BRICS và thách thức giải quyết những mối đe dọa toàn cầu

Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này là cơ hội để các nước thành viên thảo luận những thách thức về kinh tế và củng cố quan hệ hợp tác.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 8 khai mạc ngày hôm nay (15/10), tại thành phố Goa (Ấn Độ). Đây được đánh giá là dịp để các thành viên Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi nêu ra những quan điểm riêng cũng như đề xuất các giải pháp cho nhiều vấn đề “nóng” mà thế giới và khối này đang đối mặt.

Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) lần thứ 8 khai mạc ngày 15/10, tại thành phố Goa, Ấn Độ. (Ảnh: AP)

Diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng yếu, đẩy mạnh tăng cường hợp tác kinh tế nội khối sẽ là nội dung quan trọng trong lần nhóm họp này của 5 nền kinh tế mới nổi.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh nhóm BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), giới chức tài chính, ngân hàng 5 nước đã kêu gọi sự phối hợp lớn hơn nữa giữa các thành viên để bảo vệ những lợi ích của mình.

Tuyên bố chính thức của Bộ Tài chính Ấn Độ tối qua cho biết, trong cuộc họp của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương BRICS, các nước nhất trí rằng các nền kinh tế BRICS có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại. Các nước BRICS cần phải hợp tác và phối hợp trong các vấn đề của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Giới chức tài chính, ngân hàng BRICS cũng thảo luận về những chiến lược tăng cường tăng trưởng toàn cầu, các vấn đề hợp tác quan trọng theo chương trình nghị sự của G20, cấu trúc tài chính quốc tế và cách thức hướng tới những lĩnh vực hợp tác mới.

Cũng theo tuyên bố trên, các Bộ trưởng đã nhấn mạnh đến việc cần phải thực hiện đúng lúc những cải cách về cơ cấu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Cách thức hướng tới những lĩnh vực hợp tác mới do Ấn Độ đề xuất như thành lập Viện nghiên cứu và phân tích kinh tế BRICS cũng như cơ quan xếp hạng tín nhiệm BRICS cũng đã được thảo luận.

Ông Amar Sinha, người phụ trách công bố thông tin của Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này cho biết: “Chúng tôi sẽ xem xét tình hình kinh tế và chính trị toàn cầu, trong đó có cả vấn đề chống khủng bố. Sau đó, chúng tôi sẽ thảo luận về triển vọng tăng trưởng toàn cầu, vai trò và đóng góp của BRICS trong việc dẫn dắt tăng trưởng toàn cầu. Sau đó, sẽ thảo luận việc hợp tác giữa các thành viên trong BRICS cũng như hợp tác giữa BRICS với các nền kinh tế mới nổi khác”.

Trong khi đó, giới tài chính cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ tám sẽ là cơ hội để các nước thành viên có thể thảo luận các vấn đề như những thách thức về kinh tế và củng cố quan hệ hợp tác.

Theo ông Kamath, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển mới (NDB) của BRICS, nhóm này đã đạt được nhiều thành tựu kể từ khi hình thành và có tiềm năng lớn để đóng góp nhiều hơn cho tiến trình định hình cấu trúc thế giới, việc thành lập Ngân hàng Phát triển mới là trong số nhiều sáng kiến được đưa ra và thực hiện trong bảy năm qua.

"Ngân hàng phát triển mới đang thực sự xây dựng cho tương lai cho các nước BRICS và hy vọng sẽ góp phần tạo điều kiện cho các nước khác có nhu cầu phát triển", ông Kamath nói.

Theo ông Kamath, Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần này sẽ giúp tăng cường hợp tác kinh tế nội khối hơn nữa, cùng với những nỗ lực chung của các nước thành viên để ổn định tình hình kinh tế thế giới và góp phần vào sự thịnh vượng trên toàn cầu.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng yếu và các nước BRICS nhận thức rõ về tình hình cũng như những thách thức hiện nay và sẽ cố gắng tạo lực đẩy cho sự hồi phục của kinh tế thế giới.

Theo số liệu thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của năm nước thành viên BRICS đã tăng từ 3.200 tỷ USD năm 2012, lên 3.470 tỷ USD năm 2014. Trong khi đó, thương mại nội khối của BRICS tăng từ 281,4 tỷ USD năm 2012 lên 297 tỷ USD năm 2014./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm Tin Tổng hợp

Nguồn VOV: http://vov.vn/thegioi/brics-va-thach-thuc-giai-quyet-nhung-moi-de-doa-toan-cau-560214.vov