Bữa tiệc - văn chương như là vi lịch sử

Tập truyện ngắn 'Bữa tiệc' là trải nhiệm-hư cấu của những chủ thể từ các không gian đời sống khác nhau, dọc theo một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, và cũng là vi lịch sử kể cho ta về những phiến đoạn kí ức cá nhân.

Văn chương biểu đạt cảm nhận của cá nhân về mình và người khác, xuyên qua những kí ức và trải nghiệm đời sống, vì thế nó còn là những phiến đoạn lịch sử từ góc nhìn chủ thể.

Tập truyện ngắn Bữa tiệc là trải nhiệm-hư cấu của những chủ thể từ các không gian đời sống khác nhau, dọc theo một giai đoạn lịch sử nhiều biến động, và cũng là vi lịch sử kể cho ta về những phiến đoạn kí ức cá nhân.

Tập truyện đưa ta qua khao khát và đầy trăn trở của Mai Sơn, trải nghiệm xa lạ và cay đắng của người Việt trên đất Mỹ của Vũ Thành Sơn, xuyên qua giai đoạn chia cắt đau thương của Hòa Vinh, chạm vào tình yêu khốc liệt và chất vấn của Từ Huy, dừng lại nơi miền Nam thuần hậu của Trần Tiến Dũng và Phạm Viêm Phương.

Mai Sơn đưa ta đi vào những khe nứt sâu thẳm trong tâm tư của người đàn ông không bao giờ bình lặng như vẻ ngoài mà anh cố gắng cân bằng. Nhân vật tôi trong truyện là người luôn tự giày vò mình bằng những câu hỏi, hay là tự mang vào mình “những gánh nặng chiến tranh”, như lời anh tự thổ lộ.

Đó là nỗi băn khoăn về cái chết, nhưng không sợ hãi nó; đó là nỗi cay đắng về sự phân biệt đối xử của người đời; đó là ham muốn mang nhiều mặc cảm trước cái đẹp quyến rũ say lòng. Nửa khuya xuống tàu ở ga Suối Vằn là một truyện ngắn có ngôn ngữ của điện ảnh, những phiến đoạn thời gian đan xen giữa quá khứ và hiện tại, những hình ảnh cận cảnh và trung cảnh, hơi thở và màn đêm, kí ức vỡ nát và một hiện tại gấp vội đau đớn của lần làm tình cuối trước khi chia li. Tình dục trong truyện tự nó mang những dằn vặt của tình yêu tan vỡ, của bản ngã luôn hoài nghi về chính mình, vì thế mang tính triết lí về tình yêu, về chủ thể và về hiện tồn của chính nó.

Bìa cuốn Bữa tiệc.

Lối kể truyện nhẩn nha, giữ khoảng cách với cảm xúc của chính mình của Vũ Thành Sơn trong truyện Ông út làm cho câu chuyện về cuộc chia li đột ngột như được kể bởi ai khác chứ không phải người trong cuộc. Đó như là câu chuyện được kể bởi bản ngã khác, một bản ngã đã thấm thía và tầm tã trước bao cay đắng cuộc đời, và vì thế, mất mát của chia li như một áng mây xám trên bầu trời đã vần vũ bao nhiêu giông bão.

Nhưng xuyên qua cách kể ấy ta vẫn thấy trơ trụi một thực thể cô độc, đang già đi, và nỗi đau đớn mệt nhoài đang gặm nhấm thân thể già nua mục rỗng, phải uống thuốc huyết áp ngày hai cữ và thuốc giảm mỡ, uống rượu mỗi đêm khuya đến gục cả ra bàn. Truyện Ông út là một phiến đoạn đầy ám ảnh của tuổi già xa xứ.

Truyện ngắn của Từ Huy là những chất vấn khốc liệt về tình yêu, về sự lựa chọn. Tình yêu là một phiến đoạn khốc liệt của trải nghiệm hư cấu về tình yêu ở mặt lộn trái của nó là cái chết. Tình yêu và cái chết, cặp phạm trù hiện sinh gây nhức nhối nhất của con người được đặt cạnh nhau, soi chiếu cho nhau.

Lí tưởng của cái đẹp trong tình yêu bị bóc trần ra trước kẻ thù của nó, nhưng đồng thời cũng là điều kiện khả thể cho sự tồn tại của nó: cái chết. Nếu không có cái chết thì tình yêu còn có ý nghĩa gì nữa, nhưng đứng trước cái chết thì tình yêu cũng chỉ là đứa bé ngây thơ trước bầy sói dữ. Truyện ngắn cô đọng và nhiều ý nghĩa như một tiểu luận triết học nhưng lại đẩy cảm giác và trải nghiệm của người đọc đến mức tới hạn của nỗi sợ làm người.

Hòa Vinh trong Khách sạn Cẩm Giang có cách kể truyện nhẹ nhàng, trầm tĩnh như một người biết trước điều sẽ đến nhưng vẫn giấu kín để xây dựng tâm thế của độc giả. Người kể truyện như vừa kể vừa nhìn vào mắt người đối diện ngầm nhắn nhủ rằng: gượm đã, câu chuyện như cuộc đời, ý nghĩa của nó nằm ở sự chờ đợi.

Truyện thoạt đầu gợi về một mối tình thơ trẻ, nhưng rất nhẹ nhàng, người kể truyện dẫn dắt độc giả của mình băng qua giai đoạn khốc liệt của chiến tranh, dừng lại vừa đủ ở một cuộc đời người lính miền Nam, xuyên qua những góc khuất của con người, và gợi cho người đọc cùng bước tiếp về phía trước. Triết lí kín đáo trầm mặc của truyện chính là qua cách kể này: nó rời xa các quan điểm, các ý hệ, các định kiến. Chúng ta ai cuối cùng rồi cũng chỉ đến và đi trong cuộc đời này.

Trần Tiến Dũng và Phạm Viêm Phương đưa ta về với những phiến mảnh làng quê thuần hậu. Các nhân vật trong truyện của Trần Tiến Dũng như những cá tính phong lưu đồng ruộng miền Nam, trọng nghĩa khinh tài, “rộng lòng thơm thảo”, lòng hướng về về những không gian rộng lớn: cánh đồng, ngọn núi, biển khơi. Người gọi mây trắng là truyện ngắn về một người chăn vịt, nhưng mang đậm văn hóa miền Nam, qua triết lí luân hồi, nhân quả của nhà Phật và những huyền thoại tín ngưỡng vẫn đang sống động trong tâm tư của người dân nơi đây.

Tôi gấp tập truyện lại như người lữ hành vừa trên chuyến xe xuyên qua các miền kí ức và trải nghiệm, giờ đây bước xuống và dừng lại bên đường. Những phiến đoạn của quá khứ, không gian và thời gian, tâm tư, trải nghiệm và cảm xúc, chúng là những vi lịch sử cho tôi nhìn ngẫm quá khứ của người khác, những người có lẽ thuộc thế hệ trước của tôi, đã đi qua một quãng dài lịch sử với những tâm thế khác nhau.

Bữa tiệc không chỉ là bữa tiệc, đúng hơn, đó là một Symposium của các trải nghiệm vi lịch sử chất vấn cái nhìn đơn giản về quá khứ trong mỗi chúng ta.

Sài Gòn, 12.2022.

An Thảo

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/bua-tiec-van-chuong-nhu-la-vi-lich-su-37812.html