Buôn bán 'luồn lách' đã trở thành lề thói?

Cả xã hội đang run rẩy trước thực phẩm bẩn, thực phẩm thiếu an toàn. Năm ngoái vấn đề này đã làm 'nóng' nghị trường Quốc hội, xuất hiện dày đặc trên các trang báo chính thống lẫn các diễn đàn. Những hình ảnh về chế biến xúc xích bẩn, lòng lợn thối, rau phun thuốc quá liều, trái cây ngâm tẩm hóa chất, đùi gà có dòi… được chia sẻ chóng mặt trên mạng xã hội.

Thịt heo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại các chợ.

Thịt heo không rõ nguồn gốc được bày bán tràn lan tại các chợ.

Ai cũng muốn ăn sạch, uống sạch nhưng không phải ai cũng biết cách đề làm điều đó. Người buôn rau cố gắng phun xịt để sản phẩm của mình bắt mắt, kẻ bán thịt cũng “chiêu trò” để miếng thịt của mình trông hấp dẫn…nhưng không mấy ai nghĩ, kẻ bán rau sẽ mua thịt và người bán thịt sẽ cần rau. Chẳng ai nghĩ cho ai ngoài việc làm sao để túi tiền của mình càng nặng càng tốt.

Có cảm giác, hình như chỉ có buôn bán mánh lới mới mới thật sự mang lại hiệu quả kinh tế, lâu dần trở thành mục đích lý tưởng, ăn vào máu, ngấm vào xương tủy. Có chuyện lạ đời đã từng xảy ra giữa tâm bão ung thư hồi năm ngoái: Lò mổ lớn nhất, hiện đại nhất Miền Tây, được đầu tư hàng chục tỷ đồng bị phá sản sau 6 tháng hoạt động vì lý do không thể cạnh tranh với lò mổ “lậu” mọc lên như nấm!

Có nghịch lý không khi mà hàng chục triệu người đang cần những miếng thịt ít bẩn nhất thì cái lò mổ quy củ không “sống” được do phải chia thị phần với những đồ tể cầm dao chọc tiết lợn. Tại sao những cái “ung nhọt” kia vẫn sống đàng hoàng mà làm ăn chân chính lại không tồn tại? Chắc chắn dư luận đã biết nguyên nhân!

Cuộc chiến giành lại miếng thịt sạch tưởng chừng đã có giải pháp bằng cách đeo vòng và truy xuất nguồn gốc, nhưng xem ra không hề đơn giản. Sáng 18/10, Sở Công Thương TP.HCM tổ chức họp báo, công bố số liệu sau ba ngày thực hiện quy định 100% heo vào hai chợ đầu mối phải đeo vòng (từ ngày 16/10).

Theo đó, trong ngày đầu thực hiện, chợ Hóc Môn ghi nhận có 22% heo đeo vòng trong tổng số 5.046 con, còn chợ Bình Điền được 0%. Đến ngày 17/10, tỷ lệ heo đeo vòng ợ chợ Hóc Môn là 51%, Bình Điền 4% và ngày 18 Hóc Môn tăng lên 76% trong khi Bình Điền chỉ là 6%.

Vì sao không phải là 100% mà chỉ có rải rác vài, vài chục, thậm chí không? Hóa ra quy định vẫn chỉ là quy định còn thói quen lề cũ cứ thế mà làm! Những người có thẩm quyền từng hô hào, quyết tâm nhưng tiểu thương không chấp hành cũng chả thấy ai bị cấm buôn bán hoặc bị phạt. Rồi là những lý do “mạng wifi yếu” “thịt heo được mua từ nhiều nguồn nhỏ lẻ”. Ô hay! thế mới cần truy xuất nguồn gốc chứ!?

Người bán cứ bán, người ăn cứ ăn, ai bệnh tật, ai ngộ độc, ai chết ráng chịu. Chưa biết việc truy xuất này sẽ làm tới đâu nhưng đã thấy bóng dáng của nửa vời, không tới nơi. Trong khi đó những ngày gần đây, TP. HCM phát hiện hàng ngàn con heo bị tiêm thuốc an thần, nằm vật vờ chờ giết thịt đem bán. Thậm chí có đeo “vòng nguồn gốc” mà vẫn dính thuốc an thần! Phải chăng “nén bạc đâm toạc tờ giấy?”.

Cung cách buôn bán như thế làm cho người Việt chẳng bao giờ lớn nổi, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sợ hãi thực phẩm trong nước khiến Việt Nam phải nhập thịt nước ngoài trong khi lợn trong nước có lúc thừa bán chẳng ai mua. Ta tự hại mình, bao nhiêu đồng tiền thu được từ buôn bán “luồn lách” rồi cũng đổ vào bệnh viện để cứu lấy mạng sống của chính mình.

Truy xuất nguồn gốc thực phẩm bằng điện thoại là phương thức buôn bán tiêu dùng văn minh, thế nhưng không ít người chỉ muốn lạc hậu. Mà suy cho cùng, cái vòng đeo cũng chỉ là vật vô tri vô giác.

Hoàng Giang

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/buon-ban-luon-lach-da-tro-thanh-le-thoi-118625.html