'Bún chửi' lên sóng CNN - ai là người xấu hổ?

Đã mấy ngày qua, người Hà Nội rỉ tai nhau về đoạn video được phát sóng trong chương trình truyền hình “Parts Unknown” của đầu bếp Mỹ Anthony Bourdain trên kênh CNN ghi hình một quán bún nằm trên phố Ngô Sĩ Liên vốn được biết đến với cái tên “bún chửi”.

Hình ảnh bà chủ quán “bún chửi” trên sóng truyền hình CNN

Trong đoạn video này, bà chủ quán không ngần ngại “chan tương đổ mẻ” khi một khách hàng lỡ hỏi món mọc mà cửa hàng không có. “Thích thì ra ngoài chợ ấy. Tốt nhất là đi về nhà nấu lấy ăn. Ở đây không nấu. Đi luôn!”, bà chủ quán chao chát. Giới thiệu về một trong những món ăn ngon của Hà Nội, ông Anthony Bourdain nhận xét, quán bún trên gắn liền với “cách giao tiếp suồng sã và thẳng thắn của bà chủ quán với khách hàng”.

Đầu bếp từng thưởng thức món ăn với Tổng thống Obama tại Hà Nội còn hài hước bình luận: “Chúng tôi nghe những lời mắng chửi chỉ để thưởng thức một tô bún nóng, thơm với mắm ớt, nước hầm xương và thịt chân giò”.

Chuyện người dân Hà Nội thấy “tức anh ách” khi bỗng nhiên một bà chủ quán bún chao chát lại xuất hiện trên sóng truyền hình quốc tế trong một chương trình tôn vinh ẩm thực Hà thành có lẽ cũng là điều dễ hiểu.

Người ta nói tôn vinh kiểu này thì “có gì mà tự hào”, kiểu đuổi khách này được đăng trên kênh truyền hình quốc tế quả là “nỗi xấu hổ lớn” với người dân Hà Nội. Có người còn lên án đầu bếp nổi tiếng của Mỹ, vì chọn đâu không chọn, lại chọn đúng quán bún có cung cách phục vụ chẳng mấy văn minh này để giới thiệu trong chương trình truyền hình tầm cỡ quốc tế.

Không biết tự bao giờ những “bún mắng”, “cháo chửi”, “phở quát”… lại nổi lên như một kiểu kinh doanh độc đáo ở Hà Nội. Thay vì yêu cầu được phục vụ lịch sự, văn minh, nhiều người Hà Nội lại chấp nhận cách bị “bạc đãi” để được thưởng thức cho được một bữa ăn ngon.

Nhưng khoan nói đến chuyện xấu hổ, nhục nhã hay sự đi xuống nào đó trong cách thưởng thức, cần phải nhớ rằng, sự “mắng chửi” không đại diện cho văn hóa ẩm thực của người Hà Nội. Ẩm thực Hà Nội từ xưa đến nay nổi tiếng là cầu kỳ và tinh tế. Có người nói, sự tinh tế ấy không chỉ thể hiện ở cách chế biến, biết thưởng thức đúng cách mà còn ở tấm lòng của người trao kẻ nhận.

PGS.TS Nguyễn Xuân Hòa, nhà nghiên cứu văn hóa, Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Hà Nội cho hay, cách ăn uống của người Hà Nội mang nhiều tính cộng đồng. Khi ăn, người Hà Nội rất coi trọng việc “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”. Trong bữa cơm gia đình, người trẻ luôn mời người lớn tuổi dùng bữa. Còn khi ra ngoài quán, dù là ăn ngoài vỉa hè, người phục vụ cũng thường có câu: “Mời anh/chị xơi”…

Như thế là thể hiện thái độ trân trọng đối với thực khách. “Tất nhiên, chúng ta nên tách bạch hai việc này. Rằng ẩm thực là ẩm thực, văn hóa là văn hóa. Không nên vì một bà chủ quán “bún chửi” mà đổ oan hay “chụp mũ” cho một món ăn hay thói quen ăn uống của một vùng miền. Tôi cho rằng, bất cứ thực khách nào ra ngoài ăn, dù trong hàng quán sang trọng hay ngồi ghế nhựa cũng mong được đối xử nhẹ nhàng, văn minh” - PGS. TS Nguyễn Xuân Hòa nhận định.

Lẽ dĩ nhiên, không nên và cũng không cần thiết phải “lăng-xê” cách thưởng thức ẩm thực thiếu thiện chí này. Bởi dù sao, khi một món ăn được vinh danh trên kênh truyền hình quốc tế, thì cái đầu tiên khán giả biết đến đó là xuất xứ của món ăn.

Hình ảnh “bún chửi” Hà Nội rõ ràng không chỉ gây nên sự hiếu kỳ, mà tạo một ấn tượng không mấy thiện cảm trong mắt du khách khi đến với Việt Nam. Nhưng dù sao thì, thay vì cảm thấy mất mặt, có chăng chúng ta cũng nên coi đó chỉ như một góc nhìn của người bạn nước ngoài về một “nét lạ” trong văn hóa ẩm thực của Thủ đô. Nói như PSG.TS Nguyễn Xuân Hòa thì: “Ai cư xử không hay thì mới tự phải xấu hổ, chứ sao chúng ta lại phải thấy xấu hổ?”.

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/bun-chui-len-song-cnn-ai-la-nguoi-xau-ho/703607.antd