BOT và những bức xúc của dân

Chỉ mới kiểm tra 22 trạm BOT, Kiểm toán đã bớt được cho dân 62 năm 8 tháng thu phí, tương đương 22.237,6 tỉ đồng!

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đặt trên QL1. Ảnh: Infonet

Kiến nghị của cử tri do Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQVN Trần Thanh Mẫn đọc trước Quốc hội hôm qua có một nét mới. Đó lại là những bức xúc của dân xung quanh những trạm BOT.

Nhân dân bức xúc vì BOT giao thông được đặt với khoảng cách quá dày, mức phí quá cao. Những cái tên được chỉ cụ thể trong báo cáo kiến nghị cử tri là các trạm Bến Thủy (Nghệ An), Sông Rác (Hà Tĩnh), Tam Nông (Phú Thọ), Cai Lậy (Tiền Giang) và Bờ Đậu (Thái Nguyên)...

Cũng có 3 chữ “lợi ích nhóm” đã được báo cáo kiến nghị cử tri thẳng thắn đề cập. Làm rõ lợi ích nhóm, rà soát lại các trạm BOT, xử lý nghiêm những vi phạm, chống tiêu cực và giải quyết những bất hợp lý. Những mong muốn quá chính đáng và lương thiện.

Cử tri biết Quốc hội không bàng quan với nỗi bức xúc của dân. Giám sát BOT đã được Quốc hội tiến hành, chỉ ra được nhiều sai phạm. Nhưng trong thực tế vẫn còn quá nhiều
trái ngang.

Chuyện thời sự là vị Phó phòng CSGT Công an Đồng Nai vừa trả lời ông không hề hay biết việc con gái là một trong những nhà đầu tư chiến lược của trạm BOT Đồng Nai, nơi mà ông vừa ký giấy “mời” những lái xe lên để... làm việc.

Những số liệu khách quan của Kiểm toán Nhà nước đang lượng hóa những bức xúc và nỗi khổ của dân chúng qua những con số không thể tưởng tượng nổi.

Chỉ 24 giờ trước phiên khai mạc Quốc hội, đã công bố kết quả kiểm toán ở 22 dự án BOT. Chỉ ở 22 trạm ấy, một cuộc kiểm tra thôi mà đã phát hiện để giảm thu 62 năm 8 tháng, với trị giá 22.237,6 tỉ đồng.

6 trạm BOT đã thu phí trước khi đủ điều kiện thu với thời gian 14 năm 6 tháng. Rồi 31 trong 87 trạm không đảm bảo khoảng cách tối thiểu 70km.

Thưa Quốc hội, từ một hình thức huy động nguồn vốn xã hội hiệu quả, sự buông lỏng quản lý sau đó đã và đang biến BOT thành những lô cốt bóp hầu bóp họng dân.

Và từ BOT, những con đường đã trở thành nỗi khiếp đảm: Trải chút nhựa rồi chặn toàn tuyến thu tiền.

Quốc hội hẳn nhiên phải có những kế sách, hẳn nhiên phải cân nhắc để duy trì hình thức huy động vốn xã hội hóa ấy trong hoàn cảnh ngân sách cho xây dựng cơ bản còn đang rất eo hẹp. Lẽ ra BOT phải là lời giải cho bài toán khó trên nếu chủ trương BOT hiện thực hóa được lợi ích của ba bên: Nhà nước, nhà đầu tư và người dân sử dụng.

Trả lại BOT những giá trị đúng, cũng là trách nhiệm của Quốc hội.

ANH ĐÀO

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bot-va-nhung-buc-xuc-cua-dan-571817.ldo