Bữa tiệc hoành tráng bậc nhất lịch sử

Yến tiệc kéo dài suốt chục ngày. Ghi chép chính thức cho biết cuộc ăn mừng này có 69.574 người tham gia.

Ảnh: Dima Moroz.

Một trong những yến tiệc hoành tráng nhất trong lịch sử được vua Ashurnasirpal II xứ Assyria tổ chức vào khoảng năm 870 TCN để đánh dấu sự kiện khánh thành thủ đô mới của ông ở Nimrud. Ở trung tâm của thành phố mới là một cung điện rộng lớn, được xây trên nền gạch bùn theo kiểu Lưỡng Hà truyền thống.

Trong bảy sảnh tráng lệ là những cửa gỗ đồng được trang trí, phần mái được lợp gỗ tuyết tùng, gỗ bách và gỗ cối. Các phù điêu hoa mỹ tôn vinh chiến công quân sự của vị vua ở nước ngoài. Quanh cung điện này là các kênh đào và thác nước, là vườn cây ăn quả và hoa viên với đủ loại kỳ hoa dị thảo ở địa phương lẫn mang về từ những chiến dịch quân sự từ miền xa xôi của nhà vua: cây chà là, tuyết tùng, bách, ô liu, mận và sung, cùng với nho, “tất cả mùi hương quyện vào nhau,” theo bản khắc chữ hình nêm đương thời.

Ashurnasirpal mang người từ khắp đế chế của mình lấp đầy kinh đô mới, chiếm một diện tích lớn ở miền Bắc Lưỡng Hà. Với lực lượng dân chúng và cây cối đô thị này, kinh đô như một mô hình thu nhỏ đế chế của nhà vua. Khi việc xây dựng đã xong, Ashurnasirpal mở một yến tiệc khổng lồ để ăn mừng.

Yến tiệc kéo dài suốt chục ngày. Ghi chép chính thức cho biết cuộc ăn mừng này có 69.574 người tham gia: 47.074 đàn ông và phụ nữ khắp đế chế, 16.000 cư dân mới ở Nimrud, 5.000 người quyền cao chức trọng từ các thành bang khác và 1.500 quan chức trong cung. Mục đích là để khoe khoang quyền lực và của cải của nhà vua, cho cả dân chúng của ông lẫn các đại diện ngoại quốc.

Những người tham dự được phục vụ chung 1.000 con trâu, bò vỗ béo, 1.000 con bê, 10.000 con cừu trưởng thành, 15.000 con cừu tơ, 1.000 con cừu non, 500 con linh dương, 1.000 con vịt, 1.000 con ngỗng, 20.000 con bồ câu, 12.000 con chim nhỏ các loại, 10.000 con cá, 10.000 con chuột nhảy (một loại gặm nhấm nhỏ) và 10.000 quả trứng.

Rau củ thì không nhiều lắm: chỉ vào khoảng 1.000 sọt rau. Nhưng dù có thậm xưng để thêm phần vương giả đi chăng nữa, rõ ràng yến tiệc này có quy mô khổng lồ. Nhà vua còn huyênh hoang nói với khách của mình rằng: “Ngài ban cho họ những ân sủng này và trả họ về quê nhà, sung sướng khỏe mạnh”.

Rượu vang là thức uống không thể thiếu trong các bữa tiệc. Ảnh: Cityfood.

Nhưng điều ấn tượng nhất, và có ý nghĩa nhất, chính là lựa chọn thức uống của nhà vua. Mặc cho di sản Lưỡng Hà mà ông thừa hưởng, Ashurnasirpal không chọn thức uống phổ biến của dân Lưỡng Hà vào vị thế trang trọng nhất.

Rượu vang chỉ vừa thịnh hành, nhưng thật ra cũng không mới mẻ gì. Cũng như bia, nguồn cội của rượu vang cũng xuất hiện vào thời Tiền sử: cách phát minh, hay khám phá ra rượu vang, xa xưa đến mức nó chỉ được ghi lại gián tiếp qua thần thoại và truyền thuyết.

Các phù điêu đá được chạm khắc ở cung điện không miêu tả ông dùng ống hút để uống bia; thay vào đó, ông được miêu tả đang giữ thăng bằng một cái chén cạn, có lẽ làm bằng vàng, trên các đầu ngón tay phải một cách sang trọng để nâng ngang tầm mặt mình. Cái chén ấy đựng rượu.

Nhưng bằng chứng khảo cổ cho thấy rượu vang bắt đầu được sản xuất vào thời Đồ đá Mới, khoảng giữa năm 9000 và năm 4000 TCN, ở dãy núi Zagros, tương ứng với khu vực Armenia và miền bắc Iran hiện đại. Sự hội tụ của ba nhân tố đã khiến việc sản xuất rượu vang có thể diễn ra trong khu vực này: sự hiện diện của giống nho dại Á-Âu (Vitis vinifera sylvestris), nguồn ngũ cốc có sẵn để đảm bảo các cộng đồng làm rượu vang được đủ ăn suốt năm và sự ra đời của gốm sứ, khoảng năm 7000 TCN, có ý nghĩa then chốt đối với việc nấu, trữ và phục vụ rượu vang.

Rượu vang đơn thuần chứa chất dịch lên men lấy từ nho nghiền nát. Các loại men tự nhiên có trong vỏ quả nho đã biến đổi đường trong nước nho thành cồn. Những lần dự trữ nho hay nước nho trong thời gian dài trong các vò gốm do đó sẽ tạo ra rượu vang. Một số bằng chứng hữu hình lâu đời nhất cho nhận định này là phần bã màu đỏ nhạt trong một chiếc bình gốm ở Hajji Firuz Tepe, một ngôi làng thời kỳ Đồ đá Mới thuộc dãy núi Zagros.

Chiếc bình có niên đại vào năm 5400 TCN. Sự ra đời sớm của rượu vang ở vùng này được thể hiện qua câu chuyện trong Kinh Thánh về Noah, người được cho là đã trồng vườn nho đầu tiên trên những triền dốc của ngọn Ararat gần đó sau khi bị lưu lạc vì đại hồng thủy.

Tom Standage/ Huy Hoàng Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/bua-tiec-hoanh-trang-bac-nhat-lich-su-post1451727.html