Bùi Quang Ngọc Gã lãng tử làng bóng chuyền

Cùng Sanest Khánh Hòa giành ngôi quán quân quốc gia năm 2023 sau trận chung kết lịch sử với đội bóng chuyền Biên phòng ngay tại sân nhà Nha Trang, HLV Bùi Quang Ngọc có thêm danh hiệu vô địch Việt Nam thứ 7 trong sự nghiệp cầm quân. Đây là thành tích khó ai sánh nổi trong làng bóng chuyền nước nhà.

Bùi Quang Ngọc tự hào nói về NSƯT Quang Thái - diễn viên điện ảnh và kịch nói, người cha khả kính, nghiêm khắc và luôn thương yêu các con: "Bố là người có tầm ảnh hưởng nhất trong cuộc đời tôi. Trong mắt nhiều người, tôi là bản sao nguyên vẹn của bố".

Bùi Quang Ngọc cho biết bố ông không định hướng nghề nghiệp cho các con, ai thích gì cứ học nấy. Khi học cấp III, ông đã cao 1,75 m và đam mê bóng rổ.

"Một lần tình cờ, đại tá - nhà văn Nguyễn Trần Thiết kể về bạn của con trai ông - là tôi - vóc dáng cao khều và chơi thể thao tốt. Thế là cán bộ Đoàn Thể Công - nay là Trung tâm Thể dục Thể thao (TDTT) Quân đội - tìm đến nhà nói chuyện với bố để tôi gia nhập tuyến VĐV trẻ môn bóng chuyền! Tôi đến với bóng chuyền một cách ngẫu nhiên như thế nhưng lại gắn bó sâu sắc gần như cả cuộc đời" - ông nhớ lại.

Chưa thật sự sẵn sàng bước vào môi trường quân đội ở tuổi 18 nhưng từ một thành viên đội trẻ Thể Công cho đến khi xuất ngũ với chức vụ Giám đốc Trung tâm TDTT Quân đội, thượng tá Bùi Quang Ngọc đã có 36 năm 6 tháng gắn bó với màu áo lính, với môn bóng chuyền. Ông trưởng thành từ VĐV đội trẻ lên đội 1 Thể Công rồi tuyển quốc gia, chuyển sang công tác huấn luyện cũng từ đội trẻ lên đội 1 Thể Công, nắm đội tuyển trẻ quốc gia rồi đội tuyển quốc gia.

Bùi Quang Ngọc thừa nhận sự nghiệp VĐV của ông có phần bình thường, không nhiều thành tích đáng nhớ và "bóng chuyền chỉ trở nên có ý nghĩa sau khi tôi rời sân đấu để chuyển sang công việc huấn luyện". Sau khi nghỉ thi đấu, ông được cử đi học khóa chuyên tu bóng chuyền tại Trường ĐH TDTT Từ Sơn rồi khóa học 3 tháng HLV bóng chuyền nâng cao ở Hungary.

Về nước, Bùi Quang Ngọc được Thể Công trao nhiệm vụ xây dựng lứa VĐV trẻ của quân đội. Với những kiến thức bài bản trong tay, ông đã gầy dựng được một ê-kíp "sao mai" tài năng mà sau này trở thành lực lượng nòng cốt của bóng chuyền Thể Công cũng như tuyển Việt Nam. Đó là thế hệ của Phạm Minh Dũng, Thái Anh Văn, Nguyễn Duy Quang, Bùi Huy Sơn… từng giành 5 chức vô địch quốc gia các năm 2000, 2001, 2002, 2003, 2005 và hàng loạt danh hiệu ở các giải đấu khác.

* * *

Rời quân ngũ năm 2010, Bùi Quang Ngọc bắt đầu hành trình của kẻ lãng tử bóng chuyền. Nhận lời dẫn dắt đội Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam chỉ vài tháng, ông đã đưa tập thể non trẻ này vào đến trận chung kết Siêu cúp Đạm Phú Mỹ.

Một năm sau, Bùi Quang Ngọc ngược lên cao nguyên, ký hợp đồng làm HLV đội Đức Long Gia Lai của ông bầu Bùi Pháp. Trong tay là một đội hình lắp ghép vội vã - với Phạm Văn Thành đã nghỉ thi đấu ở Thể Công, Bùi Thiện Mến bị trả về từ Quân đoàn 4 hay Thành Hạc, Minh Trắng còn khá non nớt đến từ đội bóng A1 Trà Vinh và Văn Toại, Trọng Linh còn chấn thương dai dẳng - ông vẫn nhào nặn họ thành một tập thể đáng gờm.

Đức Long Gia Lai đoạt vé thăng hạng ngay mùa đầu tiên. Mùa giải tiếp theo, tân binh hạng đội mạnh này giành được ngôi á quân sau khi thua ngược Tràng An Ninh Bình 2-3 ở trận chung kết Giải Vô địch quốc gia 2012. Thêm một năm nữa, Đức Long Gia Lai đổi được màu huy chương, bước lên ngôi vô địch Việt Nam sau chiến thắng thuyết phục Thể Công Binh đoàn 15 với tỉ số 3-1 ở trận chung kết.

Cùng Long An trụ hạng thành công năm 2017, đưa Bến Tre giành quyền thăng hạng đội mạnh năm 2019 và 2023, giúp Sanest Khánh Hòa đoạt chức vô địch quốc gia, Bùi Quang Ngọc có thêm những cột mốc đáng nhớ trong sự nghiệp cầm quân. Tính ra, cứ mỗi 10 năm, ông lại đưa được một đội bóng trở thành số 1 Việt Nam và 7 ngôi vô địch quốc gia thực sự là một kỷ lục khó phá trong làng bóng chuyền.

Dù vậy, "gã lãng tử" vẫn chưa muốn dừng lại ở đó.

* * *

Năm 1995, khi tham dự khóa huấn luyện nâng cao tại Hungary, suốt 3 tháng ở Budapest, ngoài thời gian nghe giảng lý thuyết trên lớp, Bùi Quang Ngọc thường ngồi lì trong thư viện, tìm và dịch tài liệu về bóng chuyền. Ngày về nước, hành lý của ông chất đầy các giáo trình được sao chụp hết 500 USD - tức toàn bộ chi phí tiêu vặt được cấp cho 3 tháng học cộng thêm một ít tiền túi.

Được giao nhiệm vụ xây dựng tuyển trẻ Quân đội, Bùi Quang Ngọc tạo nên một cuộc "cách mạng" khi các VĐV chỉ cần ra sân thực hành những gì ông tiếp thu ở Hungary. Nếu như năm 1999, đội 1 Thể Công còn phải tranh suất trụ hạng thì không lâu sau đó, tân HLV trưởng Bùi Quang Ngọc cùng dàn VĐV trẻ của mình đã thi đấu tưng bừng. Đội Thể Công đoạt ngôi vô địch quốc gia năm 2000, mở đầu cho chuỗi 5 lần đăng quang trong vòng 6 năm của đội bóng áo lính.

Trong 3 năm dẫn dắt tuyển Việt Nam, thành tích đáng ghi nhận nhất của Bùi Quang Ngọc là đưa đội vào đến bán kết SEA Games 2003 trên sân nhà. Tuyển Việt Nam đã chơi sòng phẳng với Thái Lan - thế lực bóng chuyền hùng mạnh nhất khu vực, chỉ để thua đáng tiếc 2-3.

Từng làm việc ở các cấp độ cao nhất của bóng chuyền Việt Nam, Bùi Quang Ngọc còn được biết đến như một HLV đặc biệt yêu nghề và tâm huyết. Ở đâu có giải trẻ là ông tìm đến với niềm vui được xem và hy vọng phát hiện ra tài năng trẻ. Ông cũng luôn tâm tư về phương pháp huấn luyện khi lực lượng HLV Việt Nam ít được tiếp thu kiến thức mới, dẫn đến việc bóng chuyền nước ta lạc hậu khá xa so với thế giới.

Theo HLV Bùi Quang Ngọc, chúng ta không hề thua kém các đối thủ trong khu vực cả về yếu tố con người lẫn kỹ thuật. Vấn đề của bóng chuyền Việt Nam, nhất là các đội bóng nam, là không được đầu tư đầy đủ, ít quan tâm đào tạo lớp trẻ cũng như không có được thầy giỏi. Chuyện nhiều đội bóng thành lập vội vã rồi nhanh chóng giải thể chỉ là một phần của hiện trạng "ăn xổi ở thì" trong bóng chuyền Việt.

Đó là lý do khi được hỏi có còn khao khát thành công với đội tuyển hay không, Bùi Quang Ngọc cho biết ông sẵn sàng tái xuất, miễn là bóng chuyền nhận được sự quan tâm, đầu tư đúng mức cùng tham vọng vươn lên ở đấu trường quốc tế. Ở ngưỡng tuổi U70, ông vẫn chưa có ý định nghỉ ngơi hay dừng lại.

Con đường sự nghiệp của HLV Bùi Quang Ngọc khác hẳn cha ông - một nghệ sĩ nổi tiếng. Suýt được giao vai nam chính trong bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt Nam "Chung một dòng sông" (1959), nghệ sĩ Quang Thái sau đó chỉ nhận một vai phụ. Cảm thấy không có duyên với điện ảnh, ông đầu quân cho Nhà hát Kịch Việt Nam và từ đó, sự nghiệp sân khấu của ông thăng hoa.

Tạo dựng tên tuổi qua rất nhiều vai kịch để đời nhưng rốt cuộc, nghệ sĩ Quang Thái được đạo diễn Long Vân mời đóng vai nhà tư sản Tư Chung trong "Biệt động Sài Gòn", bộ phim truyện màu đầu tiên - lại là đầu tiên - của điện ảnh Việt Nam. Vai diễn này thành công đến mức ông "bị" khán giả gọi "chết tên" Tư Chung ngoài đời.

ĐÀO TÙNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bui-quang-ngoc-ga-lang-tu-lang-bong-chuyen-196240206091449634.htm