Bước ngoặt của đường Hồ Chí Minh trên biển

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh (phải) và Anh hùng LLVT nhân dân Đặng Phi Thưởng cùng thăm lại Bến - Tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN HIẾU

Để cung cấp vũ khí cho lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5 và quân dân Phú Yên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cách đây 56 năm, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã đề nghị Trung ương chi viện vũ khí qua đường biển.

Theo đề nghị, Trung ương đã giao nhiệm vụ cho Phân khu Nam và Tỉnh ủy Phú Yên, chuẩn bị bến bãi để đón các con tàu Không số từ miền Bắc đưa hàng hóa, vũ khí chi viện cho các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk.

Tàu vào bến

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc của Đoàn 125 (Đoàn tàu Không số), ngày 30/4/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh tặng thưởng Huân chương Quân công hạng nhất cho đơn vị; ngày 1/1/1967, Đảng, Nhà nước đã phong tặng đơn vị danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ nhất và ngày 3/6/1976, Đoàn 125 tiếp tục được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ hai. Đồng chí Trần Suyền, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chỉ huy Bến Vũng Rô được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Trung tá Hồ Đắc Thạnh (nguyên Thuyền trưởng tàu 41), đại tá Đặng Phi Thưởng (nguyên chiến sĩ K60) được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Ngày 18/6/1997, Bến - Tàu Không số Vũng Rô được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngày 25/12/2017, Thủ tướng Chính phủ công nhận Tàu vận tải quân sự số hiệu HQ 671 (tức tàu 41, C41) là bảo vật quốc gia.

Đồng chí Trần Suyền, Bí thư Tỉnh ủy là người trực tiếp nhận lệnh của Trung ương và Khu ủy tìm địa điểm mở bến ở Phú Yên. Hàng loạt các vị trí dọc 189km bờ biển của tỉnh đều được đưa ra xem xét và cân nhắc. Cuối cùng Vũng Rô được chọn. Theo đại tá Đặng Phi Thưởng, nguyên chiến sĩ đơn vị K60 bảo vệ Bến Vũng Rô, chọn Vũng Rô để bến, bởi ở đây có địa hình phù hợp, trong vịnh có nhiều bãi nhỏ như Bãi Lách, Bãi Ngà, Bãi Chùa, Bãi Chính, Bãi Bàng… có thể che mắt địch, vừa tạo yếu tố bất ngờ và thuận tiện trong việc tổ chức hành lang vận chuyển về phía sau. Đây là bước ngoặt của đường Hồ Chí Minh trên biển.

Tháng 10/1964, đồng chí Trần Suyền cùng Ban chỉ đạo bến làm việc với đại diện Huyện ủy Tuy Hòa 1 và bí thư chi bộ các xã Hòa Xuân, Hòa Hiệp để triển khai công tác mở bến. Đồng thời, để chuẩn bị đón các chuyến tàu Không số, Ban chỉ huy Bến Vũng Rô, các đơn vị bảo vệ bến như K60, K65 được thành lập; hàng ngàn thanh niên, du kích của các xã Hòa Hiệp, Hòa Xuân… được lựa chọn đi làm cầu cảng, bốc dỡ hàng, vận chuyển, cất giấu vũ khí, hàng hóa...

Ngày 28/11/1964, tàu Không số mang số hiệu 41 do Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh và Chính trị viên Trần Hoàng Chiếu chỉ huy, chở hơn 60 tấn vũ khí, thuốc chữa bệnh từ Bãi Cháy, Quảng Ninh theo đường Hồ Chí Minh trên biển cập bến Vũng Rô.

Tiếp đó, tàu 41 liên tiếp cập bến Vũng Rô thành công vào các ngày 25/12/1964 và 1/2/1965, chi viện hàng trăm tấn vũ khí đạn dược cho chiến trường Khu 5.

Anh hùng LLVT nhân dân Hồ Đắc Thạnh, nguyên Thuyền trưởng tàu 41 nhớ lại: 3 chuyến tàu 41 cập cảng Vũng Rô rơi vào những tháng mùa đông nên chúng tôi phải luôn vật lộn với sóng dữ, thời tiết khắc nghiệt và phải ngụy trang để che mắt kẻ thù. Chuyến nào cũng đều in đậm trong tôi về tình đồng chí, nghĩa đồng bào, tình quân dân sâu sắc. Riêng chuyến thứ ba, khởi hành khi cận kề Tết Ất Tỵ, tôi được Tư lệnh Quân chủng Hải quân gọi lên giao nhiệm vụ “Tàu các đồng chí phải khắc phục mọi khó khăn trở ngại, đúng giao thừa có mặt tại Vũng Rô. Đảng ủy - Bộ Tư lệnh chúc tàu 41 hành trình thuận buồm xuôi gió; chờ đón tin thắng lợi báo về”.

Sau nhiều ngày vượt sóng to gió lớn, khéo léo tránh né, xuyên qua các tàu tuần tiễu của địch, chiều 30 tháng Chạp, tàu 41 chuyển hướng vào bờ. Anh hùng Hồ Đắc Thạnh nhớ như in: Ngoài vũ khí và thuốc men, chuyến này, tàu 41 còn chuẩn bị quà Tết mang theo gồm: 30 chiếc bánh chưng, bánh tét, 10 gói kẹo, bánh quy, 5 gói chè, 50 gói thuốc lá, 40 chai bia và một cành đào. Tất cả đều không có nhãn hiệu, như con tàu Không số của ta. Trong bữa cơm “tất niên”, bỗng từ đài quan sát, chiến sĩ trực canh báo cáo: “Mạn phải 30 độ, cự ly ba hải lý, phát hiện hai tàu địch di chuyển về phía nam”. Lệnh chuẩn bị chiến đấu được phát ra, tất cả về vị trí. Qua chiếc ống nhòm có bộ số cao, tôi nhìn rõ hai tàu tuần tiễu địch nên cho tàu thay đổi hướng đi song song để tránh đối đầu, tạo khoảng cách xa để thời gian tiếp xúc rất ít. Lúc này là 16 giờ. Sau khi xác định vị trí tàu trên hải đồ, thuyền phó báo cáo tàu còn cách Đá Bia hơn 60 hải lý, khả năng vào bến trễ giờ. Tôi cho mời máy trưởng lên đài chỉ huy và quyết định sử dụng tốc độ dự bị. Đến 23 giờ 50, tàu 41 thả trôi giữa Vũng Rô.

Giao thừa! Tàu và bến lại gặp nhau, niềm vui ngập tràn vô tận. Từ dưới phòng báo vụ, chiếc đài bán dẫn vang lên lời Bác Hồ chúc Tết. Sau khi đã bố trí các tổ bám chốt để kịp thời đối phó với địch, cuộc liên hoan mừng Tết Ất Tỵ được tiến hành trên nắp khoang hầm hàng hai dưới vòm lá ngụy trang kín đáo. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng, bánh tét, kẹo… được bày ra. Cành đào Nhật Tân - Hà Nội tàu mang theo được đặt bên nhành mai vàng của núi Đá Bia. Một cuộc liên hoan mừng giao thừa vô cùng ấm áp, có một không hai. Cũng trong đêm giao thừa, sau khi đưa toàn bộ vũ khí và thuốc men lên bờ, tàu 41 rời bến lúc 3 giờ ngày 3/2/1965. Trong giờ phút chia tay, nữ du kích làng cát Hòa Hiệp Nguyễn Thị Tản thay mặt lực lượng bảo vệ bến trao cho thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh nắm đất Vũng Rô được gói trong chiếc khăn tay. Nắm đất thiêng Vũng Rô này đã được các thủy thủ nâng niu, gìn giữ suốt chặng đường vượt biển, hiện đang đặt trang trọng trong Bảo tàng Quân chủng Hải quân.

Sự kiện Vũng Rô

Trong lúc tàu 41 còn đang trên đường vào bến Vũng Rô, ngày 1/2/1965, Đảng ủy - Bộ Tư lệnh Hải quân, trực tiếp là Đoàn 125 triển khai giao nhiệm vụ tàu 143 chở 63 tấn hàng vào Bình Định. Do tình hình bến Bình Định khó khăn, tàu không vào được nên Sở chỉ huy quyết định không cập bến theo dự kiến và điện cho Bến Vũng Rô chuẩn bị tiếp nhận chuyển hàng ngoài kế hoạch. Ngày 15/2/1965, tàu 143 vào bến Vũng Rô. Lúc này, kho Bãi Chính mới nhận xong hàng hóa, vũ khí chuyến thứ 3 từ tàu 41, Ban chỉ huy bến quyết định xuống hàng tại Bãi Bàng. Qua một đêm bốc dỡ cật lực, đến 3 giờ 30 ngày hôm sau thì hoàn thành việc xuống hàng, tàu 143 có đủ thời gian nhổ neo rời bến, song sự cố xảy ra: Tời neo hỏng, thủy thủ phải sửa chữa đến 5 giờ mới xong. Lúc này tàu không còn thời gian rời bến, phải neo lại tại Bãi Chùa và được ngụy trang cẩn thận. Tuy nhiên, sáng hôm ấy, một chiếc UH-18 bay từ Qui Nhơn vào Nha Trang, viên phi công người Mỹ tình cờ nhìn thấy “một mỏm đá lạ nhô ra trên vách núi phía tây Vũng Rô” (theo tài liệu của địch để lại), liền báo cho Bộ chỉ huy Vùng Duyên hải 2 của Hải quân Mỹ đóng ở Nha Trang. Tàu bị lộ, địch đưa lực lượng hùng hậu nhằm thu chiến lợi phẩm. Đồng chí Hồ Thanh Bình, Chỉ huy trưởng K60 lệnh cho hai khẩu 12 ly 7 ở Bãi Lau nhả đạn. Toàn khu vực báo động, thủy thủ trên tàu, bộ binh dưới bến phối hợp giáng trả, dùng hỏa lực mạnh đánh đuổi máy bay địch. Thuyền trưởng tàu 143 Lê Văn Thêm bị thương nặng. Vì lực lượng của ta quá mỏng so với địch, cuối cùng, Ban chỉ huy tàu và bến quyết định cho nổ bộc phá đã cài sẵn để xóa mọi dấu vết, không cho địch chiếm lấy tàu. Xác con tàu Không số chìm xuống đáy vịnh Vũng Rô cho đến ngày nay.

“Sự kiện Vũng Rô” đã khiến địch kinh hoàng tột độ. Trong bài báo nói về “Vụ Vũng Rô” tháng 2/1965, đại tá hải quân Mỹ R.Sohresdley thú nhận rằng: “Vụ Vũng Rô như vậy đã khẳng định một số điều rất quan trọng mà chúng ta đã ngờ vực suốt cả một thời gian dài, nhưng từ trước tới nay vẫn chưa có nhiều bằng chứng. Số lượng vũ khí trên chiếc tàu bị đánh và trên bờ Vũng Rô bị phát hiện đã chỉ ra rằng: Vũ khí có số lượng nhiều hơn đã được chở bằng tàu thủy vào trước đó”.

LẠC VIỆT

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/249381/buoc-ngoat-cua-duong-ho-chi-minh-tren-bien.html