Ca sĩ Đăng Dương: Nghệ thuật không thể sốt ruột

Tính cầu toàn của Đăng Dương có lẽ bắt nguồn từ tính cách của một người nghệ sĩ đam mê âm nhạc thính phòng cổ điển. Theo đuổi con đường này, anh hiểu rằng không thể mì ăn liền, không thể ngay lập tức. Nó là một quá trình đủ dài, đủ sâu, đủ chín, mà nếu nôn nóng, người nghệ sĩ sẽ không thể đi dài lâu được...

Đăng Dương bảo, nghĩ đến live show sắp diễn ra lòng dạ xốn xang vô cùng. Xốn xang mỗi ngày, từ lúc nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nhận lời làm đạo diễn âm nhạc cho chương trình. Mọi thứ cứ đến thuận lợi như một sự sắp đặt. Những người cộng tác để có thể làm nên một show diễn đáng nhớ cho chặng đường dài 20 năm ca hát của Đăng Dương đã là hoàn hảo nhất, đúng nhất với chờ đợi, mong muốn của anh. Việc còn lại chỉ là thăng hoa, là đốt cháy tất cả năng lượng, nhiệt huyết để cống hiến cho khán giả. Cho một mặt trời đủ sức nóng nhất. Mặt trời của Đăng Dương.

Để làm nên một “Mặt trời của tôi”- tên live show đầu tiên cho sự nghiệp của một người ca sĩ hát dòng nhạc giao hưởng thính phòng, Đăng Dương chịu chơi vào bậc nhất. Ngoài đạo diễn âm nhạc Trần Mạnh Hùng, tên tuổi hàng đầu hòa âm phối khí, còn có đạo diễn danh tiếng Tất My Loan. Những cái tên đủ sức nặng đảm bảo thành công cho đêm diễn. Ngoài ra là dàn nhạc giao hưởng quốc gia hùng hậu 60 nhạc công với dự dẫn dắt của chỉ huy nổi tiếng Lê Ha My.

Lần đầu tiên có một nghệ sĩ hát thính phòng cổ điển đứng ra tự tổ chức chương trình với dàn nhạc giao hưởng quốc gia, một sự chơi sang đặc biệt. Hỏi Đăng Dương, anh định chứng minh gì qua sự “chơi sang” đó, Đăng Dương bảo, sẽ chứng minh một điều duy nhất thôi, là lòng đam mê, say nghề phải được đẩy đến cùng.

Nghệ thuật với Đăng Dương giống như những bữa ăn ngon, phải hoàn hảo từ người đầu bếp, chế biến, đến thực phẩm, gia vị. Để thực khách nhớ về bữa ăn đó, không một thứ gì được xem nhẹ.

“Tôi đã định làm show diễn này từ vài năm trước, nhưng vì mình cầu toàn, mọi thứ chưa như ý thì chưa làm. Bạn bè, khán giả cũng hỏi han, và cũng có chút sốt ruột, nhưng không vì thế mà mình vội vàng được. 20 năm để có một show diễn, thậm chí cả đời có một show diễn cũng không vấn đề gì. Vấn đề quan trọng hàng đầu là mình làm được cái mình thích. Phải “đã” đến mức, sau đấy không có gì ân hận, nuối tiếc, không có những “giá như”.

Tính cầu toàn đó của Đăng Dương có lẽ bắt nguồn từ tính cách của một người nghệ sĩ đam mê âm nhạc thính phòng cổ điển. Theo đuổi con đường này, anh hiểu rằng không thể mì ăn liền, không thể ngay lập tức. Nó là một quá trình đủ dài, đủ sâu, đủ chín, mà nếu nôn nóng, người nghệ sĩ sẽ không thể đi dài lâu được. 20 năm “chung tình” với một lựa chọn, Đăng Dương giống như người đi đường chỉ nhìn vào chính mình, không nhìn ngang ngó dọc, không cuống quýt khi xung quanh mình người ta xiêm áo lộng lẫy hơn, người ta đi nhanh hơn hay người ta rời bỏ con đường để đi lối tắt.

Từng nghe Đăng Dương hát dân ca rất đẹp, rất mềm mại và nghĩ nếu anh chịu biến ảo mình đi đôi chút, lựa chọn những gì phù hợp với xu hướng mà công chúng yêu thích thì có lẽ tên tuổi anh đã được biết đến nhiều hơn bây giờ. Trong nhóm 3 chàng trai hát nhạc đỏ Đăng Dương, Việt Hoàn, Trọng Tấn thì Đăng Dương xuất hiện sớm nhất, giọng hát truyền cảm đặc biệt, ngoại hình sáng sân khấu.

Định so sánh Đăng Dương với người em Trọng Tấn về mức độ hot của tên tuổi, Đăng Dương gạt đi, bảo đừng nên so sánh. Nghệ sĩ mỗi người có cách đi riêng, có số phận riêng cùng với đó là những điều kiện, lựa chọn khác nhau.

“Tôi hay Trọng Tấn, Việt Hoàn đều tâm huyết với con đường của mình, và mỗi người đều có thành quả riêng. Cá nhân tôi luôn thấy mình biết đủ. Ngay từ khi bắt đầu theo âm nhạc, tôi đã mê dòng nhạc thính phòng giao hưởng. Tôi không muốn hát những cái quá lệch với mình. Tôi vốn sinh ra trong một gia đình không có ai làm nghệ thuật, và trở thành nghệ sĩ là cứ như chuyện trời xui đất khiến thế nào đó thôi, chứ không chủ định cũng không hình dung trước. Bởi thế đường tôi đi cũng rất tự nhiên, ít tính toán. Chỉ tâm niệm một điều duy nhất, mình cứ đàng hoàng, cứ tận cùng mình thì mọi thứ sẽ đến thôi”.

Đăng Dương cho người đối diện anh cảm giác anh luôn giữ được sự hồn nhiên để làm nghề. Một sự mộc mạc chân thành không cần che chắn, không màu mè tô vẽ. Tâm thế ấy đâu dễ trong thời buổi hôm nay. Khi mà mọi thứ đang lao đi với tốc độ của mũi tên. Người làm nghệ thuật cũng không tránh khỏi sự sốt sắng, vội vàng. Công nghệ có thể giúp một người mới bắt đầu đi tắt rất nhiều để trở nên nổi tiếng sớm nhất. Hai chữ nghệ sĩ cũng dễ dãi, đơn giản hơn. Đẳng cấp của một người được gọi là nghệ sĩ hôm nay đôi khi được so bằng nhà to, xe đẹp, mức cát-xê khủng, chứ chưa hẳn đã vì những giá trị họ cống hiến cho khán giả.

Đăng Dương bảo, anh không bận lòng những chuyện đó lắm và cũng không bình luận, phán xét. Đời sống âm nhạc vốn luôn như vậy, có những giá trị xổi và có những giá trị bền vững. Anh đau đáu: “Nếu nghệ sĩ hát nhạc thính phòng giao hưởng như mình mà cũng chạy đua với tốc độ thì ai sẽ giữ lửa truyền thống mà những người thầy đi trước đã để lại. Những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc của mình không thể đi nhanh. Vì phải có đủ thời gian để anh học hỏi, trau dồi kiến thức.

Cách sống của một người nghệ sĩ thể hiện rất rõ trên sân khấu, khi anh biểu diễn trước khán giả. Dòng nhạc giao hưởng thính phòng có những khúc thức chặt chẽ mà người nghệ sĩ phải tuân theo. Những ca khúc của dòng nhạc này đều mang tính lịch sử, gắn liền với mỗi thời kỳ của lịch sử đất nước.

Một người thuộc thế hệ 7X, sinh ra và trưởng thành sau chiến tranh, mình không thể hát hay những ca khúc về thời kỳ đó nếu mình không đọc nhiều, không hiểu về hoàn cảnh ra đời của bài hát, nhân vật trong bài hát, tâm thế của người sáng tác bài hát. Không chia sẻ với thế hệ đi trước, một bài hát cách mạng mình hát lên sẽ vô cũng hời hợt, khó mà chạm vào khán giả”.

Đăng Dương nhớ lại những ngày tuổi thơ, khi còn là cậu bé 13 tuổi ở vùng quê nghèo, lặn lội về thủ đô theo học đàn bầu cô Thanh Tâm. Rồi yêu ca hát, Đăng Dương rẽ sang thanh nhạc. Nỗ lực luyện thanh, sửa tật nói ngọng với ước mơ cháy bỏng là được đứng trên sân khấu, trước hàng ngàn khán giả. Những tiếng vỗ tay của khán giả làm chàng ca sĩ trẻ như trôi trong niềm xúc động. Ý niệm về nghề ca hát, về nghệ thuật trong trẻo đó còn mãi trong lòng Đăng Dương.

Sau này, mỗi khi có ai đó hỏi về thu nhập, hay so sánh thu nhập của ca sĩ dòng nhạc mình đang theo đuổi với ca sĩ nhạc thị trường, ngỡ như Đăng Dương sẽ chạnh lòng. Nhưng thực tế, Đăng Dương chỉ im lặng mỉm cười. Anh chia sẻ: “Tôi thấy mình may mắn hơn các thầy Quang Thọ, Trung Kiên và nhiều nhiều nghệ sĩ thế hệ trước. Các thầy ngày xưa đi diễn về, tiền thù lao chỉ đủ ăn một bát phở, có khi cát-xê là một món quà như cái phích nước Rạng Đông chẳng hạn. Giờ chúng tôi sống được ung dung bằng nghề, chẳng phải may mắn hơn sao. Chỉ cần mình hài lòng, là cuộc sống sẽ trở nên dễ chịu, chứ so sánh thì biết bao nhiêu cho đủ. Làm nghệ thuật đầu tiên phải vì mình yêu nghệ thuật đã, chứ nhăm nhăm chuyện tiền bạc, thì nghệ thuật mình làm dễ nhuốm màu thương mại. Đối với tôi, niềm vui được theo đuổi đến cùng điều mà mình đam mê đôi khi còn quan trọng hơn tiền, hay danh tiếng”.

Từ những chia sẻ đó, có thể cắt nghĩa về độ chơi sang của Đăng Dương cho show diễn kỷ niệm 20 năm ca hát của anh sắp tới. Không ít khán lấy làm khâm phục với “tuyên bố” của người phụ nữ chung nhà với Đăng Dương, chị Kim Xuyến, sẵn sàng bán nhà làm live show cho chồng nếu cần. Kim Xuyến cũng từng là một ca sĩ, theo đuổi dòng nhạc chính thống, nên chị rất hiểu công việc của chồng, luôn chia sẻ với anh mọi vui buồn trong sự nghiệp.

Nói về người vợ đồng cam cộng khổ, nam ca sĩ mắt lấp lánh tự hào. Anh biết ơn vợ đã luôn ở cạnh ủng hộ chồng, sẵn sàng lui lại phía sau, để anh có thể chuyên tâm cho sự nghiệp. Anh chị yêu nhau từ thủa anh còn đi xe máy, ở nhà thuê, và đã cùng nhau vượt qua bao nhiêu khó khăn của cuộc sống. Giờ nếu phải bán nhà để chồng được thăng hoa trong show diễn dấu ấn của anh, chị cũng sẽ không ngại ngần.

Ngẫm ra, sống và làm nghề như Đăng Dương lại là được. Làm một người đi chậm như anh, thực ra cũng chẳng thiệt. Thay vì phải lao tâm khổ tứ với những thứ bên ngoài, anh sẽ được sống hoàn toàn với điều mình tâm đắc, theo đuổi. Anh lại cũng may mắn có một gia đình nhỏ hạnh phúc ấm êm, có một người vợ tuyệt vời bên cạnh.

Đến đây, người viết chợt nhớ câu nói của một nhạc sĩ già, ông bảo, ca sĩ bây giờ “khôn” quá. Họ giỏi chiêu trò, tiểu xảo, lọc lõi tính toán, họ mất hết cái hồn nhiên để làm nghệ thuật. Họ tạo ra thứ nghệ thuật giống như giấy trang kim, lấp lánh đấy nhưng vô hồn. Xét cho cùng, công nghệ có thể làm thay đổi mọi thứ, nhưng vẻ đẹp tâm hồn ẩn chứa bên trong người nghệ sĩ thì không gì có thể thay thế.

Đăng Dương không phải người hoạt ngôn. Anh ngại phát biểu những điều to lớn và ít đưa ra ý kiến nhận xét về đồng nghiệp. Nhưng tiếp xúc với anh, tôi có một niềm tin rằng, tâm thế bình thản của Đăng Dương trong lao động nghệ thuật là điều mà rất nhiều nghệ sĩ trẻ đang mới bắt đầu cần phải học hỏi. Không giữ được sự bình tâm ấy, nhiều người trẻ nôn nóng đã dần đánh mất mình trong đời sống âm nhạc...
Bình Nguyên Trang

Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/ca-si-dang-duong-nghe-thuat-khong-the-sot-ruot-462041/