Bức tranh tài chính của SBIC trước thềm phá sản

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hiện đang hoàn thiện kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm xác định lộ trình, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan trong tiến trình phá sản SBIC.

Kết thúc năm 2023, doanh thu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) đạt 3.627 tỉ đồng - Ảnh minh họa

Chính phủ mới đây đã có nghị quyết về kế hoạch tổ chức thực hiện thông báo kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC). Việc xử lý sẽ theo hướng phá sản đối với công ty mẹ - SBIC và 7 công ty con.

Trước thềm phá sản, hoạt động sản xuất kinh doanh của tổng công ty năm 2023 đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất, giá trị doanh thu toàn tổng công ty đạt từ 113-124% so với kế hoạch. Cụ thể, tổng công ty bàn giao 82 sản phẩm, tăng 19 sản phẩm so với kế hoạch, với giá trị sản xuất đạt 4.072 tỉ đồng, bằng 113 % so với kế hoạch.

Trong đó, đóng tàu đạt 2.985 tỉ đồng, bằng 114% kế hoạch, tăng 25,8% so với thực hiện năm 2022; sửa chữa đạt 707 tỉ đồng, bằng 118% kế hoạch, bằng 91% so với thực hiện năm 2022; công nghiệp phụ trợ đạt 67 tỉ đồng, bằng 94,7% kế hoạch; hoạt động vận tải, dịch vụ cảng đạt 208 tỉ đồng, bằng 90,3% kế hoạch; hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ đạt 103 tỉ đồng, bằng 123,9% kế hoạch.

Về giá trị doanh thu, đạt 3.627/2.911 tỉ đồng kế hoạch, bằng 124,8% kế hoạch, tăng 29% so với thực hiện năm 2022. Trong đó, đóng tàu đạt 2.439 tỉ đồng, bằng 130% kế hoạch (tăng 54% so với thực hiện năm 2022); sửa chữa đạt 614 tỉ đồng, bằng 118,9% kế hoạch; công nghiệp phụ trợ đạt 74 tỉ đồng, bằng 107% kế hoạch; hoạt động vận tải, dịch vụ cảng đạt 206 tỉ đồng, bằng 90,3% kế hoạch; hoạt động thương mại, kinh doanh dịch vụ đạt 132 tỉ đồng, bằng 107% kế hoạch.

Năm 2024, SBIC đặt chỉ tiêu triển khai đóng mới 83 sản phẩm với giá trị doanh thu dự kiến 2.254 tỉ đồng; giá trị sản xuất dự kiến đạt 3.866 tỉ đồng; giá trị doanh thu dự kiến đạt 3.299 tỉ đồng.

Theo Bộ GTVT, việc phá sản SBIC là điều không thể tránh khỏi, việc phá sản sẽ tốt cho các công ty con hoạt động hiệu quả, để xóa bỏ trách nhiệm với các khoản nợ cũ.

Thực tế, một số công ty đóng tàu thuộc SBIC hoạt động rất tốt, hằng năm vẫn có lãi, nhưng số tiền kiếm được không đủ để trả lãi vay, trả nợ các khoản vay cũ từ thời kỳ Vinashin để lại.

Sau phá sản, nguồn tiền thu được từ thanh lý công ty, tài sản sẽ dùng theo quy định pháp luật về phá sản như dùng trả nợ, trả lương và bảo hiểm xã hội cho người lao động vẫn còn tồn từ thời Vinashin để lại.

Ngay đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã tổ chức đoàn công tác làm việc với công ty mẹ - SBIC và các công ty thành viên trải dài trên khắp cả nước.

Bộ đang hoàn thiện kế hoạch tổ chức thực hiện nhằm xác định lộ trình, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ trong tiến trình phá sản SBIC. Mục tiêu theo Nghị quyết 220 của Chính phủ là thu hồi tối đa vốn và tài sản; hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước.

Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết, phá sản SBIC thực chất là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới. Thực hiện xong phá sản sẽ mở ra cơ hội cho các công ty đóng tàu thành viên SBIC bước sang giai đoạn mới, nắm bắt cơ hội để phát triển. Sau phá sản, chủ doanh nghiệp mới không phải gánh hay chịu ràng buộc từ các khoản nợ cũ, sẽ có điều kiện chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo hiệu quả hơn.

Theo lộ trình, SBIC sẽ sớm kiện toàn bộ máy nhân sự, rà soát lại các khó khăn, vướng mắc để phối hợp với Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao GTVT) tháo gỡ, tạo điều kiện tối đa cho các công ty thành viên làm thủ tục phá sản.

Theo quy trình, các đơn vị thành viên và SBIC sẽ nộp thủ tục phá sản lên tòa án, khi tòa mở hồ sơ và tuyên bố phá sản, việc thanh lý tài sản, các nghĩa vụ, ưu tiên thanh toán sẽ được thực hiện theo phán quyết của tòa. Trong quá trình này, các đơn vị đang hoạt động, có các hợp đồng vẫn thực hiện bình thường.

Trước đó, Bộ GTVT đã có văn bản gửi SBIC yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng của từng doanh nghiệp, tổng hợp hồ sơ, tài liệu và xây dựng phương án xử lý cụ thể cho từng doanh nghiệp. Các đơn vị dự kiến chịu tác động gồm: Công ty mẹ - SBIC; các công ty con (7 công ty) và 147 doanh nghiệp, đơn vị thành viên của Vinashin trước đây chưa hoàn thành tái cơ cấu.

SBIC thành lập năm 2013, trên cơ sở sắp xếp, tái cơ cấu lại Tập đoàn Vinashin. Vốn điều lệ thời điểm đó của SBIC trên 9.500 tỉ đồng. Tuy nhiên, SBIC phải gánh khoản nợ do Vinashin để lại trên 4 tỉ USD cả trong và ngoài nước.

SBIC có 8 công ty con, gồm: Đóng tàu Phà Rừng; Đóng tàu Bạch Đằng; Đóng tàu Hạ Long; Đóng tàu Thịnh Long; Đóng tàu Cam Ranh; Công ty Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn; Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/buc-tranh-tai-chinh-cua-sbic-truoc-them-pha-san-213371.html