Bước qua hủ tục, làm giàu trên quê hương Hướng Hóa

Nhiều thế hệ người Pa Cô, Vân Kiều ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) có một quan niệm rằng dùng phân bón hữu cơ vào việc trồng tỉa là xúc phạm thần linh. Tuy nhiên, ở thôn Cổ Nhổi, xã Hướng Phùng có thanh niên Hồ Văn Miên, nhờ qua chăm chỉ học hành, tìm tòi, học hỏi và tiếp thu cái mới tiến bộ, đã mạnh dạn coi đó là một hủ tục. Kết quả của việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nhiều năm qua đã không chỉ giúp gia đình anh có của ăn, của để dành mà còn giúp nhiều gia đình khác ở đây cùng làm giàu.

Trước đây, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, anh Miên chỉ học xong lớp 12. Những năm đầu ở nhà cùng bố mẹ lăn lộn với công việc nương rẫy, chứng kiến sau một năm vất vả làm lụng nhưng hạt lúa, hạt ngô thu được không bao nhiêu, anh bắt đầu ngờ vực quy trình lao động ở đây, bởi có gì đó khác so với trong sách vở anh từng được dạy và học. Thế là sau nhiều đêm không ngủ, anh tìm lật lại những trang sách giáo khoa. Nghiền ngẫm những điều trong sách, đem so sánh với cách bà con lâu nay, anh nhận ra điều rất khác nhau.

Anh Miên cho đàn bò ăn thức ăn cỏ mật trộn với cám gạo.

“Sách phân tích, hướng dẫn theo khoa học tự nhiên về quá trình chăn nuôi, trồng trọt và sự sinh trưởng của chúng. Trong đó, coi việc bón phân hữu cơ là điều cần thiết, giúp cho cây có đủ chất dinh dưỡng để phát triển. Trong khi bà con ở đây quan niệm việc làm đó là xúc phạm thần linh…”, anh Miên chia sẻ.

Tuy nhiên, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm vốn trở thành phong tục lâu đời của bà con không phải là dễ hay chỉ tiến hành trong một sớm, một chiều. Chưa kể, những ai đi ngược phong tục ấy lập tức bị coi là “phản bội dân làng”, nhẹ thì bị phạt dê, trâu, nặng bị trục xuất vĩnh viễn. Sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định chọn thuyết phục già làng trước hết. Đây là việc khó khăn nhất bởi già làng có tiếng nói trọng lượng nhất thôn nhưng cũng là người lớn tuổi và… bảo thủ nhất ở đây!

“Sự sống và nhu cầu của con người là một chuỗi diễn biến phức tạp, theo tự nhiên. Con người không thể tồn tại trên một quan niệm về sự tinh khiết tuyệt đối. Sự tinh khiết mà con người dành cho thần linh vì vậy là ở tâm hồn! Bố hãy để con chứng minh điều đó bằng những việc làm cụ thể. Con đảm bảo thần linh sẽ không quở trách mà còn còn hưởng ứng, vui mừng cho bà con dân bản mình được ấm no, thành đạt”, anh Miên kể lại câu chuyện ngày đêm cố gắng thuyết phục già làng Hồ Văn Quân, ở thôn Cổ Nhổi. Những lời nói của anh may mắn được già Quân cảm thấy “ưng cái bụng”.

Năm 2018, anh Miên cùng bố mẹ quyết định khai hoang mở rộng diện tích trồng lúa nước và sử dụng phân hữu cơ để bón cho cây, đặc biệt vào hai giai đoạn khi lúa vừa bén rễ và lúc cây sắp trổ trồng. Nhờ thế, năng suất lúa nước năm đó đạt gấp 5 lần so với trước. Đặc biệt, hạt lúa rất đều và mẩy; khi ăn, cơm có mùi thơm và béo. Tiếp theo, gia đình anh đầu tư loại phân bón này cho hơn 5ha cà phê. Kết quả, cây ra trái sớm hơn và năng suất đạt cao hơn gấp 3 lần so với những hộ gia đình khác trồng, chăm sóc theo phương thức truyền thống. Việc gia đình anh Miên ngày càng trở nên khấm khá mà không bị Giàng quở trách đã giúp dân bản ở đây dần thay đổi những quan niệm cổ hủ. Thấy bà con chịu thay đổi nếp nghĩ, anh Miên mừng lắm. Anh chủ động mời bà con đến nhà mình để giúp đỡ về cây, con và hạt giống, tận tình hướng dẫn cách trồng, chăm bón bằng phân hữu cơ.

Năm 2023, dưới sự chủ trì, hướng dẫn của anh Miên, gia đình anh quyết định đầu tư chăn nuôi bò 3B (tên khoa học là Blanc Blue Belgium). Đây là loại giống bò của Bỉ, còn được biết đến là giống bò "cơ bắp", được nuôi thương phẩm tại Việt Nam dưới dạng bò lai) theo cách nuôi nhốt chuồng, cho ăn cỏ mật tự trồng trộn với cám gạo. Đối với người Pa Cô, Vân Kiều ở Hướng Hóa, mô hình này lần đầu tiên xuất hiện trên địa bàn, bởi trước đây, bà con coi việc nuôi nhốt đó là đi ngược lại phong tục tập quán của địa phương. Để chăn nuôi gia súc, bà con chỉ việc thả trên các nương rẫy và bìa rừng, chúng tự gặm cỏ, tìm kiếm thức ăn khác, khi có việc cần để bán hay làm thịt, người dân chỉ việc tìm kiếm chúng và lùa về.

“So với việc bón phân hữu cơ cho cây trồng, việc nuôi bò nhốt chuồng bị bà con phản ứng nhiều hơn. Bởi lẽ, bà con cho rằng nguồn phân hữu cơ tập trung một chỗ không chỉ gây ô uế, làm mất tính linh thiêng nơi không gian sống mà còn gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng xấu tới sức khỏe con người. Sau khi mình cố gắng giải thích việc làm chuồng cách xa chỗ ở, được vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, bên cạnh nguồn phân hữu cơ này được lấy, sử dụng thường xuyên cho cây trồng nên không gây ô nhiễm, bà con lúc đó mới có phần lắng xuống”, anh Miên tâm sự.

Ông Hồ Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Phùng chia sẻ, khi việc làm của anh Miên đảm bảo đúng như lời hứa thì bà con ở đây mới tin tuyệt đối. Với lứa nuôi hiện tại, 6 con bò 3B của gia đình anh Miên tăng bình quân 50kg/con/tháng, dự kiến sau 8 tháng tới sẽ đạt 600kg/con. Với giá bán hiện nay trên thị trường là 80 – 100 ngàn đồng/kg thịt hơi, dự kiến tới lúc đó bình quân mỗi con bò sẽ được bán ra với giá 48 triệu đồng. Kết quả này là con số không hề nhỏ đối với những gia đình Pa Cô, Vân Kiều ở Hướng Hóa.

Ông Hồ Quốc Trung, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Hướng Hóa cho hay, anh Miên hiện là người đầu tiên của huyện được nhận hỗ trợ 6 con bò giống 3B, nuôi nhốt chuồng theo chương trình Nghị quyết 162 của HĐND tỉnh Quảng Trị. Để thực hiện mô hình này, anh Miên đã mạnh dạn bỏ thêm tiền túi gần 100 triệu đồng xây chuồng trại và một phần tiền đối ứng giống. Theo giá cả thị trường mỗi con bò giống 3B có giá khoảng hơn 20 triệu đồng. Sau khoảng 9 tháng nuôi, 6 con bò kể trên dự kiến sẽ cho lãi ròng trên 200 triệu đồng.

Ông Hồ Xuân Hòe, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, giai đoạn 2021 – 2025, Quảng Trị được Trung ương hỗ trợ, bố trí gần 1.479 tỷ đồng để thực hiện các dự án ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đặc biệt, với việc triển khai tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp, đã giúp người dân ở đây dần thay đổi nhận thức, vượt qua các rào cản về tập tục lạc hậu, mạnh dạn tiếp thu, áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển kinh tế, mang lại hiệu quả cao.

Thanh Bình

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/kinh-te/buoc-qua-hu-tuc-lam-giau-tren-que-huong-huong-hoa-i714273/