'Bóng ma' giảm phát đe dọa kinh tế Trung Quốc

Báo cáo lạm phát mới nhất là sự bổ sung cho chuỗi bằng chứng rằng đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ngày càng yếu, và mối lo giảm phát đang đè nặng...

Giá thịt lợn giảm là một nguyên nhân khiến lạm phát ở Trung Quốc giảm - Ảnh: Reuters.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đi ngang trong tháng 6, còn chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tiếp tục giảm, làm dấy lên mối lo về rủi ro lạm phát và làm gia tăng đồn đoán về khả năng Bắc Kinh tung ra các biện pháp kích cầu mới.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 10/7 cho thấy CPI tháng trước không thay đổi so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng 0% này của CPI toàn phần là mức yếu nhất kể từ tháng 2/2021 - thời điểm giá thịt lợn giảm sâu kéo lạm phát giảm theo.

Mức tăng CPI lõi, thước đo lạm phát không bao gồm giá của hai nhóm mặt hàng nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, giảm còn 0,4% từ mức 0,6% của tháng trước.

PPI giảm 5,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015.

“Rủi ro giảm phát là rất thật”, chuyên gia kinh tế trưởng Zhang Zhiwei của Pinpoint Asset Management Ltd. nhận định với hãng tin Bloomberg.

GIÁ CẢ GIẢM, ĐÀ PHỤC HỒI KINH TẾ NGÀY CÀNG YẾU

Các chỉ số lạm phát trên là sự bổ sung cho chuỗi bằng chứng rằng đà phục hồi của kinh tế Trung Quốc đang ngày càng yếu, và mối lo giảm phát đang đè nặng lên niềm tin của nhà đầu tư. Điều này có thể làm gia tăng đồn đoán rằng Bắc Kinh đang tính đến các biện pháp kích cầu mới để củng cố sức mạnh cho nền kinh tế.

“Dữ liệu ngày hôm nay chắc chắn ủng hộ tăng cường nới lỏng chính sách, việc mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang làm rồi, nhưng mới chỉ làm ở mức độ dè dặt”, nhà kinh tế về Trung Quốc Michelle Lam của ngân hàng Societe Generale nhận định.

Diễn biến chỉ số CPI và PPI so với cùng kỳ năm trước của Trung Quốc.

Nhiều tháng trở lại đây, các nhà sản xuất ở Trung Quốc cùng lúc đối mặt với tình trạng suy giảm của giá hàng hóa cơ bản và nhu cầu yếu đi tại cả thị trường trong và ngoài nước. Nếu người tiêu dùng và doanh nghiệp tiếp tục hạn chế chi tiêu hoặc đầu tư vì hy vọng giá cả sẽ ngày càng rẻ đi, điều đó có thể dẫn tới một vòng xoáy giảm giá trong nền kinh tế.

Giá thịt lợn giảm là một nguyên nhân quan trọng khiến giá tiêu dùng ở Trung Quốc đi ngang trong tháng trước. Giá của loại thực phẩm chính ở Trung Quốc này đã giảm 7,2% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm trong tháng 6 lớn hơn nhiều so với cú giảm 3,2% ghi nhận trong tháng 5.

Chính phủ Trung Quốc đã cố gắng tạo ra một mặt sàn cho tình trạng tụt dốc của giá thịt lợn. Tuần trước, nhà chức trách cho biết sẽ mua thêm thịt lợn để dự trữ nhà nước, nhằm thúc đẩy nhu cầu.

Trong khi đó, giảm phát giá sản xuất được thúc đẩy bởi sự sụt giảm kéo dài của giá hàng hóa cơ bản trên thị trường quốc tế. Trong một tuyên bố, nhà thống kê Dong Lijuan của Tổng cục Thống kê Trung Quốc đề cập tới việc giá dầu và than tiếp tục giảm, cũng như mức cơ sở so sánh cao của năm ngoái.

Ngoài một giai đoạn giảm phát ngắn vào đầu năm 2021, Trung Quốc chưa trải qua tình trạng giảm phát giá tiêu dùng kéo dài kể từ năm 2009 - thời điểm của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Khi đó, Bắc Kinh đã tung ra gói kích thích trị giá 4 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 553 tỷ USD, tập trung vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và nâng cấp ngành công nghiệp. Mặc dù kế hoạch kích cầu đã thúc đẩy tăng trưởng vào thời điểm đó, nhưng cũng khiến các chính quyền địa phương vay nhiều hơn mức cho phép theo luật, dẫn tới tình trạng các tỉnh thành Trung Quốc nợ nần chồng chất.

Lần này, dư địa chính sách để ngăn chặn nguy cơ giảm phát hạn chế hơn, một phần do lo ngại về rủi ro nợ.

NGUY CƠ VÒNG LẶP GIẢM PHÁT-SUY THOÁI

“Lạm phát giá tiêu dùng bằng 0 và giá sản xuất giảm sâu hơn trong tháng 6 cho thấy sự phục hồi sau đại dịch của Trung Quốc đã mất thêm động lực. Đà giảm giá là dấu hiệu của nhu cầu yếu, nhân tố làm mờ đi triển vọng tăng trưởng. Sự cần thiết phải có thêm biện pháp kích cầu từ Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đang tăng lên”, nhà kinh tế David Qu của Bloomberg Economics nhận định trong một báo cáo.

Hầu hết các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế mà Bắc Kinh triển khai hiện nay đều ở mức độ hạn chế, trong đó PBOC chỉ giảm nhẹ một số lãi suất chính sách vào tháng trước. Chính phủ cũng đã gia hạn một chương trình giảm thuế cho người mua ô tô điện.

Bruce Pang, nhà kinh tế trưởng tại Jones Lang Lasalle Inc, nhận định: “Chính phủ Trung Quốc khó có thể đưa ra các chính sách vĩ mô cực kỳ mạnh mẽ vào thời điểm này”. Ông Pang nói thêm rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang nhấn mạnh “tăng trưởng chất lượng cao, ổn định và tạo ra sự cân bằng giữa việc điều chỉnh cấu trúc kinh tế với ngăn ngừa rủi ro”.

Tuần trước, Thủ tướng Lý Cường đã có cuộc trò chuyện với một số nhà kinh tế Trung Quốc về khả năng kích cầu, mặc dù ông nhấn mạnh rằng các chính sách sẽ “có mục tiêu, toàn diện và phối hợp tốt” - một tuyên bố củng cố kỳ vọng rằng các biện pháp kích thích sẽ không được đưa ra ở quy mô lớn.

Ông Xing Zhaopeng, chiến lược gia cấp cao về Trung Quốc tại ngân hàng ANZ, cho rằng Chính phủ Trung Quốc cần chuyển trọng tâm từ các chính sách trọng cung sang các biện pháp giải quyết các vấn đề về nhu cầu.

Chính phủ Trung Quốc từ lâu đã hỗ trợ các công ty bằng cách sử dụng các công cụ cho vay có trọng điểm, chẳng hạn như những công cụ nhằm hỗ trợ các ngành sản xuất và năng lượng tái tạo. Trong khi đó, Bắc Kinh thường không chú trọng các chính sách nhằm giúp đỡ trực tiếp người tiêu dùng, chẳng hạn như trợ cấp.

“Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa”, ông Xing nhận định, đồng thời cảnh báo về nguy cơ ngày càng lớn xảy ra “vòng lặp giảm phát-suy thoái” ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/bong-ma-giam-phat-de-doa-kinh-te-trung-quoc.htm