Bữa cơm gia đình

(GD&TĐ) - Hiện nay, cuộc sống bận rộn, do nhu cầu công việc đòi hỏi, nhiều người phải làm việc nhiều giờ, quá giờ, thậm chí phải công tác xa nhà nhiều ngày. Do đó, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà thường trở nên hiếm hoi.

(GD&TĐ) - Hiện nay, cuộc sống bận rộn, do nhu cầu công việc đòi hỏi, nhiều người phải làm việc nhiều giờ, quá giờ, thậm chí phải công tác xa nhà nhiều ngày. Do đó, những bữa cơm gia đình với đầy đủ các thành viên trong nhà thường trở nên hiếm hoi.

Chị Lan tâm sự chị đã giật mình khi nghe con thỏ thẻ: “Bữa đó ba mẹ ở nhà ăn cơm với con là được rồi, con không cần thứ gì hết”. Khi hỏi con muốn tặng quà gì nhân sinh nhật, chị cứ nghĩ con gái sẽ đòi đồ chơi hay mua món nào đó, không ngờ chỉ là bữa cơm gia đình mà thôi.

Chị chợt nhớ kể từ ngày anh lên chức trưởng phòng còn chị chuyển sang bộ phận Marketing, hơn 1 tháng nay cả nhà chị chưa có bữa ăn nào đầy đủ 3 thành viên. Bữa thì anh bận họp, bữa thì chị đi công tác; nhiều lúc cả anh và chị đều vắng nhà phải gửi con bé sang ông bà ngoại. Từ khi có người cháu ở quê lên giúp việc, chị mới yên tâm để con ở nhà cho cháu chị trông nom. Đôi lần về muộn thấy con đã ngủ say chị không nỡ đánh thức. Sáng, hai mẹ con nói chưa được mấy câu, chở con đến trường chị lại tất tả đến cơ quan làm việc. Chị tự nhủ công việc lúc đầu chưa ổn định, chỉ cần một thời gian nữa sắp xếp xong sẽ đâu vào đấy. Thế nhưng việc cũ vừa xử lí xong lại phát sinh việc mới cần giải quyết. Cái guồng máy công việc cứ xoay chị như chong chóng. Có hôm bị sếp càu nhàu, vừa mệt vừa bực chị về cáu kỉnh với con khi con nhờ mẹ chỉ mấy bài toán. Con bé thấy mẹ không vui, có vẻ hơi sợ sệt mỗi lần thấy chị về với khuôn mặt hình sự. Chị biết mình có lỗi khi ít quan tâm chăm sóc con cái nên thường mua đồ chơi mà trẻ con rất thích. Chị muốn bù đắp tạm thời cho thằng bé và tự hứa sẽ dành thêm thời gian gần gũi con hơn nữa.

Còn anh, từ ngày ngồi ghế trưởng phòng hầu như thứ bảy, chủ nhật nào anh cũng có “độ” với nhân viên hay đám bạn bè cũ. Chị than phiền anh bảo mới lên chức phải ăn mừng và còn nhiều việc khác cần giải quyết. Kêu anh dành chút thời gian chở hai mẹ con cuối tuần đi chơi khi con gái năn nỉ, anh nói để khi nào rảnh rỗi đã. Bảo anh ở nhà chơi với con nhiều một chút anh khuyên chị nghỉ việc mà trông con, một mình anh làm là đủ rồi. Nhưng thời buổi bây giờ chỉ một người làm thì cuộc sống chưa hẳn đã đảm bảo. Hơn nữa, chị cũng muốn tự tạo ra tiền, độc lập về mặt kinh tế. Thành ra nhiều bữa cơm chỉ có anh hoặc chỉ có chị, đôi lúc chị chỉ ăn qua loa rồi tất bật với công việc.

Chị nhớ lúc trước bữa cơm gia đình chính là lúc cả nhà sum họp. Anh chị kể việc làm cho nhau nghe và nhiều khi cười đến đau cả bụng khi nghe con gái tường thuật những trò nghịch ngợm của bọn trẻ cùng lớp

Chị cũng nhớ có lần đọc báo thấy đa phần những đứa trẻ hư hỏng do thiếu sự quan tâm giáo dục của cha mẹ trong đó có cả gia đình trí thức hẳn hoi. Chị chê họ khéo ngụy biện chỉ vì lo công việc mà bỏ bê con cái. Còn chị? Sắp tới đây chị có giống họ không?...

Trong xã hội hiện đại như ngày hôm nay thì mỗi người trong chúng ta không còn chú trọng đến sự sum họp, quây quần bên nhau. Đặc biệt là trong bữa cơm gia đình, mà thay vào đó là sự bận rộn với công việc và sụ lo toan về cơm áo gạo tiền mà họ đã quên đi sự ấm cúng trong mỗi bữa cơm có sự họp mặt đầy đủ của các thành viên trong gia đình.

Tiến sĩ Emmett E. Miller, một chuyên gia về quản lý stress ở California, Mỹ, khuyên mỗi người nên dành một thời khắc nhất định trong ngày để trải nghiệm yêu thương với những người mà mình yêu quý. Trong điều kiện sống bận rộn, sự chăm chút cho nhau trong những bữa ăn đôi khi lại là những thời khắc quý giá hiếm hoi để thể hiện tình thương và sự quan tâm, chia sẻ.

Thủy Linh

,

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2775/201204/Bua-com-gia-dinh-1960637/