Bùng cháy cống hiến từ người lính thương binh

Dẫu cuộc gặp gỡ đã diễn ra cách đây gần 15 năm về trước, nhưng tôi vẫn nhớ như in nụ cười thật hiền trên gương mặt người lính ấy và ánh mắt tràn đầy niềm tin của những bệnh nhân phong sống ở làng Tang, xã Ia Chia, huyện Ia Grai (Gia Lai). Thật thấm thía khi ai đó nói rằng, chẳng cần cho nhau sự cao sang mà chỉ cần tấm lòng cũng đủ sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng gặp gỡ, trò chuyện với nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Thái Kim Nga

Cái gọi là “món quà” của người lính Biên phòng (BP) hôm ấy dù chỉ là nụ cười và đôi bàn tay xoa nhẹ lên vết thương đang lở lói làm quên đi nỗi đau bệnh tật. Người lính BP ấy là Thiếu tá, thương binh Nguyễn Văn Bằng, cán bộ tăng cường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Ia Nan, huyện Đức Cơ (Gia Lai).

Từ cái tên “Ksor Biên Phòng”…

Những năm 2010 trở về trước, xã Ia Chia, huyện Ia Grai là địa bàn phức tạp về tình hình an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Các đối tượng FULRO, “Tin lành Đê Ga” đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chống phá, nhen nhóm hình thành những “bộ khung” chính quyền phản động ngầm, kích động gây chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân dân, lôi kéo người nhẹ dạ, cả tin vượt biên trái phép.

Tuy nhiên, mọi luận điệu tuyên truyền phá hoại của các ổ nhóm phản động lúc bấy giờ cũng chỉ là trò hề đánh lừa người dân không hơn không kém, bởi ngay tại chính làng Beng, nơi chúng xem như là “căn cứ” của “Tin lành Đê Ga” ngày qua ngày, buôn làng vẫn đón đợi, trông ngóng những người lính Cụ Hồ về với bà con trong vòng tay yêu thương.

Thời điểm đó, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng là Đội phó Vận động quần chúng Đồn BP Ia Chia, BĐBP Gia Lai trực tiếp phụ trách làng Beng và làng Tang. 2 ngôi làng còn là nơi sinh sống của gần 30 hộ gia đình bệnh nhân phong. Với địa bàn đặc biệt như thế; một làng thì nhốn nháo phức tạp, còn làng kia, bà con lại âm thầm quằn quại trong nỗi đau bệnh tật và cả những ánh mắt xa lánh của những người xung quanh. Vượt qua tất cả, những người lính BP vẫn miệt mài cống hiến, mang yêu thương đến với mọi nhà.

Hình ảnh chúng tôi nhớ nhất về Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng và đồng đội của anh ngày ấy là những chuyến đi xuống làng Tang. Ở đó không hề tồn tại bất kỳ một khoảng cách nào, bởi người lính BP thấu hiểu nỗi đau của các bệnh nhân phong, hết lở lói là tay chân co quắp lại, để rồi sau đó thành phế nhân đến hết cuộc đời.

Tận mắt chứng kiến tình cảm của người lính, tôi tự hỏi, nếu chỉ là nhiệm vụ thông thường hay khoản phụ cấp đặc biệt thì có mấy ai dám ăn chung mâm, ngủ chung giường với những con người đang mang trong mình căn bệnh quái ác, bị nhân thế lánh xa? Chắc chắn là không. Vậy tại sao Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng và đồng đội của mình vẫn cứ vững vàng bám trụ giữa những thử thách như thế?

Đơn giản đó là tình thương, sự đồng cảm, là nguồn cảm hứng trong cuộc sống mà các chủ nhân đất rừng biên giới dành cho nhau. Nửa bên này (bệnh nhân phong) cần một điểm tựa vững chắc để vượt qua nghịch cảnh, còn nửa bên kia (những người lính) cần một bệ phóng để thêm vững bước chân mang niềm vui đến với buôn làng.

Những ngày bám trụ ở làng Beng, điểm nóng của hoạt động “Tin lành Đê Ga” lúc đó, anh cùng đồng đội luôn đề cao sự rạch ròi và cống hiến: Ai gặp khó đều phải giúp đỡ, còn ngược lại, có tội là phải cương quyết xử lý. Bên cạnh những cuộc “đấu trí” căng thẳng với đối tượng phản động trong buổi kiểm điểm công khai trước quần chúng nhân dân, người lính BP ấy vẫn vẹn nguyên bản ngã của mình - lặng thầm cống hiến trên những cung đường biên giới.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng đã từng phải nhận lấy sự đớn đau về thể xác trong một cuộc truy bắt tội phạm. Anh là thương binh hạng A với tỷ lệ thương tật 27%, nhưng cũng không ít lần được thăng hoa trong niềm cảm xúc khi được bà con bày tỏ lòng tri ân. Ngày đó, ở làng Beng có đôi vợ chồng trẻ, vì thiếu kiến thức về sinh sản mà người vợ chút nữa phải đánh đổi mạng sống của mình. Mặc dù đã đến ngày “vượt cạn”, nhưng vì thói quen “đẻ ở nhà” mà người chồng vẫn bình thản trước cơn đau quằn quại của người vợ. Mãi đến khi chị vợ, người bê bết máu, lăn ra giữa nền nhà la hét thì anh chồng mới luống cuống tìm người đưa đi cấp cứu.

Trước tình huống nguy nan ấy, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng đã kịp thời hỗ trợ, cùng với người chồng đưa sản phụ đến trạm y tế xã. Cuộc “vượt cạn” cuối cùng đã thành công và để bày tỏ lòng biết ơn với người lính BP, hai vợ chồng nọ nhờ anh Bằng đặt tên cho con. Đặt sao cũng được, miễn là “Bằng thích thì mình sẽ thích!”. Vậy là cái tên mang đậm tình quân dân: Ksor Biên Phòng ra đời từ đó để tri ân người lính mang quân hàm xanh.

Đến người cán bộ “nhiều trong một”…

Gần 45 năm tuổi đời, 26 năm “tuổi quân”, có thể nói, Thiếu tá, thương binh Nguyễn Văn Bằng đã dành cả tuổi thanh xuân của mình cho biên giới. Trong vai trò của cán bộ dân vận, anh rong ruổi trên khắp các buôn làng, hết xã Ia Chia lại qua Ia Pnôn rồi xã Ia Nan thuộc huyện Đức Cơ.

Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng hướng dẫn kỹ thuật giúp bà con phát triển chăn nuôi, giảm nghèo bền vững. Ảnh: Thái Kim Nga

Từ năm 2018 đến nay, trên cương vị là cán bộ BP tăng cường xã, Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng đảm nhận cùng lúc nhiều chức danh như Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Trưởng ban Tuyên giáo, Trưởng khối Dân vận Đảng ủy xã Ia Nan. Với con người luôn bùng cháy nguồn cảm hứng trong công việc, anh tích cực chủ động làm công tác tham mưu trong lãnh đạo, chỉ đạo quy hoạch cán bộ, bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, tham gia xây dựng chỉnh đốn Đảng ở cơ sở, xây dựng nông thôn mới...

“Nhiều vai thì lắm việc” nhưng “đích đến” mỗi ngày của người cán bộ thương binh đang khoác lên mình bộ quân phục BP vẫn là những ngôi làng thân thương nơi biên giới. Ở đó, có những con người mộc mạc chân chất đang cần được đồng hành để tiến bộ. Rất nhiều mô hình đa dạng trên mọi lĩnh vực đã được anh khởi xướng và trực tiếp tham gia mang lại hiệu quả thiết thực như 8 mô hình “Dân vận khéo”, 4 mô hình phát triển kinh tế, 2 mô hình về văn hóa - xã hội và 2 mô hình về đảm bảo quốc phòng - an ninh đã tạo nên bước đột phá, góp phần giúp xã Ia Nan tiến nhanh hơn trên con đường xây dựng nông thôn mới (xã Ia Nan hiện tại đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới).

Cùng với đó là “chuyến hành trình” dài kết nối, đồng hành, chia sẻ yêu thương với người nghèo, tăng cường sức mạnh khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đoàn kết quân dân để cùng nhau xây dựng, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Ông Rơ Châm Míu, Trưởng nhóm đạo Tin lành làng Nú, xã Ia Nan chia sẻ với chúng tôi: “Nguyễn Văn Bằng là người cán bộ mẫu mực, hết lòng vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Với bà con tín đồ Tin lành chúng tôi, anh thật sự là chiếc cầu nối vững chắc giữa chính quyền với nhân dân, là niềm tin để bà con hướng đến mục tiêu sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước...”.

Từ những chuyến đi lặng lẽ xuống làng, sưởi ấm những mảnh đời bất hạnh đến người cán bộ đa năng, đảm nhiệm nhiều chức danh quan trọng trong hệ thống chính trị ở cơ sở, Thiếu tá, thương binh Nguyễn Văn Bằng vẫn luôn bùng cháy ngọn lửa cống hiến, tiếp thêm niềm tin để các chủ nhân đất rừng biên giới vững vàng bước chân hướng về phía trước.

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bung-chay-cong-hien-tu-nguoi-linh-thuong-binh-post452746.html