Bước ra từ trang sách

Thông qua hình thức sân khấu hóa các mẩu chuyện trong sách, hội thi Kể chuyện theo sách do Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Đông Hà tổ chức đã thu hút đông đảo học sinh trên địa bàn thành phố tham gia. Qua cuộc thi, các em thiếu niên, nhi đồng được thỏa sức thể hiện tình yêu dành cho sách, đồng thời bồi đắp, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống; góp phần xây dựng và phát triển văn hóa đọc sâu rộng trong học sinh.

Đội thi đến từ Trường Tiểu học Đông Giang, TP. Đông Hà mang đến hội thi câu chuyện cổ tích Cậu bé Tích Chu- Ảnh: H.T

Hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” năm 2023 đã thu hút học sinh đến từ 14 trường tiểu học, TH&THCS trên địa bàn TP. Đông Hà tham gia. Các câu chuyện dự thi được tuyển chọn trong hệ thống sách, báo, tạp chí được sử dụng trong trường học và thuộc hệ thống sách báo do các nhà xuất bản được phép phát hành với nội dung kể về gia đình; thầy, cô giáo; ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, khát vọng thống nhất non sông; ca ngợi Đảng, Bác Hồ…

Mỗi tiết mục dự thi đều được các em dành thời gian tập luyện, dàn dựng rất công phu. Ngoài giọng kể chuyện xuất sắc, truyền cảm, mỗi đội thi còn chọn cho mình một cách minh họa khác nhau tạo thêm sức hấp dẫn, sự sinh động để người nghe cảm thụ tốt hơn, sâu sắc hơn về những bài học, thông điệp qua câu chuyện các em muốn gửi gắm.

Đặc biệt, những câu chuyện có đề tài về người lính, về sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ để bảo vệ nền hòa bình, độc lập cho Tổ quốc, cho Nhân dân đã gây xúc động mạnh cho khán giả. Điển hình như các tiết mục: “10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc” của đội thi đến từ Trường Tiểu học Phường 3; “13 liệt sĩ ở Rào Trăng 3 - Mệnh lệnh từ trái tim” của đội thi đến từ Trường Tiểu học Phường 2; “Thành Cổ Quảng Trị, ký ức vọng về” của đội thi đến từ Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc; “Chị Võ Thị Sáu, con người và huyền thoại” của đội thi đến từ Trường Tiểu học Võ Thị Sáu…

Em Nguyễn Gia Bảo, học sinh lớp 4B, Trường Tiểu học Phường 3, TP. Đông Hà cho biết: “Em cảm thấy rất vui vì đội thi của chúng em đã đoạt giải Xuất sắc của hội thi. Thông qua câu chuyện về 10 cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc, em mong muốn các bạn thiếu niên, nhi đồng hiểu nhiều hơn về những giai đoạn lịch sử hào hùng và bi tráng của dân tộc; về sự hy sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ đã hiến trọn tuổi thanh xuân, máu xương, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của Nhân dân. Từ đó, sẽ cố gắng phấn đấu nhiều hơn trong học tập, rèn luyện để dựng xây quê hương ngày càng giàu đẹp”.

Bên cạnh những câu chuyện về đề tài lịch sử cách mạng của dân tộc, các em còn mang đến hội thi những câu chuyện cổ tích, những bài học ứng xử trong cuộc sống và nhiều thông điệp ý nghĩa từ trang sách mà các em đã được đọc như câu chuyện “Sự tích cây vú sữa”, “Cậu bé Tích Chu”, “Người mẹ một mắt”... Mỗi câu chuyện mang một cách diễn đạt, một màu sắc khác nhau nhưng đã trở thành những kịch bản tuyên truyền xuất sắc về sách, về quê hương, đất nước, con người và nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Mặt khác, hội thi còn giúp học sinh củng cố thêm kiến thức mà các em đã được học trong giờ chính khóa, đồng thời giúp các em hiểu biết thêm về giá trị cuộc sống, tình cảm gia đình, lòng hiếu thảo, lòng biết ơn ông bà, cha mẹ. Từ đó, các em cố gắng học tập, tu dưỡng đạo đức, có tình cảm đẹp và hành động đúng, phấn đấu xứng đáng là con ngoan, trò giỏi, chủ nhân tương lai của đất nước.

Em Lê Trần An Ny, học sinh lớp 2B, Trường Tiểu học Đông Giang, TP. Đông Hà chia sẻ cảm xúc của mình: “Chúng em mang đến hội thi câu chuyện cổ tích Cậu bé Tích Chu với mong muốn các bạn nhỏ yêu hơn kho tàng truyện cổ tích Việt Nam, tìm đọc để hiểu được những bài học, những thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình, tình yêu quê hương, đất nước được gửi gắm trong đó”.

Phó Giám đốc Thư viện tỉnh Trịnh Thị Thanh Hà cho biết, xuất phát từ nhận thức đúng đắn về mục đích, ý nghĩa và vai trò to lớn của việc đọc sách, xuất phát từ thực trạng đọc sách của học sinh hiện nay, Thư viện tỉnh phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Đông Hà tổ chức hội thi kể chuyện theo sách, nhằm giúp các em thiếu niên, nhi đồng hình thành thói quen đọc sách để mở rộng kiến thức, mở rộng tầm nhìn, kích thích sáng tạo, làm phong phú thêm tâm hồn qua từng trang sách, từ đó góp phần xây dựng phong trào đọc sách sâu rộng trong nhà trường, đem lại hiệu quả thiết thực cho việc học và làm theo sách của các em.

Hội thi cũng là một trong những hoạt động nhằm đưa phong trào thiếu nhi kể chuyện theo sách trở thành một hoạt động văn hóa sâu rộng trong nhà trường, trong Đoàn, Đội, trong tất cả mọi lứa tuổi, giúp các em có dịp giao lưu, học hỏi, được hòa mình vào trang sách với những câu chuyện kể ý nghĩa để lan tỏa văn hóa đọc đến với cộng đồng.

Việc xây dựng không gian văn hóa đọc và các hoạt động thúc đẩy văn hóa đọc cũng hết sức quan trọng. Và “Kể chuyện theo sách” đã trở thành một hoạt động văn hóa có ý nghĩa, góp phần khuyến khích và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, nhất là học sinh, khơi dậy tình yêu, đam mê đọc, học và làm theo sách. Qua đó, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tinh thần vượt khó trong học tập, rèn luyện của học sinh, đồng thời tạo sân chơi bổ ích giúp các em được giao lưu, học tập.

Để văn hóa đọc phát triển sâu, rộng trong cộng đồng, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tổ chức nhiều hoạt động, chương trình nhằm khơi dậy đam mê đọc sách của thanh thiếu niên, nhi đồng, đồng thời cần thường xuyên đổi mới về chủ đề, hình thức tổ chức nhằm thu hút đông đảo học sinh tham gia.

Đặc biệt, để văn hóa đọc tiếp tục đi vào cuộc sống cần sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, có như vậy chất lượng văn hóa đọc mới được nâng lên, đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/xa-hoi/buoc-ra-tu-trang-sach/176628.htm