Bước ngoặt của mỹ thuật hiện đại Việt Nam

Đánh dấu sự chuyển mình từ mỹ thuật dân gian truyền thống sang mỹ thuật hiện đại, kết hợp phong cách phương Tây và Việt Nam, các tác phẩm nghệ thuật Đông Dương đã trở thành một dấu mốc trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam hiện đại.

20 năm then chốt của mỹ thuật Đông Dương

“Năm 2014, tình cờ vào một buổi tối mưa gió, tại quận 17, Paris, tôi đứng trước tác phẩm Thưởng trà của Lê Phổ, bức tranh lụa tuyệt đẹp với chất lượng rất cao. Tôi bắt đầu nghiên cứu chuyên sâu về bức tranh này, về họa sĩ, sự nghiệp của ông… và tìm thấy niềm đam mê trong đó. Tôi cố gắng tìm điểm đặc biệt của họa sĩ và ngạc nhiên khi phát hiện ra sự chênh lệch về kết quả các phiên đấu giá tổ chức tại châu Á và tại các nước khác trên thế giới...” - chuyên gia về nghệ thuật hiện đại châu Á Charlotte Aguttes-Reynier, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ châu Á tại Paris chia sẻ cơ duyên đưa bà đến với các tác phẩm nghệ thuật Đông Dương, tại giới thiệu sách Nghệ thuật hiện đại Đông Dương sáng 11.1.

Mỹ thuật Đông Dương - bước ngoặt của nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Ảnh: Ng. Hồng

Trong vai trò chuyên gia về nghệ thuật hiện đại (nhà đấu giá Aguttes), bà Charlotte có cơ hội nghiên cứu, thúc đẩy mua bán các tác phẩm của nghệ sĩ châu Á. Công việc nghiên cứu cho bà có cơ hội tiếp cận những tác phẩm thời kỳ này từ gia đình các họa sĩ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… hay các nhà sưu tập tư nhân tại Pháp và châu Âu. Từ đó bà cho ra đời công trình nghiên cứu cung cấp cái nhìn bao quát về lịch sử Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương giai đoạn 1925 - 1945, gồm quá trình thành lập, phát triển, thành tựu và các hoạt động của Trường, các giảng viên, sinh viên ưu tú và tác phẩm tiêu biểu giai đoạn này…

Một thế kỷ trước, khi Victor Tardieu tới Bắc Kỳ năm 1921, trong một thời gian ngắn làm việc với họa sĩ trẻ, phụ tá của ông, Nguyễn Văn Thọ (hay còn gọi là Nam Sơn), đã tạo điều kiện cho Victor nhanh chóng nhận ra khả năng đặc biệt của một số người Việt và ngạc nhiên khi thấy không hề có chương trình đào tạo chất lượng nào trong khu vực.

Tìm về lịch sử, Charlotte Aguttes-Reynier nhận thấy Victor Tardieu đã thực hiện một phân tích lịch sử dài về sự phát triển của nghệ thuật An Nam và viết một báo cáo năm 1924 gửi cho Toàn quyền Đông Dương. Nghiên cứu này đã chỉ ra nhu cầu cấp thiết của việc mở một trường nghệ thuật tại Hà Nội; một tài năng chỉ cần được dẫn lối bằng những khóa đào tạo chất lượng để có thể bộc lộ và tỏa sáng. Từ lập luận của Victor Tardieu, Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương được thành lập ngày 27.10.1924 với Quyết định của Toàn quyền Đông Dương Martial Merlin và chính thức được mở ra năm 1925.

Thực hiện tác phẩm về mỹ thuật Việt Nam giai đoạn 1925 - 1945, Nghệ thuật hiện đại Đông Dương, bà Charlotte hy vọng “chiếu sáng” 20 năm then chốt của lịch sử nghệ thuật Đông Dương. “Tôi ưu tiên đem đến những kiến thức chính xác nhất về công cuộc canh tân nghệ thuật hiện đại Việt Nam và về những nghệ sĩ lớn đã ghi dấu thời kỳ này”.

Cầu nối nghệ thuật truyền thống với nhân loại

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi, cháu ngoại họa sĩ Nam Sơn chia sẻ: “Nền mỹ thuật Việt Nam được sinh ra từ cuộc gặp gỡ tình cờ. Khi ông Victor Tardieu rời Pháp đến Việt Nam năm 1921, không bao giờ ông nghĩ rằng sẽ ở đây đến hết cuộc đời. Khi ông Nam Sơn đến sinh hoạt tại Hội quán Sinh viên Việt Nam tại phố Vọng Đức, ông cũng không nghĩ cuộc gặp gỡ với Victor Tardieu đưa mỹ thuật Việt Nam đi vào bước ngoặt. Bởi vì trước khi có Trường Mỹ thuật Đông Dương, ở Việt Nam chỉ có mỹ thuật dân gian, không có mỹ thuật hàn lâm”.

Từ sự gặp gỡ đó, theo nhà nghiên cứu Ngô Kim Khôi, ông “Victor Tardieu vẫn nói với học trò của mình rằng phải vẽ như thế nào để người ta nhìn vào tranh biết đây là tranh của người Việt. Nên hiện nay trên thị trường quốc tế, khi nói đến nghệ thuật Đông Dương, người ta nhìn thấy tâm hồn Việt Nam ở đó. Đây là sự thành công của mỹ thuật Đông Dương”.

Từng gặp gỡ các họa sĩ như Nam Sơn, Trần Văn Cẩn, Lương Xuân Nhị, Thang Trần Phềnh… nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Hải Yến nhận thấy các họa sĩ khóa đầu tiên của Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương được đào tạo bài bản. Khi họa sĩ Victor Tardieu gặp họa sĩ Nam Sơn tại Hà Nội, cộng tác chặt chẽ để mở trường, họ đưa ra phương pháp giảng dạy mới, kết hợp nghệ thuật phương Đông và phương Tây. Đào tạo của trường phù hợp với tâm trạng của họa sĩ Việt Nam khi tiếp xúc với nền nghệ thuật phương Tây, trong bối cảnh Nho giáo không còn ảnh hưởng mạnh mẽ. Các giảng viên người Pháp đã đào tạo dựa trên truyền thống của hội họa Việt Nam về sơn mài, về lụa…

Với những giá trị như vậy, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam Đặng Thị Phong Lan cho rằng, sự ra đời của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương là mốc lịch sử quan trọng của mỹ thuật hiện đại Việt Nam, đó là một cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật và hội họa. Sự đón nhận văn hóa Pháp trên cơ sở nền tảng nghệ thuật truyền thống Việt Nam, lấy phương pháp khoa học của nghệ thuật phương Tây kết hợp với nghệ thuật truyền thống Việt Nam làm phong phú hơn nghệ thuật dân tộc. Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương chính là cầu nối giữa nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật nhân loại, để định hình mỹ thuật hiện đại Việt Nam.

Trong lịch sử, các tác phẩm nghệ thuật Đông Dương luôn được coi trọng và ngày càng được định giá cao trên thị trường mỹ thuật quốc tế. “Hiện nay ảnh hưởng của nghệ thuật Đông Dương rất lớn, thị trường đấu giá đặt ra vấn đề nghiêm túc về bảo vệ bản quyền, cũng như chân bản để nghệ thuật Đông Dương giữ được sự quý phái, trang trọng” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hải Yến nhấn mạnh.

Sức hút của mỹ thuật Đông Dương ngày càng "nóng" với các nhà sưu tầm nghệ thuật. Trước thực tế đó, bà Charlotte Aguttes-Reynier khuyên "nhà sưu tầm hãy thận trọng khi mua bán. Đi cùng sự phát triển không ngừng của thị trường là sự xuất hiện của những bản sao ngày càng tinh vi, trở thành mối đe dọa lớn đối với người yêu nghệ thuật”.

Thảo Nguyên

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/buoc-ngoat-cua-my-thuat-hien-dai-viet-nam-i357354/