Bỗng dưng 'mất quyền' tái định cư

UBND TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa hủy các quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp tái định cư khiến người dân bức xúc

Báo Người Lao Động nhận đơn thư từ 23 hộ dân ở phường Ngọc Hiệp (TP Nha Trang) tố cáo lãnh đạo UBND TP Nha Trang và Ban Quản lý Dự án (BQLDA) Phát triển tỉnh Khánh Hòa đã gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân khu tái định cư (TĐC) Ngọc Hiệp

Lọt thỏm giữa công trình

Tháng 8-2023, UBND TP Nha Trang có quyết định hủy các quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp thuộc khu vực 4,83 ha tại dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC Ngọc Hiệp. Ảnh hưởng từ diện tích này là 145 hộ, trong đó 28 hộ đã có các quyết định thu hồi đất.

Ghi nhận tại khu vực 4,83 ha, nhiều hộ dân đang sống lọt thỏm giữa công trình san lấp, nền đất cao hơn nửa căn nhà dân nên nguy cơ ngập, hư hại tài sản rất cao. Ông Lê Hữu Bình (người dân ở đây) cho biết người dân rất mong được TĐC tại chỗ theo khung chính sách của Ngân hàng Thế giới (WB) nhưng đến nay, lãnh đạo TP Nha Trang đã thu hồi các quyết định này khiến họ mất quyền lợi.

Nhiều hộ dân lọt thỏm giữa công trình, sinh hoạt bất tiện

Tương tự, ông Nguyễn Xuân Khoa kể suốt 7 năm qua, người dân luôn lo lắng bất an vì không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không thể sửa chữa, xây dựng nhà ở trong khi nhà đã xuống cấp.

"Chúng tôi mong tiếp tục được TĐC theo khung chính sách của WB, nghĩa là có nhà thì phải được bố trí đất TĐC. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND TP Nha Trang và BQLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi đất TĐC chuyển qua giai đoạn 2 khiến quyền lợi chúng tôi bị ảnh hưởng" - ông Khoa nói.

Qua các tài liệu thu thập được, từ năm 2016, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khu TĐC Ngọc Hiệp với quy mô 13,45 ha, vốn 162 tỉ đồng. Dự án được xây dựng nhằm bố trí 660 lô TĐC cho các hộ dân bị giải tỏa khi thực hiện dự án môi trường bền vững các thành phố duyên hải - tiểu dự án Nha Trang (dự án CCSEP Nha Trang) và tạo quỹ đất dự phòng bố trí TĐC cho các dự án trọng điểm khác.

Riêng dự án CCSEP Nha Trang có tổng vốn đầu tư 72 triệu USD, trong đó 60,6 triệu USD vốn vay từ WB nhằm xây dựng các hệ thống thoát nước, bờ kè, nhà máy xử lý nước thải... Dự án này đang triển khai 5 hợp đồng xây lắp với 464 hộ dân bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, việc giải phóng mặt bằng thu hồi đất và TĐC cho dự án CCSEP không được hoàn thành trước ngày 31-3-2023 như cam kết. Nguyên nhân do người dân không đồng thuận mức giá đền bù, phương án đền bù của chủ đầu tư là BQLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa đưa ra.

Ngân hàng Thế giới "tuýt còi"

Theo lãnh đạo UBND TP Nha Trang, việc thu hồi 4,83 ha là theo yêu cầu của WB và UBND tỉnh Khánh Hòa.

Trước đó, WB đã gửi cơ quan tỉnh Khánh Hòa về việc rà soát một số điều khoản quan trọng của khung chính sách TĐC (RPF) và kế hoạch hành động TĐC (RAP). Qua đó, WB chỉ ra cơ quan chức năng tỉnh Khánh Hòa đã không tuân thủ các điều khoản nói trên.

Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa xác định không chính xác ngày khóa sổ: tỉnh này xác định ngày công bố quy hoạch xây dựng chi tiết được sử dụng làm ngày khóa sổ, trong khi RPF và RAP xác định ngày khóa sổ là ngày thông báo thu hồi đất.

Ví dụ đối với hạng mục kè bờ Nam sông Cái, thời điểm công bố quy hoạch là năm 2015, thời điểm công bố thu hồi đất là năm 2020. Điều này dẫn đến một số hộ bị ảnh hưởng bị mất quyền lợi, không được hưởng chính sách bồi thường (được nhận lô đất TĐC, được mua lô đất TĐC và được nhận các khoản hỗ trợ).

Ngoài ra, tỉnh không tuân thủ nguyên tắc bồi thường theo giá thay thế đầy đủ khi thực hiện bồi thường đất nông nghiệp. Một số hộ bị ảnh hưởng có nhà xây dựng trên đất nông nghiệp bị thu hồi và họ không có nhà hoặc đất nào khác trong cùng địa bàn nhưng không được mua lô đất TĐC.

WB đề nghị tỉnh Khánh Hòa xem xét điều chỉnh quy mô đầu tư, có thể hủy bỏ một phần công trình đòi hỏi thực hiện khối lượng lớn giải phóng mặt bằng, thu hồi đất và TĐC đang rất chậm trễ. WB đề nghị UBND tỉnh Khánh Hòa không thu hồi diện tích đất 4,83 ha nói trên để kịp bảo đảm tiến độ; các phương án bồi thường bảo đảm tuân thủ RPF và RAP…

Ông Nguyễn Ngọc Chinh, Chủ tịch UBND phường Ngọc Hiệp, cho biết để bảo đảm tiến độ dự án CCSEP Nha Trang, khu TĐC Ngọc Hiệp đã bố trí hơn 235 lô (toàn dự án 464 lô). Phường mong dự án sớm triển khai diện tích còn lại để kết nối đồng bộ hạ tầng với khu vực xung quanh.

"Hiện nay, chủ đầu tư chỉ san lấp ở những diện tích nông nghiệp đã được thu hồi, các hộ có nhà ở vẫn để nguyên nên dẫn đến tình trạng nhiều hộ lọt thỏm giữa công trình, sinh hoạt khó khăn" - ông Nguyễn Ngọc Chinh nói.

Khơi thông thoát nước

BQLDA Phát triển tỉnh Khánh Hòa có văn bản gửi WB về việc công bố các thông báo của UBND TP Nha Trang cho các hộ dân bị ảnh hưởng trong khu vực 4,83 ha là thuộc giai đoạn 2 của dự án.

Vấn đề thoát nước và bảo vệ môi trường, UBND phường Ngọc Hiệp tiến hành cắm biển báo cấm đổ rác tại khu vực dự án. BQLDA đã tiến hành khơi thông đoạn mương hiện trạng toàn bộ nước khu vực giai đoạn 1 sẽ thoát ra sông Bà Vệ.

Bài và ảnh: KỲ NAM

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/ban-doc/bong-dung-mat-quyen-tai-dinh-cu-202310192132047.htm