Bức ảnh hiếm thấy khắc họa tình yêu sâu lắng trong quán cà phê Paris

Nhiếp ảnh gia Thụy Điển bén rễ ở hội quán cà phê tại Paris (Pháp), ghi lại những khoảnh khắc thân mật êm ả trong những cuộc vui thâu đêm.

Biểu cảm tình yêu sâu lắng và dịu ngọt ở một không gian mở là khoảnh khắc khó chụp hình bậc nhất. Nhiếp ảnh gia Thụy Điển Christer Strömholm là bậc thầy của những khoảnh khắc bình yên như vậy.

Sau những năm chiến đấu căng thẳng trong phong trào phản kháng chống phát xít Đức ở Na Uy, ông định cư ở Paris và trở thành một nhân vật “cắm rễ” trong hội quán cà phê ở đây vào những năm 1950 và 1960.

Trong nhiều năm, ông dành nhiều đêm để chụp ảnh những người chuyển giới ở Pigalle cho series ảnh Les Amies de Place Blanche. Điểm dừng chân cuối cùng mỗi ngày thường là các quán cà phê ở Latin Quarter, thường trực trên tay vị nhiếp ảnh gia là chiếc Leica đặc trưng.

Bức ảnh này được chụp ở La Methode, một quán bar nổi tiếng vào thời điểm đó, mở cửa suốt đêm và có một lượng khách quen lớn bao gồm các sinh viên từ Sorbonne gần đó cũng như các nghệ sĩ và nhà văn. Nghệ sĩ Serge Gainsbourg thường xuyên lui tới đó.

Bức ảnh chụp đôi tình nhân trẻ này vào năm 1960 tạo cảm giác không gian lúc đó đang chìm đắm trong một bản nhạc của Gainsbourg, có lẽ là L'Eau à la bouche - “hãy lắng nghe trái tim tôi đang đập, hãy lắng lòng lại đi” - vốn là một bản nhạc hit năm đó. Cặp đôi đang trôi lãng đãng và đơn độc cùng nhau giữa những người đang uống rượu trong quán mà chúng ta nhìn thấy trong gương phía sau họ. Thế giới của họ dường như đã thu hẹp lại một cách hạnh phúc khi nhìn vào hình ảnh phản chiếu của cặp ly trên mặt bàn - trái ngược với ánh nhìn mờ ảo của người đàn ông trong gương, một kẻ tò mò nhất thời, giống như chính nhiếp ảnh gia.

Strömholm qua đời năm 2002, thọ 83 tuổi. Ông kết hôn bốn lần. Một cuốn sách hồi tưởng mới về tác phẩm của ông vừa được xuất bản, bao gồm cuộc phỏng vấn với Anders Petersen, một trong nhiều nhiếp ảnh gia Thụy Điển trẻ tuổi từng theo học Strömholm, đồng thời là người đã sáng tạo cuốn sách ảnh về quán cà phê ở Reeperbahn của Hamburg vào cuối những năm 1960. Khi được hỏi về những gì anh học được từ nhiếp ảnh Strömholm, Petersen nói: “Các nhiếp ảnh gia rất cô đơn, nhưng việc nhận ra rằng bạn đã chia sẻ nỗi cô đơn này với những người khác mang lại cảm giác thân thuộc rất ấm áp”.

Hạ Cúc

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-anh-hiem-thay-khac-hoa-tinh-yeu-sau-lang-trong-quan-ca-phe-paris-post1462591.html