Bóng đá Việt Nam: Thay đổi hay là 'chết'

Trong khi nền bóng đá Việt Nam còn loay hoay với những giải pháp tình thế, nặng đối phó nhiều hơn thay vì một lộ trình phát triển mang tính dài hơi, thì bóng đá Thái Lan đã bay thẳng đến VCK Asian Cup 2019. Thậm chí với ngôi nhất bảng F ở vòng loại World Cup 2018, họ đang gần ngày hội bóng đá thế giới hơn bao giờ hết.

Nhiều cầu thủ đội tuyển Việt Nam vẫn còn tuổi dự VCK U23 Châu Á 2018. Ảnh Nhật Đoàn/ VFF

Mới đây, một thông báo phát đi từ Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) khẳng định, gần như chắc chắn họ sẽ cử một đội tuyển trẻ được thành lập để đá AFF Cup 2016 vào cuối năm nay, thay vì ĐTQG.

Bóng chưa lăn, nhưng quả là có chút hụt hẫng cho những người láng giềng, trong đó có Việt Nam, nếu Thái Lan chỉ dùng đội tuyển trẻ để chơi giải đấu có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Nhưng với người Thái, đấy là chuyện bình thường, là lộ trình bất biến, bởi mối quan tâm hàng đầu của Thái Lan bây giờ không phải AFF Cup hay SEA Games nữa, mà là Asian Games, Asian Cup, thậm chí là World Cup.

Asian Games 2014 ở Incheon, Olympic Thái Lan đã vào đến bán kết, trước khi để thua chủ nhà Hàn Quốc. Thêm chức vô địch AFF Cup 2014, HCV SEA Games 2015, thì việc Thái Lan tiếp tục gặt hái thành công ở vòng loại World Cup 2018 (đồng thời là vòng loại Asian Cup 2019), là hoàn toàn bình thường. Ngôi đầu bảng F (bảng đấu có cả cựu vương Iraq), đảm bảo cho Thái Lan lọt vào tốp 8 đội mạnh nhất châu Á.

Chả có phép màu nào ở đây cả, mà nó là sự tích lũy, với một quy trình và lộ trình làm bóng đá khoa học. Người ta tính rằng, trong khoảng 5 – 7 năm nữa, khi bóng đá Thái Lan đón về lại những lứa cầu thủ đang cho du học ở trời Âu (cụ thể là CLB Leicester City – đội bóng có ông chủ người Thái và là ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch Premier Legaue mùa này), họ thậm chí có thể tính đến khả năng vô địch châu lục.

Tuấn Anh & Xuân Trường ở đội tuyển Việt Nam: 'Nho vẫn còn xanh'

HLV Hữu Thắng đã không ngần ngại xếp nhiều cầu thủ trẻ đá chính ở những trận đấu đầu tiên dưới triều đại mình, trong đó phải kể đến Tuấn Anh và Xuân Trường...

Xuyên suốt các câu chuyện về bóng đá Thái Lan mà Thể thao & Văn hóa từng đăng tải, rõ ràng sự phát triển bền vững của họ, có sự cộng hưởng đáng kể từ nguồn ngoại lực. Trên cabin BHL các ĐTQG cũng như CLB đang chơi ở Thai Premier League là các HLV, các chuyên gia fitness…, hàng đầu. Tất cả các CLB ở Thai Premier League luôn được quyền đăng ký 5 ngoại binh chất lượng gốc Nam Mỹ và Âu châu.

Đào tạo trẻ, mỗi CLB ở giải chuyên nghiệp và hạng Nhất Thái Lan là một Học viên quy mô lớn. Và ngoài ra, như đã nhắc ở trên, họ không ngừng gửi các lứa cầu thủ trẻ đi tu nghiệp nước ngoài. Con người và công nghệ ở các nước có nền bóng đá, cũng như các giải đấu phát triển, phải là ưu tiên số 1. Không phải tự nhiên HAGL cho ra lò những tài năng như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Hồng Duy…

Chúng ta không thể thay cả nền bóng đá, cũng như không thay được lực lượng CĐV, thì công đoạn duy nhất còn lại là… thay thầy và đổi công nghệ, tức là phải mời bằng được các ông thầy giỏi, bắt đầu từ khâu đào tạo. SLNA đã đánh mất vị thế trong hệ thống các giải bóng đá trẻ QG từ khá lâu, khi các sản phẩm ưu tú nhất của lò đào tạo này là Quốc Vượng, Văn Quyến, Công Vinh…, đã qua thời đỉnh cao từ hàng chục năm nay.

Nếu không thay thầy và thay quy trình, xứ Nghệ sẽ không bao giờ tìm lại được hào quang quá khứ. Cũng tựa như thế là Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đà Nẵng… Việc VPF, Viettel, Hà Nội T&T và đặc biệt là HAGL đang chiếm thế thượng phong trong việc cung ứng các tài năng bóng đá trẻ, bởi họ không đi theo lối mòn, với các phương pháp làm bóng đá truyền thống. Mối quan hệ cận huyết ở bất cứ địa hạt nào cũng có hại.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Nguồn TT&VH: http://thethaovanhoa.vn/bong-da-viet/bong-da-viet-nam-thay-doi-hay-la-chet-n20160402000908688.htm