Cả nước có 32 vụ tắc đường: Lãnh đạo CA không tin

Phó GĐ Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng những vụ tắc đường tại Hà Nội và TP.HCM phải nhiều hơn so với báo cáo từ ủy ban ATGT quốc gia.

Hà Nội, TP.HCM phải nhiều hơn

Xung quanh việc Ủy ban ATGT Quốc gia đưa ra số liệu thống kê, trong 3 tháng đầu năm 2016, cả nước chỉ có 32 vụ ùn tắc giao thông, trong đó TP HCM 12 vụ, Hà Nội 9 vụ sáng 12/4 tại hội nghị sơ kết quý I/2016 của Bộ GTVT, Đất Việt đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Ngô Thành Thật, Phó Giám đốc CA tỉnh Bạc Liêu.

Theo Đại tá Thật, mặc dù thời gian qua, tình hình ùn tắc giao thông trên cả nước đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Tuy nhiên việc những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM có số vụ ùn tắc ít như vậy thì cần phải xem xét, đánh giá lại.

“Bạc Liêu không xảy ra tắc đường do không tập trung nhiều phương tiện cũng như người tham gia giao thông như Hà Nội và TP.HCM. Còn báo chí mà đăng nói hội nghị thông báo mấy thành phố lớn đó mà có mấy vụ tắc đường thì phải xem lại cả mức độ, tính chất nữa. Xem bao nhiêu lâu mới là ùn tắc giao thông.

Thực ra tôi cũng đã đi Hà Nội và TP.HCM rồi. Ngồi trên xe thì thấy giờ cao điểm việc xe ùn tắc gần như là phổ biến luôn rồi. Người dân chạy rất lâu, hỏi thì biết liền. Tôi gặp một người bạn tại điểm hẹn hỏi tại sao đi lâu thì anh ấy trả lời là kẹt xe, tắc đường.

Thì tôi nghĩ rằng có mấy vụ tắc đường trong 3 tháng như vậy thì nên nghiên cứu lại xem làm sao. Tôi nghĩ là phải nhiều hơn, tại vì những giờ cao điểm, TP.HCM, Hà Nội những con đường đi nhích nhích từng tí một rồi ùn tắc giao thông”, Đại tá Thật đặt vấn đề.

Không chỉ tỏ thái độ bất ngờ, vị lãnh đạo công an tỉnh Bạc Liêu còn cho rằng nên nhìn nhận lại khái niệm tắc dường để đánh giá cho đầy đủ, khách quan.

“Ùn tắc bao lâu mới tính. Có người nói 5 phút là ùn tắc, có người nói 1 tiếng mới tính. Tôi nghĩ ùn tắc, tức là nó làm cho giao thông bị ách tắc. Theo lộ trình người ta đi là đúng nhưng cái lịch trình thời gian nó chậm lại, thì tôi nghĩ đấy cũng là tắc đường. Chứ không hẳn không đi được, dừng hẳn lại mới tính là tắc đường. Người dân đi chậm lại theo lộ trình người ta đi thì đó cũng là tắc đường”, Đại tá Thật nêu quan điểm.

Phó GĐ Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng những vụ tắc đường tại Hà Nội và TP.HCM phải nhiều hơn so với báo cáo từ ủy ban ATGT quốc gia.

Phó GĐ Công an tỉnh Bạc Liêu cho rằng những vụ tắc đường tại Hà Nội và TP.HCM phải nhiều hơn so với báo cáo từ ủy ban ATGT quốc gia.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, Thượng tá Phan Thanh Hồng, Phó Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Quảng Nam cho rằng khái niệm tắc đường nên để phía Ủy ban ATGT quốc gia định nghĩa để cho thống nhất trong toàn lực lượng.

“Quảng Nam chưa từng xảy ra vấn đề tắc đường, đặc biệt sau khi tuyến quốc lộ 1 hoàn thành đi vào sử dụng thì cái việc lưu thông tương đối tốt. Việc tranh cãi thế nào là tắc đường thì tôi xin nhường lại cho những nơi trọng điểm về giao thông như Hà Nội, TPHCM.

Sự tắc đường như thế nào thì nên có sự thống nhất ở ban ATGT quốc gia. Bọn tôi chỉ cố gắng để tạo điều kiện cho giao thông thông suốt thôi, còn khái niệm như thế nào thì tôi nghĩ cũng không quan trọng lắm đâu. Vấn đề quan trọng là làm sao lưu thông an toàn và thông suốt mới quan trọng hơn, phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội”, Thượng tá Hồng nhấn mạnh.

Hà Nội ít tắc đường vì...

Cùng đưa ra chia sẻ về vấn đề này, Trung Tá Lê Tú, Đội trưởng đội CSGT số 3, CA TP Hà Nội khẳng định, trên địa bàn đơn vị thời gian qua không xảy ra tình trạng tắc đường.

“Tắc đường tức là tất cả các phương tiện phải dừng lại 1 điểm, khoảng chừng một tiếng, còn việc di chuyển chậm thì không gọi là tắc đường, ở Hà Nội thì lúc nào cũng thế”, Trung tá Tú nói.

Vị đội trưởng đội CSGT số 3 cho rằng việc 3 tháng đầu năm trên địa bàn thủ đô chỉ xảy ra 9 vụ tắc đường là sự ghi nhận những công sức, cố gắng của CSGT cũng như các lực lượng dân phòng, CS cơ động, công an phường, quận trong suốt thời gian qua.

“Không chỉ riêng tôi mà cả tập thể đều phấn khởi, anh em thường xuyên phải làm rất vất vả. Như đơn vị tôi mỗi một ngày đêm sử dụng đến 90 cán bộ chiến sĩ. Thông thường chiến sĩ CSGT làm 3 ca bình thường từ 6h sáng đến 24h đêm. Trừ những thời gian cao điểm thì phải tăng cường thêm các tuyến từ đêm đến 6h sáng hàng ngày”, Trung tá Tú khẳng định.

Theo vị đội trưởng, trong thời gian tới nhất là chuẩn bị đến những ngày lễ lớn như 30/4, 1/5, thực hiện ý kiến chỉ đạo của ban chỉ huy phòng CSGT thì đơn vị sẽ yêu cầu cán bộ chiến sĩ làm thêm thời gian, tăng giờ để phục vụ giao thông trước hết là trên địa bàn thủ đô.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/ca-nuoc-co-32-vu-tac-duong-lanh-dao-ca-khong-tin-3305630/