Cả nước có 32.389 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị

Tính đến sáng 16/7, cả nước có tổng số 32.389 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến.

Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: TTXVN

Tình hình các bệnh nhân COVID-19 trên cả nước

Ngày 16/7, trao đổi về tình hình điều trị bệnh nhân COVID-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Phó trưởng Tiểu ban Điều trị COVID-19 cho biết: Tính đến sáng 16/7, Việt Nam đã ghi nhận tổng số 40.288 ca mắc COVID-19; trong đó đã chữa khỏi cho 9.692 ca; tử vong 207 ca (chiếm tỷ lệ 0,55%). Hiện cả nước có tổng số 32.389 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị.

Phân tích lâm sàng trên 9.418 bệnh nhân trong số 32.389 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị cho thấy: Số bệnh nhân không có biểu hiện lâm sàng là 5.066 bệnh nhân (53,8%); số bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng nhẹ là 3.248 bệnh nhân (34,5%); biểu hiện lâm sàng trung bình là 373 bệnh nhân (4%); thở oxy gọng kính có 504 bệnh nhân (5,3%); thở máy không xâm nhập có 16 bệnh nhân (0,17%); thở máy xâm nhập có 124 bệnh nhân (1,3%); chạy ECMO có 21 bệnh nhân (0,2%).

Trong số này, số bệnh nhân tiên lượng nặng là 621 ca (6,6%); số bệnh nhân tiên lượng rất nặng là 151 (1,6%), số bệnh nhân tiên lượng tử vong là 8 ca (0,1%)...

Cũng theo PGS. TS Lương Ngọc Khuê, trong việc điều trị bệnh nhân COVID-19, Hội đồng chuyên môn đã xem xét 5 vấn đề: Sử dụng thuốc chống đông máu và corticoid dự phòng sớm; xem xét sử dụng kháng thể đơn dòng trong điều trị người bệnh COVID-19 nặng; xem xét sử dụng thuốc y học cổ truyền Xuyên tâm liên điều trị COVID-19. Đồng thời Hội đồng chuyên môn cũng xem xét điều chỉnh tiêu chuẩn ra viện của người bệnh, hướng dẫn theo dõi người bệnh sau xuất viện.

Nhiều thay đổi trong chẩn đoán, điều trị

PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết: Bộ Y tế vừa tiếp tục cập nhật, đưa ra Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị COVID-19 phiên bản số 5 để phù hợp với tình hình dịch hiện nay.

Bản cập nhật lần này có một số điểm mới như: Sử dụng thuốc chống đông máu và corticoid dự phòng sớm đối với mức độ bệnh từ vừa trở lên kể cả với các cơ sở không làm được xét nghiệm đông máu (dựa vào triệu chứng lâm sàng); điều chỉnh tiêu chuẩn ra viện thay vì kéo dài thời gian điều trị, cách ly tập trung tối thiểu 14 ngày từ khi người bệnh có triệu chứng hoặc từ khi nhập viện với 2 lần xét nghiệm âm tính với SAR-CoV- 2.

Hướng dẫn cập nhật chia ra 3 trường hợp, nội dung hướng dẫn có cho phép giảm thời gian như:

Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 10 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi đạt các tiểu chuẩn: Không có triệu chứng lâm sàng trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm xétnghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tối thiểu lấy hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30).

Bệnh nhân được xuất viện vào ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 khi đạt các tiểu chuẩn: Có triệu chứng lâm sàng trong 10 ngày kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2; tối thiểu lấy hai mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp real-time RT-PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30).

Bệnh nhân được xuất viện sau ngày thứ 14 kể từ thời điểm xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 (ngày ra viện được xác định là sau 3 ngày kể từ ngày không còn triệu chứng lâm sàng và đảm bảo tiêu chuẩn về kết quả xét nghiệm) có các tiêu chuẩn như: Tối thiểu 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp (cách nhau tối thiểu 24 giờ) có kết quả xét nghiệm bằng phương pháp RT- PCR âm tính với SARS-CoV-2 hoặc nồng độ virus thấp (Ct ≥ 30) (thời gian từ khi lấy mẫu bệnh phẩm cuối cùng tới khi ra viện không quá 24 giờ)...

Việc theo dõi bệnh nhân sau xuất viện, chỉ theo dõi lâm sàng tại nhà 14 ngày và không phải làm xét nghiệm trong thời gian này (hướng dẫn trước yêu cầu làm xét nghiệm RT-PCR 2 lần).

Cũng theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hiện nay việc điều trị bệnh nhân COVID-19 vẫn tuân thủ nguyên tắc 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, điều trị tại chỗ, nhân lực tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Có sự phân tầng điều trị, cá thể hóa điều trị người bệnh COVID-19.

Cụ thể, người bệnh COVID-19 được phân loại theo hướng dẫn chẩn đoán và phân bố người bệnh vào cơ sở điều trị phù hợp như: Người bệnh không triệu chứng, người bệnh mức độ nhẹ vào các bệnh viện tuyến quận, huyện, các cơ sở thu dung điều trị ban đầu.

Người bệnh mức độ vừa và các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện truyền nhiễm, khoa truyền nhiễm bệnh viện đa khoa tỉnh, các bệnh viện chuyển đổi thành bệnh viện điều trị COVID-19.

Người bệnh tình trạng nặng, nguy kịch đưa vào các bệnh viện đa khoa tỉnh, bệnh viện truyền nhiễm, bệnh viện đa khoa huyện có ICU (hồi sức tích cực).

Nếu số người bệnh vượt quá khả năng, các cơ sở sẽ được hỗ trợ tại chỗ, từ xa, hoặc tiếp nhận điều trị của các bệnh viện được phân công phụ trách theo vùng, bệnh viện trực thuộc Bộ, bệnh viện truyền nhiễm Trung ương hoặc bệnh viện nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh...

Hiện Cục Quản lý khám, chữa bệnh cũng đang xây dựng văn bản hướng dẫn về lập kế hoạch đáp ứng công tác điều trị COVID-19; thiết lập cơ sở thu dung, điều trị ban đầu bệnh nhân COVID-19 (với bệnh nhân không triệu chứng, nhẹ); thiết lập bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 (chuyển đổi từ bệnh viện sẵn có).

Đồng thời, xây dựng Đề án tăng cường năng lực hồi sức cấp cứu với các bệnh viện phụ tráchvùng, khu vực…; đào tạo, củng cố năng lực hồi sức cấp cứu nâng cao cho các cơ sở điều trị.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/ca-nuoc-co-32389-benh-nhan-covid19-dang-duoc-dieu-tri-20210716171015445.htm