Bước phát triển nhảy vọt trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin

Lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT) thời gian qua đã có bước phát triển nhảy vọt với những thành tựu đáng ghi nhận. Trong đó, những thay đổi căn bản trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, từng bước hiện đại, tạo điều kiện, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, tháo gỡ các điểm nghẽn trong quá trình phát triển được coi là thành tựu nổi bật.

Từ cơ sở vật chất nghèo nàn

Người dân dễ dàng tra cứu thông tin cần thiết thông qua Cổng giao tiếp dịch vụ công trực tuyến tỉnh

Là một trong những người thuộc thế hệ lãnh đạo đầu tiên của ngành Bưu điện khi tỉnh Quảng Trị tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên cũ (năm 1989), ông Lê Quang Đàn, nguyên Giám đốc Bưu điện tỉnh vẫn nhớ rất rõ những tháng ngày chật vật khó khăn của thời kì đầu lập lại tỉnh. “Trong cả một giai đoạn dài từ 1989 - 1997, Bưu điện tỉnh Quảng Trị là doanh nghiệp duy nhất có nhiệm vụ xây dựng, quản lí, vận hành, khai thác mạng lưới bưu chính, viễn thông phục vụ và kinh doanh các dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh. Lúc bấy giờ, mạng lưới bưu chính viễn thông vừa lạc hậu, vừa cũ nát. Trên địa bàn tỉnh chỉ có 3 tổng đài tự động loại điện cơ với dung lượng 600 số, bố trí ở thị xã Đông Hà, thị xã Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh. Còn lại đều dùng tổng đài nhân công từ 10-100 số, mạng thuê bao toàn tỉnh gồm 491 máy, mật độ điện thoại đạt 0,09 máy/100 dân. Việc liên lạc nội tỉnh, liên tỉnh đều sử dụng bằng thiết bị tải ba trên dây trần chất lượng vừa kém, vừa không ổn định, chưa có internet. Thông tin liên lạc thường bị trễ và ách tắc. Để thực hiện một cuộc gọi điện thoại thì phải chờ một buổi, có khi mất một ngày, bởi quy trình là người gọi dùng máy gọi đến tổng đài, gặp điện thoại viên thông báo cần gặp ai, sau đó chờ điện thoại viên liên lạc nối máy mới gọi lại. Thời kì đó, điện thoại liên lạc ưu tiên cho các đơn vị như Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Công an, quân đội…vì tính chất công việc. Thực hiện cuộc gọi quốc tế là cực kì hiếm hoi trong giai đoạn này”.

Cũng theo ông Lê Quang Đàn, việc đảm bảo thông tin liên lạc gian khổ, vất vả nhất là mỗi khi có thiên tai, lũ lụt xảy ra. “Nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng đặt nặng lên vai ngành Bưu chính là phải bằng mọi giá khắc phục nhanh sự cố đường dây, đảm bảo thông tin liên lạc phục vụ công tác xử lí, điều hành trong và sau bão, lụt. Trong điều kiện cơ sở vật chất cũ kĩ, lạc hậu như thế nên đội ngũ cán bộ, công nhân càng vất vả, phải thức gần như trắng đêm, lội nước lụt mò mẫm tìm từng đoạn dây bị đứt chỗ nào, xử lí cây cối đổ gãy, rong rêu, rác thải quấn dây cáp, làm sao để khắc phục nhanh nhất có thể bởi nhiệm vụ giữ thông tin liên lạc là mục tiêu số một của ngành Bưu điện trong khi bão lũ xảy ra”.

Thông tin Bưu chính cũng ở trong tình trạng lạc hậu, chưa có xe chuyên dụng để vận chuyển, phải nhờ vào phương tiện xã hội nên thư báo đến tay người đọc thường chậm trễ. Chủ trương “đọc báo trong ngày” là nỗ lực lớn của ngành Bưu chính trong thời kì này. “Tôi nhớ thời điểm tháng 7/1989, nhân viên Bưu điện vẫn phải vào Huế nhận báo Nhân Dân ra lúc 15 giờ đến 16 giờ hằng ngày. Từ 15/10/1989, tàu Thống Nhất chấp nhận túi gói tại ga Đông Hà nên việc vận chuyển báo sớm hơn trước 2 giờ. Bưu điện Đông Hà mở 3 tuyến thư bằng xe ô tô xã hội Đông Hà - Vĩnh Linh, Đông Hà - thị xã Quảng Trị, Đông Hà - Hướng Hóa. Từ năm 1993 Công ty Bưu chính - Phát hành báo chí Đông Hà kết hợp với xe ô tô chuyên ngành của công ty PVS để vận chuyển túi gói đi các Bưu cục 2, Bưu cục 3 đóng dọc quốc lộ 1 nên hành trình được rút ngắn. Các Bưu điện huyện/ thị chuyển thư báo về Bưu cục 3 hoặc phát thư báo đến tay người nhận ở thôn xã bằng xe đạp do bưu tá đảm nhiệm”, ông Đàn chia sẻ.

Với việc nỗ lực thực hiện các chiến lược tăng tốc trong từng giai đoạn cụ thể, ngành Bưu chính, Viễn thông đã mạnh dạn bước vào lĩnh vực khoa học kĩ thuật hiện đại, phát triển đi trước các ngành kinh tế quốc dân một bước trong sự nghiệp đổi mới thiết bị trong sản xuất kinh doanh và phục vụ. Từ chỗ cơ sở vật chất nghèo nàn, hạ tầng yếu kém, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin hạn chế, đến nay 100% cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, trạm y tế, UBND xã, phường, thị trấn được cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông, internet băng thông rộng.

Đến ứng dụng mạnh mẽ CNTT vào các lĩnh vực

Giai đoạn 2001-2005, tỉnh Quảng Trị triển khai Đề án 112 hay còn gọi là Đề án Tin học hóa hành chính nhà nước của Chính phủ nhằm mục đích xây dựng Chính phủ điện tử. Đây là một chương trình hiện đại hóa hành chính của chính quyền Việt Nam giai đoạn từ 2001-2010 về cải cách thủ tục hành chính nhà nước. Thực hiện đề án, tỉnh đã tiến hành đào tạo tin học cho đội ngũ công chức, nâng cao chất lượng quản lí công, xây dựng mới được 33 mạng LAN và nâng cấp 3 mạng LAN cũ, đồng thời trang bị thêm máy tính, máy in cho các đơn vị sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã và một số cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh, kết nối máy tính của các cơ quan này với mạng diện rộng của tỉnh. Phát huy hiệu quả của Đề án 112, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và cơ quan trực thuộc UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố gửi nhận văn bản có kèm theo file điện tử với UBND tỉnh và ngược lại một cách thông suốt, kịp thời, hiệu quả. Cuối năm 2011, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo việc gửi nhận văn bản theo hình thức này giữa các cơ quan chuyên môn, cơ quan trực thuộc UBND tỉnh với nhau và với các địa phương trong tỉnh, đồng thời tổ chức gửi nhận văn bản kèm theo file điện tử đến Chính phủ và Văn phòng Chính phủ theo quy định hiện hành.

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào điều hành mạng lưới viễn thông

Nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh đã nâng cấp hệ thống các phần mềm CNTT vào hoạt động hành chính nói chung và kiểm soát thủ tục hành chính nói riêng như: Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Sở Tư pháp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giao thông- Vận tải, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Ban Dân tộc, các huyện Vĩnh Linh, Hải Lăng, thành phố Đông Hà... Nhờ đẩy mạnh ứng dụng CNTT mà Quảng Trị là một trong 28 tỉnh, thành phố của cả nước hoàn thành sớm giai đoạn 1 của Đề án 30 về đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lí nhà nước giai đoạn 2007- 2010 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị đang ở những mức độ khác nhau. Một số doanh nghiệp đã chú ý đến ứng dụng CNTT trong công việc hằng ngày, có mạng nội bộ và trung tâm máy tính để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đối với việc ứng dụng chữ kí số, đã có 224 tổ chức và 784 cá nhân trên địa bàn tỉnh đã được cấp phát chữ kí số. Nhiều đơn vị sử dụng kí số để trao đổi văn bản điện tử, hoàn toàn không gửi bản giấy, tiết kiệm kinh phí gửi nhận văn bản, giúp cho công tác lưu trữ và xây dựng cơ sở dữ liệu đảm bảo đầy đủ pháp lí.

Những bước tiến dài trong phát triển lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin đã góp phần đưa kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển, hướng tới xây dựng mô hình đô thị thông minh tỉnh Quảng Trị trong thời gian tới.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=140257