Ca nương Nguyễn Kiều Anh: Tiếp nối truyền thống gia tộc

Có lẽ, nếu không được xem Kiều Anh biểu diễn trong cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt 2013” thì ít ai có thể tin rằng, cô bé tuổi "teen” này đã có hơn 10 năm kinh nghiệm biểu diễn môn nghệ thuật ca trù. Và cũng không quá khi nói Kiều Anh đang là một trong những "của hiếm” của nền âm nhạc Việt Nam hiện nay trong việc nỗ lực giữ gìn và làm mới âm nhạc dân tộc và tiếp nối truyền thống gia đình.

Ca nương Kiều Anh

- Trở về sau cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt 2013”, Kiều Anh đã có những dự định mới gì cho sự nghiệp của mình ?

NGUYỄN KIỀU ANH: Hiện tại, Kiều Anh vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các chương trình học của mình tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Bên cạnh đó, Kiều Anh đang có dự định sẽ ra mắt một CD nhạc về thể loại âm nhạc World music mà mình đã biểu diễn tại cuộc thi "Tìm kiếm tài năng Việt 2013”. Dự kiến album đó sẽ ra mắt vào đầu năm 2014. Đó là 2 kế hoạch lớn nhất của Kiều Anh lúc này, nhưng quan trọng nhất vẫn là việc học và rèn luyện bản thân mình tốt hơn.

Nói như vậy thì chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt 2013” không có kế hoạch gì để giúp bạn phát triển?

- Với quy mô của chương trình "Tìm kiếm tài năng Việt” thì việc quy tụ quá nhiều nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau tham gia biểu diễn, cũng là cái khó cho Ban tổ chức. Theo Kiều Anh, việc hình ảnh của mình được mang đến gần hơn với khán giả, được nhiều người biết đến đã là phần thưởng cũng như thành công mà chương trình đã mang đến cho các thí sinh.

Theo bạn đâu là khó khăn khi theo đuổi nghệ thuật ca trù?

- Hiện nay, không có một trường lớp nào đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật ca trù. Hầu hết, việc truyền dạy đều thông qua các câu lạc bộ, các nghệ nhân. Tuy nhiên, việc quảng bá cũng như để các bạn trẻ yêu và thích môn nghệ thuật có thể nói là hơi "cũ” này là một việc cực khó. Ngay cả các bạn của Kiều Anh, không phải ai mình cũng có thể thuyết phục được họ thích nghe ca trù. Việc kết hợp giữa ca trù với các nhạc cụ âm nhạc hiện đại, các bản phối hợp "gu” của giới trẻ cùng với phong cách ăn mặc trẻ trung hy vọng, ở thể loại World music mà Kiều Anh đang theo đuổi sẽ là cầu nối để ca trù sẽ đến gần hơn với khán giả, đặc biệt là các bạn trẻ.

May mắn sinh ra và lớn lên trong cái nôi của nghệ thuật ca trù. Phải chăng từ bé, Kiều Anh đã mặc định phải hát và yêu ca trù ?

- Gia đình mình có truyền thống hát ca trù và đến mình là thế hệ thứ 7. Ông nội, bác, cô, chú, anh, chị ai cũng đều hát ca trù nên khi đi biểu diễn thì thường đi chung với nhau như kiểu biểu diễn gia đình. Nhưng bố mẹ lại không theo môn nghệ thuật này, chỉ có nhà nội thôi. Nhà nội có ông nội và cô mình, cô là người dạy hát cho mình, ông nội là người hướng cho con cháu học nghề cũng như giữ nghề. Năm 6 tuổi mình bắt đầu học ca trù. Lúc đó, còn nhỏ nên người lớn dạy mình phải nghe theo, mình cũng không biết là học ca trù có gì tốt và học để làm gì. Nhưng khi học được một năm, được đứng trên sân khấu biểu diễn và nhận được sự cổ vũ của mọi người thì mình bắt đầu cảm thấy thích thú với ca trù. Và đặc biệt năm đó mình nhận được phần thưởng là học bổng của Pháp dành cho những học sinh có thành tích đặc biệt trong học tập và biểu diễn văn nghệ. Năm học cấp hai mình thật sự tìm được niềm vui trong ca trù và càng gắn bó với nó nhiều hơn.

Cảm nhận của Kiều Anh về bộ môn nghệ thuật này?

- Ca trù là một bộ môn nghệ thuật khó. Khó nhất theo mình là kỹ thuật nẩy hạc, mình phải luyện tập kỹ thuật này nhiều năm thì mới ra đúng kỹ thuật nẩy hạc. Cái khó thứ hai, là vừa phải đánh phách và vừa hát. Phải có nhiều thời gian để người đào nương làm cho nó thuần thục. Cái khó cuối cùng, là lời thơ của ca trù, khi học mình phải dịch ra và phải hiểu nó như thế nào thì mới truyền tải đến người nghe.

Từ đâu mà Kiều Anh có ý tưởng làm mới môn nghệ thuật ca trù?

- Cách đây 2 năm, trong một lần tình cờ gặp người thầy của mình là chú Quốc Trung, chú Trung lúc ấy đang làm nhạc phim và cần tìm người hát và chú có nhờ mình hát. Vì là người trẻ nên mình cũng không thể không thích nhạc nước ngoài và mình lại có lợi thế về nhạc dân tộc nữa nên chú Trung đã đưa mình đến với World music. Đến với World music mình vừa được thỏa mãn niềm đam mê, vừa nghe, vừa học hỏi, từ đó mình yêu thích thể loại này hơn.

Cảm ơn bạn về cuộc trò chuyện!

Hoàng Minh (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=65009&menu=1434&style=1