Bứt phá từ kinh tế biển

Thời gian qua, Quảng Ninh đã luôn tích cực đầu tư các nguồn lực để phát triển kinh tế biển. Qua đó, sớm hiện thực hóa mực tiêu trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ trung chuyển của khu vực Đông Nam Á, một động lực phát triển của vùng và cả nước với hệ thống cảng biển nước sâu đồng bộ, hiện đại gắn với phát triển kinh tế, chuỗi khu kinh tế, khu công nghiệp, đô thị biển - ven biển...

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Đỗ Phương

Là cửa ngõ thông ra biển của cả vùng đồng bằng sông Hồng - vùng trung du miền núi phía Bắc với hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo, Quảng Ninh hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác tổng hợp, thuận lợi cho ngành vận tải đường biển giữa nước ta và các nước trên thế giới.

Với nhiều lợi thế, những năm qua, tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đồng thời mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển. Tỉnh cũng ban hành nhiều nghị quyết, kế hoạch, chương trình hành động nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế biển. Nổi bật là Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23-4-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với thực hiện Chương trình số 27-CTr/TU ngày 27-3-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh cũng đã đề xuất áp dụng nhiều cơ chế đột phá để thu hút các nguồn lực đầu tư cho hạ tầng, nhằm thúc đẩy và phát huy hết những tiềm năng, lợi thế về cảng biển sẵn có.

Đặc biệt, tỉnh đã mở rộng hợp tác với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển, như: Cảng Cái Lân, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng khách quốc tế Tuần Châu, Cảng Cẩm Phả, Cảng Vạn Ninh, Cảng biển Hải Hà và đang tiếp tục thu hút đầu tư Cảng Hòn Nét - Con Ong... Cùng với đó, tỉnh cũng đang đẩy mạnh thực hiện hiệu quả việc phát triển mới các dịch vụ có giá trị tăng cao như: Hệ thống cửa hàng mua sắm trong khu vực Bãi Cháy, bến du thuyền, hoàn thiện hạ tầng khu vực bờ biển Trần Quốc Nghiễn, bãi tắm Hòn Gai, Cẩm Phả; đầu tư mới hệ thống khách sạn tiêu chuẩn 4 - 5 sao...

Du khách qua Cảng cao cấp Ao Tiên ra các tuyến đảo. Ảnh: Đỗ Phương

Với sự quan tâm đầu tư đồng bộ, hiệu quả, kinh tế biển của tỉnh đã ngày càng phát huy và khẳng định được vị thế. Đặc biệt, nhờ đẩy mạnh đầu tư hệ thống đường giao thông kết nối các KCN, KKT, các vùng sản xuất lớn và những khu vực có tiềm năng về phát triển cảng biển, dịch vụ cảng biển, du lịch (đường nối KCN Cái Lân đến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; đường kết nối đường tỉnh 331 với đường tỉnh 338 - TX Quảng Yên; đường trục chính thứ 2 của KCN cảng biển Hải Hà và đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả…); hệ thống giao thông liên vùng và quốc tế (tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái, sân bay Vân Đồn)… Quảng Ninh tạo ra hệ thống kết cấu hạ tầng liên thông, đồng bộ, hiện đại, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế biển. Quy mô ngành kinh tế hàng hải của tỉnh ngày càng gia tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong giá trị gia tăng của kinh tế biển. Đến nay, nhiều ngành kinh tế biển và ven biển đã trở thành động lực tăng trưởng. Trong đó, ngành du lịch và dịch vụ biển vượt qua khó khăn trong dịch bệnh, tiếp tục phát triển, khẳng định thương hiệu, vị thế của tỉnh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Năm 2022, doanh nghiệp trong tỉnh hoạt động trong lĩnh vực vận tải, kho bãi ở các cảng, bến đạt doanh thu trên 37.500 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2019-2022, tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển là 128.969 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng thu nội địa toàn tỉnh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW trong giai đoạn 2019-2022 là 42.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,62%.

Quảng Ninh đặt mục tiêu giai đoạn 2022 - 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế biển 11,5 - 12%, đóng góp vào cơ cấu GRDP của tỉnh 22 - 23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế; Doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng... Để hiện thực hóa mục tiêu này, tiếp tục phát triển bền vững kinh tế biển, tỉnh sẽ ưu tiên xây dựng đồng bộ và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng đa mục tiêu, nhằm bảo đảm “lợi ích kép” trong phát triển. Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác hợp tác quốc tế và khu vực trong phát triển kinh tế biển bền vững và đào tạo nguồn nhân lực biển hiệu quả; tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian dựa vào hệ sinh thái và theo chức năng sử dụng biển, đảo và vùng ven biển.

Đặc biệt mới đây, Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" sẽ tiếp tục là lực đẩy để kinh tế biển Quảng Ninh phát triển bứt phá. Quyết định nêu rõ: Xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước. Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.

Hoài Anh (Báo Quảng Ninh)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/150932/but-pha-tu-kinh-te-bien