Cà Mau ghi nhận trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên

Sau khi nhận kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur TP HCM, tỉnh Cà Mau đã xác nhận về trường hợp dương tính với bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên trên địa bàn.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cà Mau cho biết, vào ngày 24/2, đơn vị nhận được thông báo từ CDC Cần Thơ phản hồi trường hợp nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ có địa chỉ tại TP Cà Mau đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện Da Liễu Cần Thơ.

Ngay sau đó, CDC Cà Mau đã cử cán bộ phối hợp tiến hành điều tra xác minh. Đến ngày 28/2, qua kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định bệnh nhân C.V.B (trú tại xã Định Bình, TP Cà Mau) mắc bệnh đậu mùa khỉ.

Tiền sử dịch tễ cho thấy, ngày 19/2, bệnh nhân B có xuất hiện triệu chứng đau rát cơ quan sinh dục và xuất hiện vài mụn mủ nên đến khám điều trị tại một phòng khám đa khoa tư nhân. Bệnh nhân được cho thuốc uống 3 ngày nhưng tình trạng không giảm.

Đậu mùa khỉ là căn bệnh nguy hiểm, có thể lây lan

Đến ngày 22/2, bệnh nhân xuất hiện những mụn mủ, bóng mủ đa kích thước, số lượng nhiều, rải rác ở mặt, cổ, cánh tay, bàn tay bàn chân,... Bệnh tình không giảm xuất hiện bóng mủ vỡ rỉ dịch lan rộng ra bàn tay chân, cánh tay cẳng chân, mặt, cổ.

Chiều cùng ngày, bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú tại Bệnh viện da liễu Cần Thơ. Sau khi được chẩn đoán nghi ngờ đậu mùa khỉ, bệnh viện đã lấy mẫu gửi Viện Pasteur TP HCM và nhận kết quả như trên.

Qua điều tra của CDC Cà Mau, gia đình bệnh nhân có 5 người, cha mẹ đi nước ngoài mới về khoảng 3 ngày và 2 người em hiện đang ở xã Nguyễn Phích (huyện U Minh, Cà Mau).

Ngày 9/2, bệnh nhân có nhậu tại nhà với nhiều người. Trong gia đình có 4 người tiếp xúc gần (gồm cha, mẹ và 2 em). Hiện gia đình của bệnh nhân và người thân được ngành Y tế phun hóa chất khử khuẩn, tiếp tục điều tra, truy vết, xác định tất cả người tiếp xúc gần, lập danh sách, hướng dẫn đối tương tự theo dõi sức khỏe trong 21 ngày kể từ ngày tiếp xúc cuối cùng.

Bệnh đậu mùa khỉ có nhiều dấu hiệu và triệu chứng khác nhau. Ở một số người, bệnh chỉ xuất hiện các triệu chứng nhẹ nhưng ở một số người khác các triệu chứng nặng hơn và cần được chăm sóc tại cơ sở y tế. Những người có nguy cơ cao mắc bệnh nặng hay biến chứng bao gồm phụ nữ mang thai, trẻ em và người bị suy giảm miễn dịch. Triệu chứng điển hình của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm sốt, đau đầu dữ dội, đau cơ, đau lưng, suy nhược cơ thể, sưng hạch bạch huyết. Sau đó xuất hiện phát ban hoặc đi kèm phát ban, và có thể kéo dài 2-3 tuần. Các nốt ban có xu hướng tập trung ở mặt, lòng bàn tay và lòng bàn chân, mắt, miệng, họng, bẹn, và cơ quan sinh dục/hoặc quanh vùng hậu môn. Giai đoạn đầu, các tổn thương phẳng sau đó hình thành mụn nước, mụn mủ trước khi đóng vảy, khô lại và bong vảy, và hình thành một lớp da mới.

Người có các triệu chứng nghi của bệnh đậu mùa khỉ, hoặc tiếp xúc với người mắc bệnh đậu khỉ mùa cần chủ động liên lạc hoặc tới cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn kịp thời.

An Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ca-mau-ghi-nhan-truong-hop-mac-benh-dau-mua-khi-dau-tien-post286222.html