Bước chuyển mới trong các quan hệ song phương

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đang trong chuyến công du ba ngày tới 3 quốc gia vùng Vịnh, gồm Ảrập Xêút, Qatar và Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), đánh dấu giai đoạn mới trong quan hệ của Ankara với các nước giàu năng lượng trong một trật tự toàn cầu mới.

Bước chuyển mình trong các mối quan hệ song phương

Theo TRT World, đây là chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Erdogan tới khu vực kể từ khi tái đắc cử tổng thống vào tháng 5. Các nước vùng Vịnh là một trong những quốc gia đầu tiên chúc mừng chiến thắng của Tổng thống Erdogan, báo hiệu mối quan hệ đang được cải thiện giữa Ankara và khu vực.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thái tử Mohammed bin Salman trong lễ đón tại Cung điện Al Salam ở Jeddah, Ảrập Xêút vào ngày 17.7.2023. Nguồn: AP

Bà Helin Sari Ertem, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Medeniyet, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Chuyến thăm phản ánh chiến lược đôi bên cùng có lợi trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ”, vì sự hợp tác của họ sẽ mang lại lợi ích và trao quyền cho cả hai bên. Trong chuyến thăm của Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ ký các thỏa thuận quan trọng về năng lượng, cơ sở hạ tầng, quốc phòng và kinh tế.

Chuyến thăm đánh dấu những bước chuyển mình trong quan hệ song phương, đặc biệt là với UAE và Ảrập Xêút. Trong vài thập kỷ qua, nhiều chuyên gia cho rằng các quốc gia vùng Vịnh đã bắt đầu thừa nhận vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ như một cầu nối giữa phương Tây, cân bằng mối quan hệ của nước này với các chủ thể khác nhau, từ Trung Đông đến Trung Á. Năm 2005, Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) đã đóng dấu phê duyệt bằng cách ký kết “Thỏa thuận khung về hợp tác kinh tế giữa Thổ Nhĩ Kỳ và GCC” để thúc đẩy thương mại giữa Ankara và khu vực. Kể từ đó, thỏa thuận này đã trải qua một số cập nhật.

Hàn gắn quan hệ

Các chuyên gia tin rằng, chuyến đi của Tổng thống Erdogan sẽ làm tốt hơn các nỗ lực ngoại giao của Ankara kể từ năm 2021 nhằm hàn gắn quan hệ với Riyadh và Abu Dhabi.

Tháng 5.2021, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ khi ấy là ông Mevlut Cavusoglu đã đến thăm Ảrập Xêút, chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ sau 4 năm. Cùng năm, Cố vấn An ninh quốc gia của UAE Sheikh Tahnoun bin Zayed Al Nahyan có chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ và gặp Tổng thống Erdogan tại Ankara. Sau khi ông Erdogan tái đắc cử Tổng thống vào tháng 5, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác nhằm mở rộng kim ngạch thương mại song phương lên 40 tỷ USD mỗi năm.

Theo giáo sư Helin Sari Ertem, “việc nối lại quan hệ bắt đầu vào năm 2021 rất quan trọng vì nó cần thiết cho tất cả các bên và khu vực”. Các chuyên gia cho biết, ngoài việc cải thiện quan hệ với Ảrập Xêút và UAE, chuyến thăm của ông Erdogan sẽ củng cố tình bằng hữu bền chặt của Thổ Nhĩ Kỳ với Qatar.

Cơ hội đầu tư mới

Các phương tiện truyền thông đưa tin, chuyến thăm của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc đẩy thương mại song phương, với khoản đầu tư lên tới 30 tỷ USD dự kiến chảy vào các lĩnh vực năng lượng, cơ sở hạ tầng và quốc phòng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này bao gồm các khoản đầu tư trực tiếp trị giá khoảng 10 tỷ USD. Nhiều cơ hội đầu tư đối ứng mà cả hai bên đều có thể hưởng lợi.

Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ thực tế đã đóng góp quan trọng vào lĩnh vực xây dựng tại các thị trường vùng Vịnh và khởi xướng các siêu dự án, như đường cao tốc và sân vận động. Ảrập Xêút gần đây mời các công ty xây dựng của Thổ Nhĩ Kỳ trở lại khi nước này thực hiện các dự án lớn nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Vào nửa đầu tháng 6, gã khổng lồ dầu mỏ Aramco của Ảrập Xêút và đại diện của các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ đã gặp nhau tại Ankara, thảo luận về các dự án tiềm năng đến năm 2025 trị giá 50 tỷ USD ở vương quốc vùng Vịnh này.

Đây không phải là lần đầu tiên Aramco và các công ty xây dựng Thổ Nhĩ Kỳ hợp tác trong các dự án lớn. Trước đây, công ty Thổ Nhĩ Kỳ Tekfen và Aramco đã ký một thỏa thuận trị giá 590 triệu USD về việc xây dựng các đường ống dẫn khí đốt cho Chương trình Gia tăng khí đốt Haradh, một dự án năng lượng ở Ảrập Xêút.

Tháng 3 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ và UAE ký Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), thỏa thuận thương mại tự do sau chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Erdogan tới UAE vào năm ngoái và sau lời kêu gọi của ông mời các doanh nghiệp nước này đầu tư vào Thổ Nhĩ Kỳ. Năm ngoái, xuất khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ sang UAE đạt 5,3 tỷ USD. Ngoài việc mở rộng thương mại phi dầu mỏ, Hiệp định còn tập trung vào việc thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nó đặt mục tiêu tạo ra 25 nghìn việc làm mới ở cả hai nước và 100 nghìn cơ hội việc làm ở Thổ Nhĩ Kỳ trong dài hạn.

Hợp tác năng lượng

Lĩnh vực năng lượng, bao gồm năng lượng tái tạo và không tái tạo đóng vai trò quan trọng không kém trong quan hệ hợp tác giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các quốc gia vùng Vịnh.

Theo bà Hicret Battaloglu, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu vùng Vịnh của Đại học Qatar, với tư cách là một nhà nhập khẩu năng lượng, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng gia tăng tỷ trọng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trong nhập khẩu khí đốt tự nhiên của mình, nhờ vào mối quan hệ năng lượng đáng kể với Qatar. Thực tế, Qatargas và BOTAS - Công ty Kinh doanh đường ống dầu khí của Thổ Nhĩ Kỳ, từng ký thỏa thuận 3 năm vào năm 2017 để cung cấp 1,5 triệu tấn LNG mỗi năm hoặc hơn. Năm nay, BOTAS và Oman’s LNG ký thỏa thuận tương tự kéo dài 10 năm để cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Battaloglu nói rằng, đối với năng lượng tái tạo, Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra chương trình nghị sự đa dạng hóa kinh tế cho các quốc gia GCC có nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ hydrocarbon, dầu mỏ và khí đốt. Các quốc gia vùng Vịnh có thể hưởng lợi từ kinh nghiệm của Thổ Nhĩ Kỳ về năng lượng tái tạo, ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng của nước này về các nguồn năng lượng mặt trời, gió và địa nhiệt. Việc đẩy mạnh năng lượng tái tạo của vùng Vịnh có ý nghĩa quan trọng trong cam kết của UAE và Ảrập Xê út đưa lượng khí thải carbon của họ về mức 0 ròng vào năm 2050 và 2060 tương ứng.

Tiềm năng bắt tay trong lĩnh vực quốc phòng

Những tiến bộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong lĩnh vực quốc phòng đã tạo ra nhu cầu ở các quốc gia vùng Vịnh sẵn sàng xây dựng hợp tác quân sự và quốc phòng với Ankara. Năm ngoái, xuất khẩu quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ sang UAE dự kiến sẽ tăng trong vài năm tới sau khi Abu Dhabi mua các UAV Bayraktar TB-2 (máy bay chiến đấu không người lái) rất được ca ngợi của Thổ Nhĩ Kỳ.

Bà Battaloglu đánh giá, mối quan tâm đến ngành công nghiệp máy bay không người lái một phần dựa trên nhu cầu của các quốc gia này nhằm bảo vệ các cơ sở dầu mỏ của họ trong một khu vực thường xuyên xảy ra xung đột. Các quốc gia vùng Vịnh hứng chịu nhiều cuộc tấn công vào tuyến vận chuyển và cơ sở dầu mỏ kể từ năm 2018. Trong năm 2019 và 2020, lực lượng nổi dậy Houthi đã tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa vào một cơ sở dầu mỏ lớn của Ảrập Xêút và một nhà máy phân phối sản phẩm dầu mỏ của Aramco. Năm 2022, UAE cũng phải đối mặt với một cuộc tấn công của các máy bay chiến đấu Yemen nhằm vào ba tàu chở dầu vận chuyển xăng dầu gần một kho chứa của Công ty Dầu mỏ quốc gia Abu Dhabi.

Theo bà Battaloglu, hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng cũng giúp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được cả lợi ích kinh tế và chiến lược từ ngành công nghiệp máy bay không người lái tiên tiến và tiết kiệm chi phí của mình. “Việc mở rộng xuất khẩu lĩnh vực quốc phòng và hiệu quả của máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ đã củng cố đáng kể sức mạnh thông minh của Thổ Nhĩ Kỳ cả trong khu vực và quốc tế”, bà nhận định. Hơn nữa, xuất khẩu vũ khí và hợp tác quân sự với các quốc gia vùng Vịnh hỗ trợ chính sách an ninh tự chủ và độc lập của Thổ Nhĩ Kỳ, đưa nước này vào vị trí của một bên tham gia nổi bật trong khu vực và toàn cầu.

Thổ Nhĩ Kỳ, với tư cách là thành viên NATO, cung cấp không gian an toàn cho các nước vùng Vịnh hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng và chuyển giao công nghệ do có mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ và phương Tây. Lợi thế đó mang lại giá trị đáng kể cho Thổ Nhĩ Kỳ. Theo giáo sư Ertem, hành động cân bằng của Thổ Nhĩ Kỳ mang lại không gian độc lập cho các quốc gia vùng Vịnh gần gũi với Washington khỏi bị cuốn vào cuộc cạnh tranh Trung Quốc - Mỹ…

Linh Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/buoc-chuyen-moi-trong-cac-quan-he-song-phuong-i336568/