Bùng nổ cửa hàng tiện lợi, nhà bán lẻ Việt lên kế hoạch giành thị phần

Vị trí thuận lợi, bám sát địa bàn dân cư, đáp ứng xu hướng tiêu dùng đã giúp cửa hàng tiện lợi phát triển nhanh chóng. Mô hình bán lẻ này lên ngôi vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp tăng độ phủ nhưng cũng khiến các ông lớn bán lẻ Việt Nam chật vật giữ thị phần.

Thị trường hấp dẫn

Số liệu của Tổng cục thống kê cho thấy năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.231,8 nghìn tỷ đồng. Riêng trong 4 tháng năm 2024, đạt 2.062,3 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện, ngành bán lẻ Việt Nam có quy mô 180 tỷ USD, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt 350 tỷ USD, đóng góp 59% GDP.

Những con số này đã khẳng định sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam đối với không ít các tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài. Một điều đáng chú ý việc khai thác thị trường cửa hàng tiện lợi đã có mặt hầu hết các thương hiệu quốc tế như Circle K (Mỹ), Ministop (Nhật), GS25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan)...

Người tiêu dùng mua hàng tại cửa hàng tiện lợi Circle K . Ảnh: Hoài Nam

Cụ thể, hiện hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K đã phủ sóng hơn 400 cửa hàng trên khắp Việt Nam. Tương tự, năm 2015, AEON (Nhật Bản) đã đầu tư phát triển hệ thống cửa hàng này, đến nay Ministop đã trở thành một "trạm dừng chân ven đường" với đối với đông đảo người dùng Việt. Tương tự, các “tay chơi” khác như là GS 25 (Hàn Quốc), 7-Eleven (Thái Lan) gia nhập thị trường bán lẻ Việt Nam cũng khiến cho bán lẻ kênh cửa hàng tiện lợi trở nên sôi động. Kết quả khả sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam cho thấy, hiện Circle K đang giữ vị trí dẫn đầu với thị phần ở mức 48%, tiếp theo là Family Mart 18,8%, Ministop 14,3% và 7-Eleven 7,3%..

Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp nước ngoài bỏ nhiều vốn đầu tư hệ thống cửa hàng tiện lợi, nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu cho rằng, nếu muốn mở siêu thị doanh nghiệp phải mất nhiều thời gian tìm địa điểm, thực hiện rất nhiều loại giấy phép khác nhau. Trong khi đó, việc xin giấy phép, tìm địa điểm cửa hàng có diện tích dưới 500m2 không quá khó khăn, vốn đầu tư lại thấp hơn đầu tư siêu thị.

Cửa hàng Circle K trên đường Đặng Văn Ngữ (Đống Đa). Ảnh: Hoài Nam

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển kênh mua sắm tiện lợi bởi tỷ lệ đô thị hóa hiện lên đến 30%, số lượng dân số trẻ chiếm tới 57%. Đặc biệt, tầng lớp trung lưu Việt Nam đến năm 2030 sẽ tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại sẽ tạo động lực chính cho sự phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi.

Chị Phạm Nguyệt Anh ở đường Trần Hữu Tước (Đống Đa) chia sẻ, mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, cảm giác yên tâm hơn so với chợ truyền thống bởi hàng hóa đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Quan trọng hơn, những cửa hàng này phục vụ xuyên đêm, trong khi hệ thống chợ, siêu thị đến 21 giờ đã dừng phục vụ. Ngoài ra giá bán các mặt hàng cũng phải chăng, thậm chí còn rẻ hơn siêu thị từ 5 - 10%.
Doanh nghiệp Việt tận dụng lợi thế sân nhà

Không chấp nhận để miếng bánh béo bở rơi vào tay nước ngoài, các công ty, tập đoàn Việt Nam như Co.op Food, Satra Foods, Winmart+… đang đầu tư khai thác thị trường này.

Thông tin từ WinCommerce (doanh nghiệp đầu tư hệ thống cửa hàng tiện lợi Winmart) cho thấy, trong tháng 4/2024, WinCommerce đã mở mới 15 cửa hàng WinMart. Đến nay sau gần 10 năm hoạt động, WinCommerce đã trở thành chuỗi bán lẻ hàng đầu Việt Nam với 129 siêu thị WinMart và hơn 3500 cửa hàng WinMart+/WiN hiện diện tại 62 tỉnh thành trên cả nước. Tổng Giám đốc Tập đoàn Masan Danny Le chia sẻ, mục tiêu của doanh nghiệp đến năm 2025, WinCommmerce sẽ kết nối 30 - 50 triệu người tiêu dùng Việt thông qua 8.000 siêu thị - cửa hàng tiện lợi và mô hình partnership (hợp tác, liên kết).

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại cửa hàng tiện lợi Winmart. Ảnh: Hoài Nam

Không chịu thua kém, năm 2015, Công ty CP Đầu tư Thế giới di động cũng đã đầu tư hệ thống siêu thị cửa hàng tiện lợi Bách hóa xanh, đến nay sau 10 năm hoạt động Bách hóa xanh đã có 1.824 cửa hàng trên cả nước. Tương tự Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op)cũng đã đầu tư mở gần 600 cửa hàng tiện lợi Co.op Food... Để cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài, nhiều doanh nghiệp đã chủ động thay đổi cách thức phục vụ, hàng hóa phù hợp với xu thế tiêu dùng, nhu cầu mua sắm của người dân.

Lý giải nguyên nhân khiến doanh nghiệp nội đẩy mạnh mở rộng hệ thống cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức cho rằng, các cửa hàng tiện lợi do của doanh nghiệp ngoại tập trung hàng bách hóa và thức ăn nhanh. Để thu hút người tiêu dùng, doanh nghiệp Việt tập trung phục vụ thực phẩm tươi sống, tiêu dùng thiết yếu đang là “phần bánh” mà các doanh nghiệp nội đầu tư khai thác qua đó chiếm thị phần vì họ hiểu ý người tiêu dùng Việt, nhất là tập trung vào đối tượng bà nội trợ

Hệ thống cửa hàng tiện lợi Winmart thu hút người tiêu dùng mua sắm. Ảnh: Hoài Nam

“Nhiều bà nội trợ thành thị có thiện cảm với hệ thống cửa hàng tiện lợi do doanh nghiệp trong nước mở bởi tại đây, họ có thể chọn mua thực phẩm với lượng như mong muốn. Các loại rau củ, thịt cá được đóng gói với lượng vừa đủ phù hợp với bữa ăn của nhiều gia đình, ngoài ra, doanh nghiệp còn áp dụng nhiều chương trình giảm giá theo ngày, theo khung giờ. Bên cạnh đó với xây dựng hệ thống cửa hàng tiện lợi Việt sát với khu dân cư kiểu "chợ gần nhà" đang là ưu thế hút khách”- ông Đức nêu rõ.

Nhận định về cuộc đua hiện nay của doanh nghiệp trong nước và các nhà bán lẻ lớn nước ngoài, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài có đủ tiềm lực để đầu tư hàng loạt cửa hàng tiện lợi mở cửa 24/24 giờ, để đủ sức cạnh tranh đơn vị bán lẻ Việt Nam cần tìm ra sự khác biệt trong quá trình phục vụ, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu người tiêu dùng. “Nếu các doanh nghiệp cứ phát triển na ná như nhau, không tìm ra sự khác biệt thì tiềm lực tài chính đến đâu cũng không dễ thành công”- ông Long cảnh báo.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/bung-no-cua-hang-tien-loi-nha-ban-le-viet-len-ke-hoach-gianh-thi-phan.html