Ca phẫu thuật 'nhớ đời' của các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai

Nhìn đống da đầu bầy nhầy, long tróc, chia hai mảnh nhiều chỗ rách nát, băm vằm ra từng mảnh nhỏ, anh em bác sĩ ngao ngán.

Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chị T. 43 tuổi, làm bún tại thành phố Điện Biên. Một ngày đen đủi, mớ tóc dài của chị bị cuốn vào máy khi phụ chồng khoan giếng.

Toàn bộ da trán và da đầu mang tóc của chị bị lột đứt phăng rời khỏi hộp sọ, cuốn nghiền nát trong máy khoan. Máu chảy xối xả từ các đầu mạch đứt. Gia đình vội đưa chị đến bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên.

Các bác sĩ Bạch Mai nhiều lần cứu chữa thành công các ca bệnh khó (ảnh minh họa).

Do mất máu quá nhiều và quá đau đớn, chị đã rơi vào trạng thái shock. Các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã nhanh chóng xử lý shock, cầm máu, truyền máu, an thần, đặt ống nội khí quản.

Tiên lượng không thể nối lại mảnh da đầu đứt rời tại bệnh viện mình, các bác sĩ ở bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã xử lý bảo quản mảnh đứt rời rồi liên lạc khắp nơi, nhưng nơi thì báo kính hỏng, nơi thì từ chối vì thấy mảnh đứt rời quá nát.

Nhưng rồi một anh đồng nghiệp chợt nhớ tới tôi, nhớ tới Bạch Mai. Ròng rã trên quãng đường xa hơn 500 cây số, cuối cùng, lúc 11h đêm, sau tai nạn 12 tiếng, bệnh nhân cũng đến được Bạch Mai.

Lúc này, tất cả các bác sĩ trong khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ đã có mặt đông đủ, các bác sĩ trực cấp cứu, gây mê, huyết học, chẩn đoán hình ảnh đã được báo trước, sẵn sàng hỗ trợ bệnh nhân kịp thời nhất.

Nhìn đống da đầu bầy nhầy, long tróc, chia hai mảnh nhiều chỗ rách nát, băm vằm ra từng mảnh nhỏ, anh em bác sĩ ngao ngán.

Cộng thêm việc mảnh ghép đã đứt rời 12 tiếng, quá mất thời gian vàng 6 tiếng sau khi mảnh da đầu bị đứt rời thì cơ hội sống của mảnh ghép hầu như còn rất ít.

Khi mở băng, nhìn toàn bộ xương sọ trơ khấc, không được phủ một chút tóc hay màng xương, chúng tôi càng áp lực.

Nếu không nối được, toàn bộ xương sọ khô khốc, không được tưới máu kia làm thế nào để che phủ? Sẽ là một quá trình dài và mệt mỏi sau này để bệnh nhân có thể liền thương.

Hơn nữa sau khi liền thương, cô gái ấy sẽ không bao giờ có tóc trên vùng da đầu. Chừng ấy con mắt nhìn nhau, không ai bảo ai, tất cả đều biết “mình phải cố gắng”.

Mỗi phút trôi qua, mỗi mạch máu được tìm thấy, mỗi miệng nối mạch được nối thông đều làm chúng tôi thêm phấn chấn.

Sau 6h các ekip làm việc liên tục, chúng tôi có thể tạm an tâm vì hai mảnh đứt rời chính đã được cấp máu, đồng nghĩa với việc 3/4 số da đầu mang tóc được giữ lại.

1/4 còn lại vùng quá dập nát có nguy cơ hoại tử, cần che phủ bằng phương pháp khác sẽ được xử lý ở thì 2 khi bệnh nhân đã thoát qua cơn nguy kịch.

Sau này, 3/4 diện tích da đầu mang tóc còn lại, với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực giãn da, giáo sư Trần Thiết Sơn sẽ dễ dàng biến nó thành toàn bộ da đầu mang tóc.

Một câu chuyện sẽ kết thúc cực kỳ có hậu. Thế đấy, thành công đôi khi phải giành giật từng chút một, với tất cả sự nỗ lực cố gắng của rất nhiều người.

Xin chân thành cảm ơn thầy tôi đã khích lệ động viên, cảm ơn các đồng nghiệp ở bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên đã xử lý kịp thời và bảo quản mảnh da đầu đứt rời đúng cách để bệnh nhân có thêm cơ hội, cảm ơn ekip trực cấp cứu, huyết học, chẩn đoán hình ảnh đã phối hợp ăn ý, khẩn trương, đặc biệt cảm ơn ekip phẫu thuật (bs Thái Duy Quang, bs Tạ Thị Hồng Thúy, bs Nguyễn Minh Nghĩa, Bs Vũ Hồng Chiến…) và ekip gây mê đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt đêm dài.

Còn nhớ sau khi băng vết mổ, một bạn kỹ thuật viên gây mê còn đùa “khoa tạo hình thẩm mỹ không mời gây mê ăn sáng à?”.

Nợ các bạn nhé! Vì khi đó, ekip phẫu thuật chỉ muốn ngả mình lên cáng hay bất kỳ chỗ nào có thể ngủ được trong bệnh viện mà đánh một giấc thật ngon lành!

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ca-phau-thuat-nho-doi-cua-cac-bac-si-benh-vien-bach-mai-post246229.html