Bước tiến quan trọng vì hòa bình

Dưới sự trung gian của Ai Cập, đảng Fatah và Phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine đã ký thỏa thuận hòa giải, chấm dứt chia rẽ kéo dài mười năm qua. Đây được coi là bước tiến chính trị quan trọng nhằm xây dựng một chính phủ đoàn kết ở Palestine để cùng nhau giải quyết những thách thức nội tại, đồng thời tạo ra một mặt trận thống nhất trong cuộc đấu tranh bền bỉ nhằm thực hiện giấc mơ về một Nhà nước Palestine độc lập.

Cuộc xung đột giữa hai phe phái đối địch Fatah và Hamas ở Palestine bùng phát vào năm 2007, dẫn tới sự phân chia quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ đất nước.

Hamas kiểm soát dải Gaza, trong khi đảng Fatah đứng đầu chính quyền hoạt động ở khu Bờ Tây. Việc Hamas, một tổ chức bị Israel liệt vào danh sách khủng bố, kiểm soát dải Gaza đã khiến dải đất này bị phong tỏa cả về kinh tế lẫn ngoại giao, đẩy khoảng hai triệu người dân tại đây vào cảnh khó khăn. Gaza đối mặt cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng, tỷ lệ thất nghiệp lên đến gần 50% và thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu điện sinh hoạt. Quan hệ căng thẳng khiến cả Fatah và Hamas gặp khó khăn trong việc quản lý khu Bờ Tây và dải Gaza.

Mong muốn của người dân Palestine về chấm dứt xung đột giữa hai phe phái chủ chốt ở nước này là một đòi hỏi tất yếu và chính đáng nhằm đưa họ thoát khỏi cuộc sống khó khăn và đạt được sự thống nhất quốc gia giúp tăng cường vị thế của Palestine trong tiến trình hòa bình Trung Đông. Tuy nhiên, nhiều nỗ lực hòa giải giữa hai phong trào chính trị ở Palestine đã thất bại. Kể từ tháng 3-2009, Ai Cập đứng ra làm trung gian và thỏa thuận hòa giải do nước này soạn thảo được cả Hamas và Fatah thông qua vào tháng 5-2011. Mặc dù vậy, tiến trình chính trị ở Palestine dường như vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi những mâu thuẫn sâu sắc khó hóa giải giữa hai bên.

Cuộc đối thoại tại thủ đô Cairo của Ai Cập vừa qua diễn ra sau khi Phong trào Hamas thông báo giải thể Hội đồng hành chính do phong trào này thành lập để điều hành dải Gaza và đồng ý chuyển giao các cơ quan chức năng chính quyền tại vùng lãnh thổ này cho chính quyền dân tộc Palestine của Tổng thống Mahmoud Abbas theo thỏa thuận do Ai Cập làm trung gian. Tổng thống Palestine Abbas đã tiếp nhận quyền kiểm soát dải Gaza từ Hamas sau cuộc họp nội các tại Gaza lần đầu trong vòng ba năm qua. Tại cuộc đàm phán bắt đầu ngày 10-10 vừa qua, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi đã kêu gọi các phe phái Palestine chấm dứt chia rẽ, xây dựng một chính phủ đoàn kết ở Palestine. Tổng thống el-Sisi nhấn mạnh, mặc dù có những thách thức, song vấn đề Palestine luôn là ưu tiên hàng đầu của Ai Cập trong các cuộc họp với các nhà lãnh đạo thế giới cũng như các hội nghị quốc tế. Ông nhận định có cơ hội cho hòa bình khu vực nếu tất cả các bên đoàn kết; đồng thời tin tưởng rằng những khác biệt giữa người Palestine sẽ được giải quyết với sự ủng hộ của các nước A-rập và từ chối bất cứ sự can thiệp nào từ bên ngoài.

Thỏa thuận đạt được tại Cairo mới đây được Tổng thống Palestine Abbas hy vọng là "thỏa thuận cuối cùng" giữa Fatah và Hamas, chấm dứt tranh cãi kéo dài giữa hai bên. Với thỏa thuận này, trong vòng một tháng tới, Tổng thống Abbas dự kiến có chuyến thăm đầu tiên tới dải Gaza trong mười năm qua. Chính quyền Palestine sẽ tiếp quản tất cả các vai trò trong lĩnh vực an ninh và dân sự, theo đó sẽ triển khai 3.000 cảnh sát trở lại Gaza. Chính quyền Palestine cũng sáp nhập lực lượng viên chức, lao động lên tới hơn 40 nghìn người của Hamas .

Việc hòa giải và duy trì hòa hợp giữa Fatah và Hamas được coi là bước tiến lịch sử quan trọng đối với Palestine. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, Liên hợp quốc sẵn sàng hỗ trợ chính quyền Palestine quản lý dải Gaza trong bối cảnh cần giải quyết khẩn cấp cuộc khủng hoảng nhân đạo tại vùng đất này. Liên đoàn A-rập cũng hoan nghênh thỏa thuận hòa giải giữa hai phái ở Palestine và cho rằng đây là bảo đảm quan trọng để đạt được khát vọng của nhân dân Palestine thành lập nhà nước của riêng mình. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu trên lộ trình đầy gian nan thống nhất các phe phái chính trị ở Palestine. Cuộc đàm phán với Israel nhằm đem lại nền hòa bình lâu dài ở Trung Đông được dự báo sẽ vô cùng khó khăn khi Nhà nước Do Thái sẽ khó có thể chấp thuận các cuộc đối thoại có sự tham gia của Hamas. Trong khi đó, hòa giải với Fatah có nghĩa Hamas phải đồng ý hành động theo Cương lĩnh chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), chấp nhận đấu tranh với Israel bằng con đường hòa bình thông qua đàm phán.

Dù còn nhiều chông gai ở phía trước, song thỏa thuận hòa giải giữa hai phong trào chính trị chủ chốt Fatah và Hamas sẽ giúp thúc đẩy việc thành lập một mặt trận đoàn kết thống nhất dưới ngọn cờ của PLO, tiếp tục cuộc đấu tranh vì khát vọng hòa bình, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo người dân Palestine.

BẢO TRÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/34407102-buoc-tien-quan-trong-vi-hoa-binh.html