Bước chân ngày ngày trên dải biên cương

PTĐT - 3 năm qua, với nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và bộ đội biên phòng (BĐBP), cùng với sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, ủng hộ...

Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa (thứ 3 từ trái sang) thăm mô hình xây dựng “Nhà sạch, vườn đẹp” - gia đình chị Chìu Nhì Múi ở thôn Mạ Chạt, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh.

PTĐT - 3 năm qua, với nỗ lực của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và bộ đội biên phòng (BĐBP), cùng với sự chung tay, góp sức của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp, ủng hộ, Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” đã huy động các nguồn lực hỗ trợ các xã biên giới khó khăn được gần 150 tỷ đồng. Điều ý nghĩa nhất là toàn bộ nguồn lực của chương trình tập trung hướng đến phụ nữ và trẻ em nghèo nơi biên giới.

Ngay sau khi Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh BĐBP phát động Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” vào thời điểm tháng 2 năm 2018, đã có gần 100 đơn vị, tổ chức, cá nhân ký cam kết hỗ trợ và đồng loạt triển khai các hoạt động tại 110 xã biên giới khó khăn. Ngoài ra, còn có 45 xã biên giới khác đang được các địa phương hỗ trợ trước đó. Chương trình được triển khai hoạt động bài bản không chỉ là cầu nối giữa các nhà tài trợ và các đối tượng yếu thế đang khao khát vươn lên làm chủ cuộc sống được hình thành, mà còn thắt chặt thêm vòng tay ấm áp tình nghĩa hậu phương - biên cương.
BĐBP với nòng cốt là 332 cán bộ tăng cường về xã, 2.096 đảng viên là cán bộ Biên phòng tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn, bản, 9.661 đảng viên đồn Biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới trực tiếp bắt tay vào việc. Đây chính là lực lượng tham mưu, phối hợp với chính quyền trong hướng dẫn, chỉ đạo và là chỗ dựa để Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã triển khai hoạt động phát triển kinh tế hộ gia đình, xóa đói giảm nghèo, ổn định cuộc sống.Nói về sự phối hợp 2 lực lượng, điều cốt lõi tạo nên sức mạnh là tổng hợp của 2 phương pháp làm việc bài bản sáng tạo và cụ thể của lực lượng Biên phòng đóng quân ở biên giới và chiều sâu, đồng cảm, chia sẻ của cán bộ phụ nữ các cấp. Họ đã có hàng ngàn ngày, hàng vạn bước chân bền bỉ trên khắp dải biên cương, mang đến những tín hiệu vui mừng về tương lai phát triển kinh tế, xây dựng vùng biên cương vững mạnh, giàu đẹp.3 năm qua, các đơn vị tổ chức các hoạt động theo hướng phát huy nội lực và sát với nhu cầu của phụ nữ. Tùy từng địa phương dựa vào các thế mạnh riêng có, trong đó quan tâm tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế mang tính bền vững, lâu dài như: Xây dựng mô hình giúp phụ nữ phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn vay, công cụ sản xuất, vật nuôi, cây, con giống, phân bón cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, giới thiệu sản phẩm cho người dân địa phương, trực tiếp hướng dẫn phương pháp, cách thức nhằm chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân địa phương tự thực hành.

Chương trình đã hỗ trợ gần 6 triệu con giống gia súc, gia cầm; 4,4 tỷ đồng vốn vay; 321 mô hình sinh kế giúp phụ nữ nghèo... Kết quả toàn bộ 110 xã đạt chỉ tiêu chương trình đề ra về hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hộ gia đình. Một thành tựu đáng tự hào khi chương trình mới triển khai vỏn vẹn 3 năm. Có được kết quả đó, các lực lượng đã cùng sát cánh với đồng bào biên giới phát huy những nền tảng sẵn có dày công đúc kết qua nhiều năm. Lực lượng BĐBP dựa vào công tác vận động quần chúng, phong trào giúp dân, xây dựng nông thôn mới, mô hình quân và dân cùng làm... Cán bộ phụ nữ địa phương sẵn có sự đoàn kết, gắn bó với cán bộ Biên phòng trên mọi mặt trận, đặc biệt là sự đồng hành trên các nẻo đường tuyên truyền, vận động thay đổi, biến nhận thức thành hành động. Sự chuyển biến rõ nét nhất là thay đổi về nhận thức thông qua truyền thông, chú trọng bồi đắp kỹ năng và ý thức trách nhiệm tham gia bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chương trình chú trọng tôn vinh các điển hình, các mô hình tốt, chủ động, linh hoạt trong vận động xã hội hóa, tổ chức các hoạt động tài trợ, đồng hành đa dạng, đúng nhu cầu.Tại 110 xã biên giới, chương trình hỗ trợ xây dựng gần 1.000 công trình dân sinh, 700 “Mái ấm tình thương”, trao tặng 4.000 suất quà, 4.000 suất học bổng cho học sinh, nữ sinh dân tộc thiểu số nghèo vượt khó. Các đồn Biên phòng nhận nuôi 355 cháu, đỡ đầu 2.529 cháu học sinh là con của các gia đình phụ nữ nghèo trong Chương trình “Nâng bước em tới trường” và “Con nuôi đồn Biên phòng”. Quân y các đồn Biên phòng và các tổ, hội phụ nữ cơ sở phối hợp với y tế địa phương tiến hành khảo sát phân loại sức khỏe cho 30.000 cháu có hoàn cảnh khó khăn, tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho trên 1 triệu người, trong đó chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người cao tuổi. Từ năm 2018 đến nay, có 9 trong số 110 xã “về đích” xây dựng nông thôn mới, trong đó có sự đóng góp của chương trình.Đặc biệt, trải qua một năm nhiều biến cố, căng thẳng phòng, chống dịch COVID-19, các cấp hội phụ nữ đóng vai trò là hậu phương vững chắc. Hàng nghìn hội viên phụ nữ khu vực biên giới thường xuyên tổ chức thăm hỏi, động viên, cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, nhu yếu phẩm cần thiết khác cho các tổ, chốt phòng, chống dịch COVID-19 trên biên giới, góp phần tăng thêm động lực, quyết tâm để cán bộ, chiến sĩ các đơn vị BĐBP vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ. Trong đó, nhiều hội viên phụ nữ là y, bác sĩ ở khu vực biên giới phối hợp chặt chẽ với lực lượng quân y của các đồn Biên phòng tổ chức thu dung, phân loại, sàng lọc người xuất, nhập cảnh qua biên giới để bàn giao, cách ly theo quy định, góp phần kiểm soát dịch bệnh trên địa bàn.

Hằng Hằng

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/an-ninh-quoc-phong/bien-gioi-bien-dao/202101/buoc-chan-ngay-ngay-tren-dai-bien-cuong-175019