Bước đi của Nga khiến chính phủ Kyiv lo lắng

Nga đã và đang cấp quốc tịch cho hàng trăm nghìn người sống ở Donetsk và Luhansk. Đây là cách Moscow dần xóa bỏ ảnh hưởng của chính phủ Kyiv tại miền Đông Ukraine.

Ivan Malyuta là một cư dân của Donetsk, thành phố nằm ở miền Đông Ukraine dưới quyền kiểm soát của phiến quân ly khai do Nga hậu thuẫn. Malyuta cho biết ông vừa nộp đơn xin quốc tịch Nga cho bản thân cùng vợ và 3 đứa trẻ trong gia đình.

Gia đình ông Malyuta nằm trong số hơn 720.000 cư dân sống ở vùng Donbas đã và sẽ sớm được cấp hộ chiếu Nga, tức trở thành công dân Nga, thông qua một thủ tục làm hộ chiếu nhanh, theo AP.

"Nga hóa" miền Đông Ukraine

Cấp hộ chiếu hàng loạt cho người dân ở khu vực ly khai Donbas là một trong các nỗ lực của Moscow nhằm tăng cường ảnh hưởng của Nga tại khu vực Đông Ukraine.

Nguồn cơn của tình hình Đông Ukraine hiện nay bắt đầu từ năm 2014, khi người dân Ukraine loại bỏ cựu Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych và lựa chọn một chính phủ hướng về phương Tây với hy vọng phát triển kinh tế - xã hội.

Nga phản ứng bằng các hành động dẫn đến sáp nhập bán đảo Crimea. Không dừng lại, Moscow hậu thuẫn lực lượng ly khai chiếm giữ vùng Donbas ở Đông Ukraine, dẫn tới cuộc chiến đẫm máu với quân đội chính phủ Ukraine.

Moscow luôn phủ nhận triển khai binh sĩ hay đưa vũ khí tới vùng Donbas, nơi phiến quân ly khai đang kiểm soát. Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố Moscow không phải một bên tham gia cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine.

Một thành viên lực lượng phiến quân ly khai ở Donetsk. Ảnh: AP.

Nhưng trên thực tế, Nga làm nhiều cách để gia tăng hiện diện ở miền Đông Ukraine, với mục tiêu rõ ràng là xóa bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của chính phủ Kyiv tại khu vực này.

Ngoài cấp hộ chiếu và quyền công dân theo thủ tục rút gọn, Nga hứa hẹn nhiều quyền lợi khác cho người dân sống ở vùng Donbas như tư cách thành viên đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền, tiêm vaccine Covid-19 miễn phí, ưu đãi thương mại cho doanh nghiệp địa phương.

Chính phủ Ukraine rất giận dữ nhưng hầu như không thể làm gì trước hành động của Moscow, trong bối cảnh quân đội Nga ồ ạt triển khai tại biên giới hai nước.

Tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba kêu gọi EU trừng phạt Nga vì "cấp hộ chiếu phi pháp cho công dân Ukraine".

Hôm 15/2, Hạ viện Nga thông qua nghị quyết kêu gọi Tổng thống Vladimir Putin công nhận độc lập đối với hai "nước cộng hòa ly khai" tự xưng tại Donetsk và Luhansk, nằm ở vùng Donbas.

Động thái của Hạ viện Nga khiến giới chức Kyiv và người dân Ukraine thêm phần giận dữ. Bộ Ngoại giao và Quốc hội Ukraine đã ra tuyên bố lên án nghị quyết của Hạ viện Nga.

Tới nay, Tổng thống Putin chưa chính thức bình luận về nghị quyết kêu gọi công nhận Donbas độc lập. Thế nhưng, ông chủ Điện Kremlin bắn tín hiệu ủng hộ nước đi này. Trong phát biểu tối 15/2, ông Putin nói đa phần người Nga ủng hộ can thiệp vào miền Đông Ukraine.

"Đây là một hình thức duy trì sức ép lên Kyiv, gây bất ổn cho Ukraine, ngăn cản tiến trình hội nhập với các giá trị châu Âu hay gia nhập NATO", nhà phân tích chính trị Dmitry Oreshkin nhận định.

Giá trị tấm hộ chiếu Nga

Tổng thống Putin ký ban hành sắc lệnh đơn giản hóa thủ tục cấp quốc tịch Nga cho cư dân Donetsk và Luhansk vào tháng 4/2019, chỉ một ngày sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đắc cử.

Kể từ đó, hơn 720.000 người sống ở Donetsk và Luhansk đã được Nga cấp hộ chiếu. Con số trên tương đương khoảng 18% dân số vùng Donbas.

Olga Matvienko, một nhân viên làm việc tại cơ quan di trú Donetsk, cho biết người nộp đơn xin cấp quốc tịch Nga đã tăng mạnh trong vài tuần gần đây do lo ngại căng thẳng leo thang.

Theo lời Matvienko, thủ tục cấp hộ chiếu Nga đã được đơn giản hóa tối đa và chỉ cần vài tháng từ khi nộp hồ sơ cho tới ngày nhận hộ chiếu.

Những người sống ở Donbas được cấp hộ chiếu Nga tham gia cuộc bỏ phiếu cải tổ hiến pháp Nga năm 2020. Ảnh: AP.

Những cư dân Donetsk đã nộp hồ sơ cho biết quốc tịch Nga giúp họ cảm thấy an tâm hơn, mang lại tâm lý được bảo vệ trong bối cảnh nước láng giềng đang dàn quân ở bên kia biên giới.

Nhiều người nói tấm hộ chiếu mới giúp họ tự do qua lại Nga, được hưởng những đặc quyền như công dân Nga, như chăm sóc y tế miễn phí. Dù vậy, để được hưởng những quyền lợi này, người Ukraine sở hữu hộ chiếu Nga sẽ phải làm những thủ tục bổ sung.

Giới chức Ukraine cáo buộc việc cấp hộ chiếu Nga cho người sống ở miền Đông Ukraine đã vi phạm thỏa thuận hòa bình năm 2015. Tuy nhiên, Moscow bác bỏ lập luận này.

"Moscow đang cấp ra hộ chiếu Nga, tìm cách lôi kéo người dân (miền Đông Ukraine) vào hệ thống chính trị của họ", Thư ký Hội đồng An ninh Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov nói.

Trong cuộc trưng cầu dân ý cải tổ hiến pháp năm 2020 và bầu cử Quốc hội Nga năm 2021, người ở vùng Donetsk và Luhansk sở hữu hộ chiếu Nga được phép tham gia bỏ phiếu.

Tháng 12/2021, đảng Nước Nga Thống nhất cầm quyền cũng bổ nhiệm vào hàng ngũ những người đứng đầu chính phủ ly khai tự xưng hiện quản lý Donetsk và Luhansk. Ngoài ra, 200 người dân sống ở Donbas cũng được kết nạp.

Con bài chiến lược

Nhà phân tích Oreshkin nhấn mạnh Điện Kremlin thu được nhiều lợi ích từ việc cấp hộ chiếu hàng loạt cho người ở miền Đông Ukraine. Một trong số này là đảng Nước Nga Thống nhất cũng như Tổng thống Putin sẽ có thêm "gần một triệu lá phiếu" từ người Ukraine có hộ chiếu Nga.

Trong bối cảnh Nga triển khai hơn 100.000 quân quanh biên giới Ukraine, một số chuyên gia nhận định Moscow có thể dùng hàng trăm nghìn người đã sở hữu hộ chiếu Nga sống ở Donbas làm cái cớ cho hành động quân sự.

Giới chức Nga đã nhiều lần cáo buộc chính phủ Ukraine có ý định tái chiếm khu vực miền Đông, hiện nằm dưới quyền kiểm soát của phiến quân ly khai do Nga hậu thuẫn. Moscow đe dọa sẽ ra tay nếu Kyiv hành động.

Mykola Sunhurovskyi, chuyên gia quân sự tại tổ chức tư vấn chính sách Razumkov Center, cho rằng Nga "có thể dùng chiêu bài bảo vệ quyền của người Nga sống ở Donetsk và Luhansk làm cớ phát động tấn công".

Lực lượng Nga triển khai gần biên giới Ukraine quan sát qua ảnh vệ tinh. Ảnh: Maxar.

Bà Sunhurovskyi lưu ý Nga từng lấy lý do tương tự để khởi động cuộc chiến với Georgia năm 2008, sau khi từng cấp hộ chiếu hàng loạt cho người dân sống tại Nam Ossetia và Abkhazia - hai lãnh thổ cũng tự tuyên bố ly khai khỏi Georgia.

Chuyên gia Oreshkin nhận định Điện Kremlin có thể vẫn muốn duy trì tình trạng pháp lý mập mờ cho hai vùng ly khai ở Đông Ukraine. Đây là cách giúp Nga có nhiều lựa chọn trong cuộc đối đầu với Kyiv và phương Tây.

"Công nhận hai vùng này độc lập hiện chưa mang lại lợi ích chính trị. Thay vào đó, đe dọa công nhận Donbas độc lập là cách hù dọa Ukraine và các nước thành viên NATO láng giềng", ông Oreshkin nhận xét.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buoc-di-cua-nga-khien-chinh-phu-kiev-lo-lang-post1296892.html