Bức ảnh khiến cả thế giới chú ý sau bạo loạn ở thủ đô Brazil

Cơn thịnh nộ của người biểu tình cực đoan Brazil hôm 8/1 đã để lại thiệt hại lên những dấu ấn lịch sử chính trị và nghệ thuật hàng trăm năm của đất nước.

Giữa những đống ngổn ngang của đồ đạc bị phá bên trong dinh tổng thống Brazil, bức chân dung của Công tước xứ Caxias từ thế kỷ XIX, trên tầng hai của tòa nhà, đã bị vẽ thêm bộ ria mép màu xanh theo kiểu của Adolf Hitler.

Một kiệt tác khác trị giá hàng triệu USD theo chủ nghĩa hiện đại của danh họa Emiliano Di Cavalcanti đã bị đâm 7 nhát.

Ngay cả các phòng họp báo của dinh thự cũng không thoát khỏi cơn thịnh nộ của hàng nghìn người biểu tình cực hữu cực đoan khi họ xông vào trung tâm chính trị của Brazil - Three Powers Plaza, nơi có Tòa án Tối cao, dinh tổng thống và quốc hội - vào chiều 8/1, theo Guardian.

Mùi nước tiểu và mùi bia

Sau khi xông vào Cung điện Planalto - cũng là dinh tổng thống - do kiến trúc sư nổi tiếng Oscar Niemeyer thiết kế, các phần tử cực đoan này giải khuây trong phòng họp báo và đi vệ sinh trong phòng nhiếp ảnh bên cạnh.

Tranh Công tước xứ Caxias trong dinh tổng thống Brazil bị bôi bẩn. Ảnh: Tom Phillips/Guardian.

“Toàn bộ nơi này bốc mùi nước tiểu và bia”, một nhân viên của dinh thự nói khi đám đông gây bạo loạn đã được giải tán và các quan chức trở lại tòa nhà.

Thăm hai trong số ba tòa nhà bị tấn công ở Brasília vào chiều 9/1, một ngày sau vụ tấn công của những người theo đường lối cứng rắn ủng hộ cựu Tổng thống Jair Bolsonaro, Guardian xác nhận những gì được truyền thông mô tả trước đó.

Cung điện Planalto và tòa nhà quốc hội đều được ví như những “viên ngọc kiến trúc” của ông Niemeyer - một trong những kiến trúc sư có tầm ảnh hưởng nhất đến sự phát triển kiến trúc Brazil hiện đại - và tầm nhìn táo bạo của nhà quy hoạch đô thị Lúcio Costa vào những năm 1950 về một Brazil mới hướng tới tương lai.

Giờ đây, cửa sổ của chúng bị đám đông hung hăng đập vỡ vụn. Họ muốn lật ngược kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 10/2022, trong đó nhà lãnh đạo cấp tiến của họ thua đối thủ cánh tả Luiz Inácio Lula da Silva.

Tại bảo tàng bên trong tòa nhà quốc hội, đám đông bạo loạn phớt lờ những tấm biển cảnh báo ghi “Vui lòng không chạm vào tác phẩm nghệ thuật”. Họ tràn vào phòng triển lãm và bắt đầu phá hỏng lịch sử chính trị và nghệ thuật hàng trăm năm của Brazil.

Chân dung của các cựu Chủ tịch Thượng viện Renan Calheiros và José Sarney hứng đầy vết rạch. Tủ trưng bày bản sao hiến pháp Brazil bị đập vỡ, với mảnh kính vương vãi, phủ lên tài liệu quan trọng của quốc gia.

Bên ngoài, đám đông bạo loạn đã để lại “tác phẩm nghệ thuật” của riêng họ: Những bức vẽ graffiti nguệch ngoạc yêu cầu một cuộc đảo chính quân sự ủng hộ ông Bolsonaro và hạ bệ ông Lula.

Một bức tranh chân dung bị phá hoại tại Quốc hội Brazil trong vụ bạo loạn ngày 8/1. Ảnh: Reuters.

“Vô đạo đức”, một nhân viên dọn dẹp phẫn nộ khi bà và hàng chục người khác quét những tấm thảm vương đầy mảnh kính vỡ bên trong quốc hội, trong khi các kỹ sư kiểm tra xem có hư hại về cấu trúc tòa nhà hay không.

Gần đó, lối vào văn phòng Chủ tịch Thượng viện đương nhiệm Rodrigo Pacheco trông giống một nhà băng vừa bị cướp. Một chiếc máy chụp X-quang của Trung Quốc nằm nghiêng ngả. Mảnh kính phủ đầy sàn nhà. Dây cáp treo lủng lẳng trên trần nhà như dây leo. Hai chiếc máy tính để bàn vỡ nát, bo mạch chủ của chúng thò ra từ bên trong.

Ở mặt tiền của dinh tổng thống, cảnh tượng không mấy khả quan hơn.

Đá cuội đã bị xới tung khỏi lối vào. Tại chính nơi này, chỉ một tuần trước đó, hàng trăm quan khách đã tề tựu để mừng lễ nhậm chức của ông Lula, hy vọng nhiệm kỳ tổng thống mới sẽ là một kỷ nguyên tiến bộ mới giúp hòa giải và bảo vệ môi trường sau bốn năm chia rẽ và hận thù.

Những người dọn dẹp lội qua hồ nước trang trí trên đoạn đường lát đá cẩm thạch của cung điện, dùng lưới vớt những tàn dư sót lại sau cuộc bạo loạn.

“Chai lọ, mảnh thủy tinh, đạn cao su”, một nhân viên dọn dẹp mô tả những đồ vật được vớt ra từ hồ nước.

Đám đông không vào được văn phòng của Tổng thống Lula, nhưng các phòng khác đã bị xâm chiếm và đập phá.

Những đường vẽ nguệch ngoạc bằng bút dạ được nhìn thấy dọc theo tường hành lang của văn phòng Cục An ninh Thể chế, cơ quan chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn cho tổng thống. Ghế ngồi bị ném ra khỏi cửa sổ vỡ và những kẻ bạo loạn đã cố đốt một chiếc ghế sofa.

Một trong những phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Lula, ông Celso Amorim, cho biết văn phòng của mình và của đệ nhất phu nhân Brazil Rosângela Lula da Silva đã bị phá hoại.

Tranh của danh họa Di Cavalcanti bị đâm nhiều nhát. Ảnh: Reuters.

Lựu đạn ngay trước tòa án tối cao

Vụ việc đặt ra nhiều câu hỏi về việc làm thế nào mà một khu vực nhạy cảm về chính trị như vậy, nơi đáng lẽ an toàn nhất thủ đô, lại có thể dễ dàng bị xâm phạm đến vậy.

Amorim, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Brazil, cho biết ông đang tìm hiểu vì sao lực lượng an ninh và cơ quan tình báo không phát hiện hoặc ngăn chặn mối đe dọa từ đám đông gây bạo loạn. “Sự kháng cự (từ lực lượng an ninh) chỉ xuất hiện sau khi vụ việc đã xảy ra, như thể nó được phép”.

Nhà báo không được phép vào tòa án tối cao vào chiều 9/10, vì nhân viên pháp y của cảnh sát liên bang đang tìm kiếm dấu vân tay, manh mối và thậm chí có thể là bẫy mìn do đám đông để lại.

Nhưng những bức vẽ graffiti trên mặt tiền của tòa án đã nói lên sự hỗn loạn diễn ra bên trong. “Chúng tôi đã đến, chung tôi đã thắng”, một khẩu hiệu được sơn lên tường. “Các vị thua rồi, đồ xuẩn ngốc”, một dòng chữ khác hiện lên.

Khi Guardian đến gần tòa nhà, một thành viên mặc đồ đen của đơn vị xử lý bom đã yêu cầu các phóng viên lùi lại, vì đội đang kiểm soát kích nổ thứ mà nhân viên này là “lựu đạn” bị bỏ lại chỉ cách lối vào tòa nhà vài mét.

Kính ốp tường bị đập vỡ bên trong Quốc hội Brazil. Ảnh: Reuters.

Vài phút sau, một tiếng nổ chói tai vang lên khắp Three Powers Plaza, nơi mà ông Costa và ông Niemeyer coi là biểu tượng của sự hòa hợp chính trị giữa các nhánh hành pháp, tư pháp và lập pháp của Brazil.

“Thật đau lòng”, một cảnh sát đang bảo vệ tòa án nói và cho biết một số đồng nghiệp của anh đã bị thương trong vụ bạo loạn. “Chúng ta hãy hy vọng về những ngày tốt đẹp hơn ở phía trước”.

Toàn cảnh bạo loạn ở thủ đô Brazil Những người ủng hộ cựu Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã xông vào dinh tổng thống, Quốc hội và Tòa án Tối cao của nước này, trong khi cảnh sát bắn hơi cay để kiểm soát đám đông.

Hồng Ngọc

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/buc-anh-khien-ca-the-gioi-chu-y-sau-bao-loan-o-thu-do-brazil-post1392662.html