc sợ làm cho người khác khổ vì mình. Hỏi anh phải chăng như thế là dối lòng, anh phủ nhận: “Tôi cứ quan niệm thế này, tôi yêu nghề và có thể nói chuyện thâu đêm với ai đó về chuyện nghề. Nhưng người bạn đời của mình thì làm sao họ có thể chấp nhận điều đó? Trong đời, điều tôi sợ nhất là người phụ nữ của mình nói với mình rằng “giá như đừng kết hôn thì sẽ không có chuyện gì xảy ra”. Tôi biết và hiểu cái khổ rồi nên khi thấy người khác khổ vì mình, tôi đau lòng lắm. Như thế là có tội với phụ nữ”. Đức Long chấp nhận cuộc sống thiếu thốn, cái khổ của riêng mình, vì “nếu có khổ thì cũng chỉ mình mình khổ chứ không làm liên lụy đến ai. Cuộc sống của mình còn bao nhiêu nữa đâu, đi quá nửa đời người rồi. Hạnh phúc cũng đã được hưởng rồi. Còn lại chút sức lực thì cống hiến cho đời, cho khán giả của mình thôi. Nhiều người bảo tôi về già mới “thấm” nỗi cô đơn nhưng đó là khi người ta cứ mãi hi vọng và chờ đợi. Còn tôi đã xác định tinh thần từ lâu rồi nên đã học cách “chế ngự” nỗi buồn khi tuổi già đến”. Một trong những cách được anh tâm đắc nhất là âm nhạc. Những lúc vui cũng như buồn, anh thích ngồi một mình với một ly cà phê, một chút nhạc. Thế là thành một “bữa tiệc” thịnh soạn cho mình. Nỗi buồn cũng vì thế tiêu tan như làn khói thuốc. Với sự giàu có và vị tha của âm nhạc, Đức Long tin rằng mình sẽ không bao giờ bị bỏ rơi, không phải dằn vặt với nỗi khổ của người khác. Hà Thành

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/home/20100225041851858p0c1003/ca-si-duc-long-so-nhat-dan-ba-kho-vi-minh.htm