Cà Mau - Sóng cồn bãi nghêu

Liên tiếp mấy ngày nay, hàng ngàn người dân xuôi về mảnh đất tận cùng của Tổ quốc để bắt nghêu. Những người khoanh nuôi quy cho họ là “kẻ cướp”. Còn người dân thì cười khi tôi hỏi họ tên: “Nghèo quá. Vả lại đây là nguồn sống của chúng tôi mà”. Chính quyền địa phương tỏ ra lúng túng trước hiện tượng bãi bồi ngày càng đông người từ nơi khác đến bắt nghêu.

Hàng ngàn người dân đổ về cào nghêu tại bãi bồi Mũi Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

Liên tiếp xảy ra xô xát trên bãi nghêu

Thiên nhiên ban tặng cho các tỉnh ven biển ĐBSCL nhiều cồn, bãi. Những vạt đất phù sa lắng đọng tình người như vương vấn với đất liền. Ngay những hạt cát nhỏ bé ấy cũng liên kết lại với nhau tạo thành bãi bồi mông mênh. Và đó là nơi để con nghêu, con sò sinh sản và lớn lên. Từ Bến Tre cho đến mũi Cà Mau những bãi bồi đều có nghêu, sò sinh sống.

Câu chuyện bắt nghêu, bắt sò, bắt ốc, bắt cua… ven biển để mưu sinh không mới. Ấy vậy mà cuộc mưu sinh của họ đã thật sự trả giá bằng những giọt máu, thậm chí cả sinh mạng của mình trên những bãi nghêu.

Ngày 14.10, Ban Giám đốc HTX nghêu Đất Mũi, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau đã đội đơn đến cơ quan tiếp dân tỉnh Cà Mau kêu cứu vì cho rằng, toàn bộ bãi nghêu của HTX đã bị hàng ngàn người dân tự tiện vào đây bắt nghêu như chốn không người. Rằng, chính quyền địa phương không bênh vực cho HTX, nơi có 186 xã viên nơi đây; rằng, người nghèo sẽ nghèo thêm nếu mất nghêu. Ông Lê Phú Sánh - Giám đốc HTX thống thiết: “Chính quyền không giúp HTX mà đứng nhìn người dân vào đây ăn cướp nghêu của chúng tôi”.

Trước đó, vào ngày 11.10, một cuộc ẩu đả xảy ra giữa một bên là các bảo vệ bãi nghêu của HTX và những người đến bắt nghêu... Ông Mai Văn Tó, 56 tuổi, ấp Rạch Thọ, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển bị một bảo vệ của HTX đánh. Thấy ông Tó bị đánh, những người cào nghêu “tấn công” người của HTX khiến 3 bảo vệ bị thương. Trong đó, Phan Văn Vẹn bị đánh trọng thương, phải chuyển lên Bệnh viện Đa khoa Cà Mau điều trị. Ông Tó được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Cái Nước và phải khâu 6 mũi trên đỉnh đầu vì bị đánh bằng cây đước làm hàng rào nuôi nghêu.

Theo chủ nhiệm HTX nghêu Đất Mũi, tổng vốn đã đầu tư của tất cả 186 xã viên đến thời điểm hiện nay là 11 tỉ đồng. Thống kê sơ bộ ban đầu thì những người dân ngang nhiên bắt nghêu mấy ngày qua đã gây thiệt hại trên 5 tỉ đồng cho HTX.

Nếu tính từ năm 2012 cho đến nay, bãi nghêu giống tự nhiên Khai Long đã có 3 thời điểm bị hàng ngàn người cào nghêu vào khai thác với số lượng lớn.

Ông Võ Công Trường - Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cho biết: “Cứ mỗi lần xuất hiện nghêu giống là người dân đến đây bắt. Xung đột diễn ra rất phức tạp giữa người nuôi nghêu và bà con nghèo tại chỗ và cả các tỉnh lân cận đến cào nghêu trái phép. Chúng tôi dù có lực lượng trong tay cũng không làm gì được do người dân quá đông và tính pháp lý của các chủ bãi nghêu cũng không rõ ràng”.

Cách đây đúng một năm, tại bãi nghêu Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu cách Đất Mũi không xa cũng xảy ra tình trạng này. Gần 1.000 người dân vào HTX nuôi nghêu do UBND xã hợp đồng cho thuê bắt nghêu. Mâu thuẫn dẫn đến xô xát nhau khiến 6 người bị thương. Cuối cùng số đông vẫn thắng.

Hàng ngàn người dân nghèo cào nghêu tại bãi bồi mũi Cà Mau. Ảnh: Nhật Hồ

“Nồi cơm” với dân nghèo

Thời điểm đó, Bạc Liêu cũng tiến hành điều tra và đi đến kết luận, UBND xã lấy đất bãi bồi cho thuê là sai thẩm quyền. Cũng cần nói thêm thời điểm đó, ông Nguyễn Xuân Thủy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Hải thể hiện quan điểm rất rõ ràng “ Bãi nghêu là nguồn sống của bà con cô bác hộ nghèo ven biển. Tự nhiên anh cắt ngang giao cho người khác là cả vấn đề. Nếu muốn tìm nguồn sống cho hộ nghèo thì phải chuyển đổi nghề, chớ đây là nồi cơm của người ta. Ban đêm bà con đi soi bắt ba khía, bắt cá thòi lòi, bắt đẻn, bắt cua, bắt nghêu… để sinh sống và nuôi con cái ăn học. Nay khoanh lại chẳng ai vào được khác nào đập nồi cơm của họ rồi”.

Điều khá... thú vị là sau đó một năm, tại nơi sôi động nhất của chuyện tranh chấp bãi nghêu ở Đất Mũi vào những ngày gần đây, ông Võ Công Trường - Chủ tịch UBND xã Đất Mũi cũng thẳng thừng bênh vực người dân cào nghêu: “Chúng tôi gần như không kiểm soát được các HTX nuôi nghêu. Họ nói bao nhiêu xã viên, bao nhiêu dân nghèo tôi cũng không biết được. Bà con rất bức xúc vì các HTX bao ví đất bãi bồi, rồi nói đất của HTX, cấm dân vào đây khai thác. Thật tình ở mảnh đất này mà không cho vô rừng, xuống biển dân lấy gì sống?”.

Ấp Rạch Thọ có 370 hộ thì có hơn 60% người dân không có đất sản xuất. Bà con sống dựa vào mò cua, bắt ốc trên biển nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Khi bãi nghêu giống Khai Long bị một số ít người có tiền, bao ví thì bà con không còn đất sống. “Lúc đầu bà con ra biển cào nghêu giống, không phải cào nghêu thịt của HTX. Xô xát xảy ra là cái cớ để bà con phá rào lấn vào sân nuôi nghêu”- một cán bộ xã cho biết.

Như thấu hiểu được tình cảnh của người nghèo ven biển, gặp chúng tôi, ông Lý Hoàng Tiến - Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) lắc đầu “các ông nói người dân “cướp nghêu” nghe sao nó buồn quá”. Theo ông Tiến, nói vậy tội nghiệp người dân vì về pháp lý hiện tại huyện chưa giao đất bãi bồi cho ai cả.

Theo UBND huyện Ngọc Hiển, vào năm 2014, Cà Mau có chủ trương ghép 16 HTX thành một HTX để dễ quản lý. Theo đó, tất cả những người dân ven biển, sống bằng nghề cào nghêu trước đây được ưu tiên vào HTX. Chủ trương này dựa trên cơ sở coi người nghèo là ưu tiên số một trong việc thành lập HTX. Dù vậy, khi tiến hành sắp xếp lại một số người đã cho thuê lại để lấy tiền, tỉnh chỉ giao 431ha để kêu gọi những người có năng lực khai thác, còn lại ưu tiên cho người dân. Tuy nhiên, khi nhận đất, một số người cho thuê lại khiến tình hình thêm phức tạp.

Riêng đối với HTX Đất Mũi, ông Tiến cho biết, đến giờ này, huyện vẫn chưa hoàn thành các thủ tục pháp lý để giao đất bãi bồi nuôi nghêu. Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển cho rằng, lợi dụng tình hình người dân cào nghêu giống đông người, những người tham gia HTX thổi phồng, đổ lỗi và tạo dư luận xấu khiến cho tình hình căng thẳng không đáng có. “Chúng tôi đang cho các cơ quan chức năng điều tra, xác minh, có đề xuất xử lý HTX nuôi nghêu Đất Mũi”.

Lãnh đạo UBND huyện Ngọc Hiển cho biết, HTX nuôi nghêu Đất Mũi đã lợi dụng danh nghĩa hơn 1.400 xã viên là những hộ dân nghèo sống ven biển để bao ví 180ha bãi biển Khai Long thả nghêu giống. Những hộ dân nghèo địa phương không có điều kiện tham gia. Họ tự cho thuê lại lấy chênh lệch, trục lợi.

Trước câu hỏi biết rõ tình hình vậy sao địa phương không giải quyết, ông Tiến thẳng thắn “để xảy ra tình trạng này, địa phương không thể không chịu trách nhiệm. Chúng tôi biết nhưng chưa cương quyết, chưa đề xuất hợp lý với UBND tỉnh là cái sai của chúng tôi”.

Bài học từ Bến Tre

Loay hoay với bài toán quy hoạch khoanh nuôi bãi nghêu, sò ven biển tại Cà Mau không nhằm mục đích làm cho dân nghèo ven biển được khá hơn, chứ để xảy ra hàng ngàn người vào HTX bắt nghêu chẳng ai muốn. Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau trần tình “thật ra khi thực hiện việc giao cho DN, hay HTX, chúng tôi muốn DN có tiềm lực vào đây đầu tư để gánh bớt phần nào khó nhọc cho dân nghèo. Nào dè cớ sự nó vậy…”.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho rằng, Cà Mau đã tính toán tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản ven bờ, đặc biệt đối với loại thủy sản hai mảnh vỏ. Mục tiêu là tất cả người dân nghèo đều được hưởng lợi từ bãi nghêu.

Nhắc lại chuyện của tỉnh bạn: Chuyện cướp nghêu, đánh nhau đến chết chắc không lạ gì đối với Bến Tre. Hơn 10 năm trước, tại các bãi nghêu thuộc huyện Bình Đại, Thạnh Phú là điểm nóng của cả ĐBSCL. Từ năm 2004, Bến Tre cho thành lập các HTX nuôi nghêu mà tất cả xã viên đều là người nghèo tại địa phương. Ăn chia minh bạch, lợi nhuận, công lao động được tính bằng thời gian lao động tại bãi nghêu. Chính vì thế, bãi nghêu Thới Thuận, huyện Bình Đại được gọi là “mỏ nghêu” của ĐBSCL. HTX xuất khẩu nghêu đi các nước, doanh thu hằng năm trên 100 tỉ đồng, hầu hết đời sống xã viên được khấm khá. Điều gì khiến các “mỏ nghêu” tại Bến Tre ăn nên làm ra, đủ lực nuôi hàng ngàn người nghèo mà giờ đây gọi là xã viên HTX? Đó là vì, một khi bài toán ăn chia lợi nhuận đã được tính toán kỹ lưỡng, công bằng thì lòng dân ưng thuận.

Bạc Liêu, Cà Mau đã tổ chức nhiều đoàn học tập kinh nghiệm quản lý bãi nghêu tại Bến Tre. Đáng buồn là đến nay tình trạng các bãi nghêu vẫn như cũ!

NHẬT HỒ

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/ca-mau-song-con-bai-ngheu-602861.bld