Bước vững chắc trên 'đôi chân' khoa học công nghệ

Tại hội nghị tổng kết 5 năm hoạt động khoa học và công nghệ (KH-CN) giai đoạn 2011-2016, diễn ra ngày 22-11, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý nhận định: Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ của thành phố 5 năm qua đã gắn kết hơn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Hà Nội còn phải nỗ lực rất nhiều để thu hút các doanh nghiệp, tập đoàn lớn chú trọng vào hoạt động nghiên cứu, triển khai ứng dụng nhằm tạo chiến lược phát triển đồng bộ, bước đi vững chắc trên chính “đôi chân” khoa học công nghệ.

Nhiều đề tài đi vào thực tiễn

Tại hội nghị, Giám đốc Sở KH-CN, Tiến sĩ Lê Xuân Rao cho biết, thời gian qua, hoạt động KH-CN của Hà Nội đã có những bước tiến quan trọng. Tỷ lệ ứng dụng các đề tài, dự án vào thực tiễn sản xuất ngày càng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực xử lý môi trường, ứng dụng KH-CN phục vụ nông nghiệp, nông dân và nông thôn, y tế, cơ khí, điện tử, tự động hóa. Các chương trình KH-CN cấp thành phố đã triển khai gần 500 đề tài, dự án nghiên cứu; 59 dự án thử nghiệm. Số lượng bài báo trong nước và quốc tế là 430 bài; 22 sản phẩm đã được đăng ký sáng chế, sở hữu công nghiệp; 22 nhãn hiệu tập thể được cấp cho các sản phẩm đặc sản của các làng nghề truyền thống…

Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn, một trong những dự án đã được thẩm định công nghệ.
Ảnh: Bá Hoạt

Ngoài ra, các hoạt động quản lý nhà nước về thẩm định công nghệ, tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng tiếp tục được chú trọng. Từ năm 2011 tới nay, ngành đã tiến hành thẩm định công nghệ 96 dự án đầu tư trong các lĩnh vực: Cấp nước sạch, xử lý chất thải, tăng cường năng lực cho các cơ sở y tế… Trong đó có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như Nhà máy Xử lý nước thải Yên Sở; Nhà máy Xử lý nước thải Yên Xá, Nhà máy Xử lý rác thải tại Nam Sơn… Sở KH-CN cũng đã thẩm tra hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký cho 58 hợp đồng chuyển giao công nghệ, hợp đồng trợ giúp kỹ thuật. Một số doanh nghiệp KH-CN hoạt động hiệu quả, doanh thu từ hoạt động KH-CN ngày càng cao, điển hình là Công ty CP Giống cây trồng trung ương (VINASEED). Một số doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài như Công ty CP Robot Tosy, Công ty TNHH Thủy lực máy HMC, Công ty CP Thanh Hà…

Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở KH-CN Lê Xuân Rao, hoạt động KH-CN vẫn còn một số hạn chế: Các doanh nghiệp vẫn chủ yếu tập trung vào nhập khẩu công nghệ thiết bị trọn bộ và nguyên vật liệu nước ngoài để sản xuất, gia công, do đó hiệu quả kinh tế chưa cao, chưa có chiến lược phát triển, lâu dài, bền vững. Hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc, đặt hàng trực tiếp doanh nghiệp và nhà nghiên cứu chưa thường xuyên. Tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng còn chậm, do khó khăn trong việc bố trí kinh phí. Đội ngũ quản lý hoạt động KH-CN thiếu cả về lượng và chất, dẫn đến việc triển khai thực hiện chiến lược và các nhiệm vụ KH-CN còn chậm, hiệu quả chưa cao.

Gắn trách nhiệm của nhà khoa học với sản phẩm cuối cùng

GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình phát triển nông nghiệp 01C-05 cho rằng: Nhiều đề tài, dự án chưa bám sát được định hướng phát triển kinh tế của thành phố, đề tài nghiên cứu có nhiều nhưng số dự án phát triển, mô hình ứng dụng còn hạn chế. Theo GS.TS Nguyễn Hồng Sơn, Sở KH-CN Hà Nội cần đổi mới vai trò tư vấn của Ban Chủ nhiệm và các Hội đồng KH-CN xét duyệt đề tài, dự án. Các Hội đồng không chỉ xem xét tuyển chọn, mà còn phải có cơ chế để chủ động hơn trong tư vấn thiết kế, xác định nhiệm vụ, đánh giá tiền khả thi và giám sát.

Đại diện Trường Đại học Kinh tế quốc dân góp ý: Để gắn trách nhiệm giữa các nhà khoa học với sản phẩm cuối cùng của đề tài, kinh phí thực hiện đề tài ứng dụng cần tách thành 2 phần, một phần để thực hiện đề tài và phần còn lại để đưa kết quả vào thực tiễn.

Theo PGS.TS Lê Đức Mạnh, đại diện Ban Chủ nhiệm Chương trình công nghệ sinh học 01C-06, đầu tư cho nông nghiệp là đầu tư lớn, tính rủi ro cao, thời gian thu hồi vốn kéo dài, do đó, nhiều doanh nghiệp không muốn làm. Vì vậy, cần tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nghiên cứu đẩy mạnh việc hình thành những cánh đồng mẫu lớn, những vùng chuyên canh cây ăn quả, rau màu… Nếu làm tốt những việc này thì mới có thể ứng dụng khoa học trong trồng trọt, áp dụng KH-CN trong bảo quản và chế biến.

Trong bối cảnh các quy định tài chính quá phức tạp và chồng chéo, Hiệu trưởng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội Lê Quân mong muốn Sở KH-CN có hướng dẫn chi tiết để các chủ nhiệm đề tài chủ động thực hiện đúng yêu cầu. Nhà trường cũng cần có thêm thông tin cập nhật về các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu phát triển của thành phố, định hướng phát triển KH-CN Thủ đô.

Lắng nghe ý kiến từ đại diện các cơ quan nghiên cứu và các địa phương, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cho rằng các cơ chế, chính sách phục vụ cho phát triển KH-CN vẫn còn thiếu, không đồng bộ và hiệu quả còn thấp. Một số cấp ủy, chính quyền, sở, ngành chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của KH-CN, chưa coi KH-CN là động lực thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, địa phương mình. Việc đặt hàng nghiên cứu của lãnh đạo các cấp chưa nhiều; còn thiếu chiến lược, quy hoạch để hình thành chương trình nghiên cứu cho các lĩnh vực sản phẩm chủ lực, sáng chế phát minh, những công nghệ dây chuyền đồng bộ hội tụ nhiều ngành chuyên môn sâu và có thể thương mại hóa để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Phó Chủ tịch Ngô Văn Quý nhấn mạnh: Các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã cần tăng cường đặt hàng các nhiệm vụ KH-CN. Ngành cần gắn hoạt động nghiên cứu với thực hiện Luật Thủ đô, các chương trình công tác của Thành ủy và yêu cầu thực tiễn, tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, trong đó ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ sạch, nông thôn mới, quy hoạch phát triển Thủ đô, xây dựng kiến trúc đô thị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển văn hóa và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

Quỳnh Phạm

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Khoa-hoc/855862/buoc-vung-chac-tren-doi-chan-khoa-hoc-cong-nghe