Bước đột phá của đối ngoại quốc phòng

Sự kiện đối ngoại quốc phòng nổi bật nhất năm 2022 của Việt Nam - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 (sau đây gọi tắt là Triển lãm) - diễn ra tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội từ ngày 8 đến 10-12 đã thành công hơn cả mong đợi.

Phát biểu tại lễ khai mạc Triển lãm, Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng bày tỏ kỳ vọng đây sẽ là nơi các lãnh đạo cấp cao Bộ Quốc phòng, quân đội các nước trên thế giới gặp gỡ, trao đổi về các chủ đề an ninh, quốc phòng và các vấn đề liên quan khác, tăng cường sự hiểu biết để cùng xây dựng, bảo vệ hòa bình, ổn định của khu vực và thế giới.

Mong muốn này đã thành hiện thực và có thể được nhìn thấy rõ nét ở ít nhất 3 góc độ: Vị thế quốc tế và sự ủng hộ đối với Việt Nam ngày càng tăng; cơ hội để hợp tác, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) của nước ta được mở rộng; củng cố niềm tin sâu sắc của nhân dân với năng lực bảo vệ Tổ quốc của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Sức hút Việt Nam

Triển lãm đúng ra đã được tổ chức năm 2020 nếu đại dịch Covid-19 không bất ngờ ập đến. Trước đó, công tác chuẩn bị tổ chức, mời các đoàn đại biểu và công ty nước ngoài, thậm chí việc tổ chức một lễ duyệt binh tàu quốc tế hoành tráng lần đầu tiên ở Việt Nam cũng đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Khi đại dịch cơ bản được kiểm soát, Bộ Quốc phòng Việt Nam quyết tâm tiếp tục tổ chức sự kiện này.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khu trưng bày ngoài trời tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: HOÀNG HÀ

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giới thiệu với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khu trưng bày ngoài trời tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: HOÀNG HÀ

Sự hiện diện của hơn 170 doanh nghiệp đến từ 30 quốc gia trong khu vực ASEAN, châu Á, châu Âu và châu Mỹ, cùng lãnh đạo Bộ Quốc phòng và quân đội các nước, đại diện đại sứ quán nhiều nước tại Việt Nam là minh chứng sống động cho sức hút của Việt Nam trong lần đầu tiên tổ chức một triển lãm quốc phòng tầm cỡ quốc tế.

Nhìn bức tranh toàn cảnh các triển lãm quốc phòng quốc tế trong khu vực ASEAN mới thấy sự quan tâm, ủng hộ Việt Nam của các đối tác quốc tế. Malaysia dành riêng hòn đảo Langkawi rộng lớn ở vùng biển phía Tây nước này cho Triển lãm Hàng hải và Hàng không vũ trụ quốc tế (LIMA). Singapore tuy có diện tích nhỏ nhưng cũng tổ chức Triển lãm Hàng hải quốc phòng châu Á (IMDEX Asia). Hai sự kiện này đều được tổ chức vào năm lẻ trong nhiều năm qua và thu hút sự tham gia đông đảo của giới quân sự cùng các doanh nghiệp CNQP.

Trong khi đó, đầu tháng 11-2022, đảo quốc Indonesia cũng vừa tổ chức Triển lãm và Diễn đàn Quốc phòng Indonesia 2022, sự kiện có sự tham gia của 905 công ty, bao gồm 158 công ty của Indonesia và 747 công ty đến từ 59 quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh 3 nước trong ASEAN nói trên đã nhiều lần tổ chức thành công triển lãm quốc phòng quốc tế với tần suất hai năm một lần, việc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 tuy diễn ra lần đầu tiên, được tổ chức với quy mô nhỏ hơn, diễn ra vào tháng cuối năm nhưng vẫn có sự tham gia của các đoàn đại biểu và doanh nghiệp kể trên cho thấy Việt Nam có sức hút rất lớn.

Quốc vụ khanh về Lực lượng vũ trang của Bộ Quốc phòng Anh James Heappey đánh giá cao Triển lãm; tiết lộ Anh nhìn thấy tiềm năng hợp tác ở Việt Nam và coi Triển lãm là thời điểm thích hợp để giới thiệu với Việt Nam những cơ hội có thể hợp tác. "Anh rất mong muốn hợp tác kinh doanh với Việt Nam, cung cấp thiết bị, thiết lập quan hệ với Quân đội Việt Nam", ông James Heappey cho biết.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper khẳng định, việc các doanh nghiệp Mỹ tham gia Triển lãm phản ánh mối quan hệ hợp tác song phương, trong đó có hợp tác quốc phòng và hy vọng thông qua Triển lãm sẽ có nhiều cơ hội hơn để làm sâu sắc thêm mối quan hệ hợp tác này.

Triển lãm cũng đánh dấu sự hiện diện mạnh mẽ nhất từ trước đến nay của Ấn Độ tại Việt Nam với mục tiêu thúc đẩy hợp tác doanh nghiệp quốc phòng và thắt chặt quan hệ song phương. Theo Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam, Ấn Độ trưng bày tại Triển lãm những sản phẩm tốt nhất trong ngành quốc phòng của mình và tìm kiếm triển vọng xuất khẩu trong tương lai.

Đòn bẩy phát triển công nghiệp quốc phòng

Triển lãm đã chứng tỏ là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của tất cả các nước tham gia tìm kiếm cơ hội hợp tác. Thông tin hé lộ về một số thỏa thuận hợp tác được ký kết ngay tại Triển lãm cho thấy đây chính là đòn bẩy cho ngành CNQP của nước ta: Hợp tác giữa Tổng cục CNQP với Tập đoàn đóng tàu Damen (Hà Lan); hợp đồng nguyên tắc giữa Nhà máy Z113 và Nhà máy Z195 của Tổng cục CNQP với Công ty Liquid Gas của Israel; thỏa thuận hợp tác triển khai thử nghiệm mạng 5G tại Ấn Độ và hợp đồng xuất khẩu thiết bị công nghệ cao sang thị trường Ấn Độ giữa Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) và Tập đoàn UTL (Ấn Độ).

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan một gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: HOÀNG HÀ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan một gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: HOÀNG HÀ

Những thỏa thuận trên "đơm hoa kết trái" từ Triển lãm, sâu xa hơn là từ chiến lược phát triển CNQP của nước nhà. Tại Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII về "Đẩy mạnh phát triển CNQP đến năm 2030 và những năm tiếp theo" do Quân ủy Trung ương tổ chức tại Hà Nội ngày 22-8-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phát triển CNQP theo hướng chủ động, tự lực, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng; gắn kết chặt chẽ và trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia. Xuất phát từ đường lối, chủ trương đó, việc tổ chức Triển lãm là một điểm nhấn để CNQP Việt Nam vươn lên khẳng định mình, để vừa bảo đảm cung cấp khí tài quân sự cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc, vừa đủ sức dẫn dắt sự phát triển công nghiệp của quốc gia.

Nhìn một lần nữa về sự phát triển CNQP của các nước trong ASEAN mới thấy chủ trương thúc đẩy CNQP là đúng đắn, xứng với tiềm lực của Việt Nam. Tại Lễ khai mạc LIMA năm 2017, Thủ tướng Malaysia khi đó, ông Najib Razak, khẳng định tới năm 2030, CNQP của nước này sẽ tạo ra khoảng 32.000 việc làm có thu nhập cao với doanh thu ở mức hơn 16 tỷ USD. Tuyên bố của Thủ tướng Malaysia khi đó hàm ý quốc gia này muốn tự chủ sản xuất vũ khí và trang bị quân sự.

Với Indonesia, mong muốn có một nền CNQP tự chủ cũng đã nhiều lần được khẳng định bằng chính nội lực của các công ty trong nước và chính sách của chính phủ quốc gia vạn đảo nhằm tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng vũ khí, trang bị quốc phòng.

Việc cho ra đời một tập đoàn CNQP mới với tên gọi Defend ID đã khẳng định quyết tâm thúc đẩy mục tiêu tự chủ về CNQP, đưa Indonesia trở thành quốc gia có nền CNQP mạnh, hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, sự ra đời của Defend ID được kỳ vọng sẽ cắt giảm sự phụ thuộc vào các loại vũ khí và thiết bị quân sự nhập khẩu, cũng như nguyên vật liệu. Defend ID được giao nhiệm vụ phát triển các thiết bị được sử dụng trong sản xuất “các công nghệ chủ chốt” nhằm nâng tỷ lệ nội địa hóa từ mức 41% lên 50% và dần đạt 100%.

Nhìn rộng ra thế giới, có thể thấy rõ rằng các cường quốc đều là những quốc gia tự chủ về CNQP, chẳng những không mua của nước khác mà họ chỉ cho phép xuất khẩu những vũ khí, trang bị “đuối” hơn so với phiên bản mà mình sở hữu. Suy ngược lại, các quốc gia có nền CNQP mạnh nhất thế giới đều nằm trong số những nước được gọi là cường quốc, kể cả về quân sự và kinh tế. Với thế và lực của nước ta, việc thúc đẩy một nền CNQP theo Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 26-1-2022 của Bộ Chính trị khóa XIII, với điểm nhấn như Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 là cái đích cần sớm đạt được.

Nhân thêm niềm tin yêu

Từng biên đội 2 chiếc rồi 4 chiếc Su-30MK2, đến các biên đội trực thăng Mi-171 tập luyện trên bầu trời Thủ đô Hà Nội những ngày trước khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của nhân dân cùng báo chí trong và ngoài nước. Hình ảnh của QĐND Việt Nam qua những màn biểu diễn võ thuật điêu luyện của bộ đội đặc công hay đơn thuần chỉ qua ánh thép của những chiếc xe tăng T-90S trong biên chế của Quân đội ta được trưng bày tại Triển lãm lại dấy lên niềm tự hào dân tộc, sự tin yêu của nhân dân dành cho Quân đội ta.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan một gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: HOÀNG HÀ

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu tham quan một gian hàng tại Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam 2022. Ảnh: HOÀNG HÀ

Hình ảnh hàng nghìn người dân, từ trẻ đến già xếp hàng vào xem Triển lãm dưới trời mưa phùn ngày 10-12, để rồi được ngắm nhìn những quả tên lửa, hay ngồi lên những cỗ pháo, trèo lên những chiếc xe tăng, tìm hiểu tính năng của nhiều loại khí tài là lời khẳng định cho sự quan tâm sâu sát của nhân dân với sự phát triển của Quân đội ta. Thật khó có thể dùng từ ngữ để diễn tả hết được sự quan tâm, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân đối với Triển lãm và sự lớn mạnh của QĐND Việt Nam.

Chỉ có thể khẳng định rằng: Đây chính là triển lãm quốc phòng quốc tế đầu tiên kể từ khi nước ta được thành lập. Đây chính là nơi nhân dân ta lần đầu tiên được trực tiếp chứng kiến nhiều loại khí tài hiện đại trong biên chế của Quân đội, là nơi mà người dân thấy được sự hiện diện của các đơn vị, công ty trong nước và quốc tế đến trưng bày các sản phẩm quốc phòng với mục đích hợp tác, phát triển vì một thế giới tốt đẹp hơn mà Bộ Quốc phòng Việt Nam đã đề ra.

NGỌC HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/bao-quan-doi-nhan-dan-xuan-quy-mao-2023/bao-quan-doi-nhan-dan-hang-ngay-xuan-quy-mao/buoc-dot-pha-cua-doi-ngoai-quoc-phong-716903