Bước phát triển mới ở Bình Xuyên

Khai thác tốt các tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, con người, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn huyện Bình Xuyên nhanh chóng được xây dựng, đi vào hoạt động hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm cho người dân địa phương. Phát huy thế và lực đang có, huyện Bình Xuyên tiếp tục thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế, giữ vững đà tăng trưởng, thúc đẩy KT- XH của huyện ngày càng phát triển.

Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) vượt lên khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách tỉnh

Công ty TNHH Piaggio Việt Nam (KCN Bình Xuyên) vượt lên khó khăn, duy trì sản xuất kinh doanh, đóng góp tích cực cho nguồn thu ngân sách tỉnh

Với địa hình bán sơn địa, trong đó địa hình miền núi chiếm hơn 30% diện tích, những ngày đầu khi mới tách tỉnh, huyện Bình Xuyên gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế.

Xác định công nghiệp hóa là ưu tiên hàng đầu, với sự đồng thuận cao từ hệ thống chính trị đến người dân, cấp ủy, chính quyền các cấp trong huyện đã phối hợp tốt với nhà đầu tư tập trung công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), đẩy nhanh quá trình xây dựng các dự án công nghiệp, giao thông.

Điển hình tại KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, chỉ trong 2 năm (từ 9/2015 đến 7/2017), toàn bộ 213 ha của KCN đã có mặt bằng sạch bàn giao cho doanh nghiệp (DN) đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Nhờ đó, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc đã tận dụng được thời cơ đón sóng đầu tư, trở thành điểm đến hấp dẫn hàng đầu với các DN Nhật Bản và các quốc gia phát triển.

Đến nay, trên địa bàn huyện Bình Xuyên đã có 5 KCN được đầu tư xây dựng hạ tầng đồng bộ, hiện đại gồm KCN Bình Xuyên, KCN Bình Xuyên II, KCN Bá Thiện, KCN Bá Thiện II, KCN Thăng Long Vĩnh Phúc, thu hút hơn 250 DN FDI với tổng số vốn đầu tư hơn 4 tỷ USD và 50 DN DDI với tổng vốn đăng ký hơn 4.100 tỷ đồng, đưa Bình Xuyên thành huyện thu hút vốn đầu tư lớn nhất của tỉnh.

Đặc biệt, các ngành công nghiệp tập trung chủ yếu ở nhóm có công nghệ cao như cơ khí chế tạo, điện tử, luyện kim, gạch men,…. với nhiều DN quy mô, có giá trị sản xuất lớn như Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty cổ phần thép Việt Đức, Công ty cổ phần Prime Vĩnh Phúc...

Nguồn thu từ các DN trên địa bàn huyện Bình Xuyên không ngừng tăng lên qua từng năm. Cụ thể, năm 2020 số thu của DN trên địa bàn huyện Bình Xuyên đạt hơn 1.820 tỷ đồng, năm 2021 tăng lên hơn 2.860 tỷ đồng.

Thời gian tới, KCN Sơn Lôi và KCN Nam Thăng Long được đầu tư xây dựng, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều DN trong và ngoài nước đến đầu tư tại huyện Bình Xuyên.

Theo số liệu cung cấp từ UBND huyện Bình Xuyên, hết quý I/2022, giá trị sản xuất công nghiệp theo giá hiện hành ước đạt hơn 36.100 tỷ đồng, tăng 22,14% so với cùng kỳ năm 2021. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng các ngành sản xuất công nghiệp – xây dựng chiếm gần 96%.

Bên cạnh đó, các ngành TM -DV; TTCN, nông nghiệp… tiếp tục phát triển. Nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao được xây dựng, cho giá trị kinh tế cao như mô hình trồng nho hạ đen của gia đình anh Lưu Văn Hải, thôn Ba gò, xã Trung Mỹ; sản xuất lúa hữu cơ của HTX Nhân Lý, xã Phú Xuân; sản xuất nấm cao cấp tại Công ty TNHH nấm Phùng Gia, xã Tam Hợp….

Các làng nghề mộc, gốm… được quy hoạch tập trung, phát triển theo hướng sản xuất sản phẩm OCOP đem lại giá trị bền vững. Đặc biệt, cuối năm 2021, dự án du lịch trọng điểm của huyện là Khu du lịch sinh thái Nam Tam Đảo tại xã Trung Mỹ đi vào hoạt động, đánh dấu mốc son mới cho sự phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn huyện Bình Xuyên.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng, tạo nền tảng thực hiện các mục tiêu của kế hoạch 5 năm 2021-2025, huyện Bình Xuyên quyết tâm thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi và phát triển KT-XH, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục và ổn định thị trường lao động, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân; bảo đảm sự đồng bộ, nhất quán, thông suốt, trách nhiệm trong chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành, các địa phương.

Đồng thời, tiếp tục nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh CNH-HĐH, trọng tâm là phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ. Huy động và sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hướng đến sự phát triển bền vững, giữ vững vị thế là huyện trọng điểm công nghiệp của tỉnh, tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN đã có hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển.

Bài, ảnh: Chu Kiều

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/76349/buoc-phat-trien-moi-o-binh-xuyen.html