Buôn lậu thuốc lá ngày càng manh động

Tình hình buôn lậu thuốc lá tại các tỉnh biên giới phía Nam đang diễn biến phức tạp, các đối tượng đầu nậu vô cùng manh động trong khi lực lượng chống buôn lậu còn mỏng khiến cuộc chiến ngày một cam go, phức tạp.

Các lực lượng chức năng CK Mộc Bài (Tây Ninh) phối hợp kiểm tra phương tiện nhập khẩu. Ảnh: T.D.

Buôn lậu tấn công lực lượng chức năng

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, tình trạng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vào Việt Nam với số lượng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách. Năm 2012, con số thất thu thuế khoảng 6.500 tỷ đồng, sang năm 2013 là 6.700 tỷ đồng và hai năm gần đây, con số này đã lên đến 10.000 tỷ đồng mỗi năm. Theo Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, thuốc lá lậu lấy đi trên 20% thị phần trong nước, gây thất thu ngân sách, mất sản lượng nguyên liệu 18.000 tấn/năm (tương đương diện tích trồng 10.000 hecta); làm mất 5 triệu công lao động/năm của nông dân; mất việc làm của 600.000 công nhân lao động/năm...

Theo các lực lượng chức năng thuộc các tỉnh biên giới phía Nam, lợi nhuận do thuốc lá mang lại cho giới buôn lậu chỉ đứng sau ma túy nên dù các lực lượng chống buôn lậu luôn nỗ lực, song tình hình buôn lậu thuốc lá luôn “nóng”. Điều đáng lo ngại là các đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu gần như công khai, thách thức các lực lượng chống buôn lậu. Không chỉ mang vác, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ như lâu nay, đối tượng buôn lậu thuốc lá giờ đây dùng cả ô tô, taxi, xe tải, thậm chí xe biển xanh hóa giá từ cơ quan Nhà nước để vận chuyển thuốc lá qua biên giới, tuồn sâu vào nội địa…

Ông Võ Thiện Ngộ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An cho biết, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trên địa bàn tỉnh Long An đang có những diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, tính chất quy mô và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng. Các đối tượng buôn lậu thuốc lá hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, sử dụng xe máy, xuồng máy, xe ô tô vận chuyển số lượng lớn chạy tốc độ cao. Các đối tượng đầu nậu còn câu kết, kích động các đối tượng vận chuyển thuê chống đối, cản trở, hành hung lực lượng làm nhiệm vụ để cướp lại hàng hóa, tang vật vi phạm. Điển hình như vụ đối tượng buôn lậu dùng cây đánh chết ông Nguyễn Kim Danh, cán bộ Đội Quản lý thị trường số 1, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An vào ngày 15-9 vừa qua cho thấy tính chất cam go, phức tạp trong cuộc chiến chống buôn lậu.

Bên cạnh đó, tại một số huyện tiếp giáp giữa Long An, Tây Ninh, TP.HCM như: Đức Hòa, Đức Huệ các đối tượng hình thành nhiều băng nhóm, đường dây buôn lậu có tổ chức và tập trung nhiều đối tượng manh động, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ. Các đối tượng buôn lậu thường chọn thời điểm để vận chuyển thuốc lá lậu là ban đêm nhiều hơn ban ngày và vận chuyển chủ yếu tuyến đường sông vì sẽ vận chuyển được số lượng hàng lớn, khoảng 5.000-6.000 gói/chuyến.

Tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp, các lực lượng chức năng cũng đang ngày đêm căng mình để ngăn chặn thuốc lá thẩm lậu từ biên giới Campuchia về Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Đồng Tháp chia sẻ, nằm dọc theo tuyến biên giới Đồng Tháp hiện đang tồn tại khoảng 20 điểm, kho chứa hàng lậu và phức tạp nhất là tuyến biên giới dọc theo sông Sở Thượng (dòng sông chung) thuộc khu vực xã Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự). Mỗi ngày, có khoảng 20 – 25 thùng (cao điểm 40 – 50 thùng) với khoảng 5.000 gói thuốc lá lậu được vận chuyển.

“Các đối tượng buôn lậu thuốc lá thường giám sát chặt lực lượng chức năng trước và trong lúc buôn lậu bằng cách bố trí người (thường là 2 người), ngồi canh trước trụ sở hoặc chạy xe máy dò đường. Sau khi dò đường, họ tổ chức canh đường liên tục, cảnh giới liên tục để vận chuyển hàng lậu hoặc nếu có nghi vấn thì bấm điện thoại cho đồng bọn để không tổ chức vận chuyển, phân tán nhỏ lẻ và tạm dừng hoạt động”, Phó Cục trưởng Nguyễn Thanh Toàn cho biết.

Các đối tượng thường sử dụng chiêu thức phân tán nhiều nơi, để trong nhà dân san sát nhau, mỗi nhà từ 15 cây đến 20 cây thuốc lá. Thuốc lá cũng không để trong nhà lâu, thường khoảng một tiếng đồng hồ và vận chuyển bằng xe máy, xe khách, ghe xuồng hoặc gửi vào cặp của học sinh để đưa vào nội địa. Đặc biệt, trên tuyến đường từ thị xã Hồng Ngự đi TP. Cao Lãnh (Đồng Tháp) và Tiền Giang có nhiều nhóm đối tượng rất chuyên nghiệp, liều lĩnh dùng xe gắn máy chở khoảng 700 đến 1.200 bao thuốc lá/chuyến với tốc độ cao. Trong quá trình vận chuyển, luôn có người dò đường, chạy xe bấm điện thoại cảnh báo cho những người vận chuyển đi phía sau.

Thậm chí, các đối tượng sẵn sàng cản đường khi bị truy đuổi hoặc tông thẳng phương tiện vào lực lượng chống buôn lậu nếu bị bắt. Đó là vụ việc xảy ra vào ngày 6-10, 2 cán bộ chống buôn lậu thuộc Bộ đội Biên phòng của tỉnh Đồng Tháp khi phát hiện, và thực hiện bắt giữ đối tượng chạy xe máy chở 20 cây thuốc lá, để thoát thân đối tượng đã tông thẳng xe vào khiến ông Nguyễn Kế Nam, Đội trưởng đặc nhiệm phòng chống ma túy bị gãy xương đòn và ông Nguyễn Thế Võ bị thương.

Công tác phối hợp cần chặt chẽ

Theo ông Võ Thiện Ngộ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Long An, trong khi các đối tượng buôn lậu đông, manh động thì biên chế làm nhiệm vụ chống lậu của các lực lượng chức năng còn rất mỏng. Trong quá trình làm nhiệm vụ, những đối tượng buôn lậu luôn so sánh lực lượng tương quan, nếu thấy có ưu thế hơn sẽ tổ chức đám đông chống đối, cướp lại tang vật hoặc tấn công lực lực chống buôn lậu. Các điều kiện vật chất phục vụ cho công tác chống lậu như ca nô, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị đầy đủ cho các Đội Quản lý thị trường… không đảm bảo an toàn cho lực lượng trong quá trình thực thi công vụ. Các đại biểu cũng cho biết, hiện hầu hết phương tiện, xe máy được sử dụng vận chuyển hàng lậu đều không có giấy tờ, đã qua nhiều chủ sử dụng và không có hợp đồng mua bán nên việc truy tìm cũng rất khó khăn.

Chia sẻ với những khó khăn của các lực lượng chống buôn lậu, ông Đàm Thanh Thế, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho rằng, ngoài việc sẵn sàng tấn công lực lượng thi hành công vụ, sự liều lĩnh của đối tượng buôn lậu thuốc lá khi điều khiển phương tiện vận chuyển với tốc độ cao còn có thể gây tai nạn trên đường vận chuyển hoặc trốn chạy lực lượng kiểm tra. Do đó, muốn đấu tranh an toàn và hiệu quả, các lực lượng đấu tranh chống thuốc lá lậu phải phối hợp chặt chẽ để tăng cường sức mạnh, đủ sức chống lại số đông hoặc các băng nhóm buôn lậu.

Hiện tất cả các lực lượng chức năng tham gia chống buôn lậu đều có quy chế phối hợp từ cấp cao như Tổng cục đến cấp cục, địa phương, quận huyện đến đồn, trạm cửa khẩu, nên việc phối hợp cần đi vào thực chất hơn, chặt chẽ hơn để phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác chống buôn lậu, bảo vệ lực lượng, hạn chế thấp nhất tình trạng chống người thi hành công vụ dẫn đến thương vong, mất tang vật. Mặt khác, việc duy trì thường xuyên mối quan hệ giữa các lực lượng tại biên giới cũng cần đi vào thực chất hơn và hơn hết mỗi đơn vị, mỗi cán bộ chiến sỹ phải thật sự tin tưởng nhau, cùng một mục đích chung là hạn chế thấp nhất tình trạng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thu Dịu

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/buon-lau-thuoc-la-ngay-cang-manh-dong.aspx