Bóng đá Việt Nam ở đâu trên bản đồ ASIAD?

Thành tích tốt nhất của bóng đá Việt Nam tại đấu trường ASIAD là vị trí hạng tư chung cuộc, năm 2014 với tuyển nữ và 2018 với tuyển Olympic nam.

Môn bóng đá nam được đưa vào Á vận hội từ năm 1951, trong khi bóng đá nữ xuất hiện từ đại hội năm 1990 trở đi. Kể từ ASIAD 2002, bóng đá nam giới hạn độ tuổi xuống còn U23 + 3 (mỗi đội được đăng ký tối đa 3 cầu thủ trên 23 tuổi), để các đội trong châu lục có thêm sự chuẩn bị cho đấu trường Olympic. Hội nhập trở lại với quốc tế từ năm 1991, bóng đá Việt Nam có những bước tiến rõ rệt tại Á vận hội.

Tuyển nữ Việt Nam từng lọt top 4 ASIAD

Kể từ ASIAD 1998 tại Thái Lan đến nay, đội tuyển nữ quốc gia liên tục góp mặt với thành tích dần cải thiện. Cụ thể, tuyển nữ Việt Nam từ chỗ dừng chân vòng bảng (ASIAD 1998) đã giành hạng 6 (ASIAD 2002), tứ kết (ASIAD 2018) và đỉnh cao nhất là vị trí hạng 4 chung cuộc tại ASIAD 2014.

Tương tự, đội Olympic nam cho thấy sự tiến bộ qua từng mùa giải. Sau 2 kỳ đại hội dừng chân từ vòng bảng (2002, 2008), tới ASIAD 2010, Olympic Việt Nam lần đầu vào vòng đấu loại trực tiếp và thua CHDCND Triều Tiên ở vòng 16 đội. Đến ASIAD 2014, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên người Nhật Toshiya Miura, Olympic Việt Nam giành chiến thắng 4-1 trước Olympic Iran - đội bóng đến từ nền bóng đá số 1 châu Á thời điểm đó. Trận thắng gây chấn động vòng bảng Á vận hội năm đó gián tiếp khiến Olympic Iran bị loại còn Olympic Việt Nam nhất bảng trước khi thua Olympic UAE tại vòng 1/8. 4 năm sau đó, HLV Park Hang-seo giúp Olympic Việt Nam tiến một bước dài tới hạng 4 chung cuộc ở ASIAD 2018 sau thất bại đáng tiếc trước Olympic UAE (thua penalty 3-4 sau hai hiệp chính hòa 1-1) trong trận tranh Huy chương Đồng.

Đội hình Olympic Việt Nam giành hạng tư bóng đá nam ASIAD 2018

Nếu tính trong 20 năm trở lại đây, Olympic Việt Nam là đội thành công nhất khu vực Đông Nam Á tại đấu trường ASIAD khi từng đạt hạng 4 chung cuộc năm 2018. Tuy nhiên nếu xét thành tích toàn giải (từ 1951 đến nay), Myanmar mới là đội giàu thành tích nhất khu vực khi từng 2 lần vô địch bóng đá nam ASIAD các năm 1966, 1970. Kế đến là Malaysia - Á quân 1962, 1974; Indonesia - Á quân 1958 và Thái Lan - hạng tư 1994, 1998 rồi mới đến Việt Nam.

Sau 20 kỳ ASIAD môn bóng đá nam được tổ chức, Hàn Quốc đang là đội giàu thành tích nhất với 5 lần vô địch (1970, 1978, 1986, 2014, 2018). Xếp sau là Iran với 4 lần (1974, 1994, 1998, 2002). Ấn Độ, Myanmar và Đài Bắc Trung Hoa cùng 2 lần đăng quang, trong khi Nhật Bản, Triều Tiên, Iraq, Qatar, Uzbekistan mới 1 lần chạm tay tấm Huy chương Vàng Á vận hội. Đáng chú ý, Trung Quốc - nền thể thao giàu Huy chương Vàng nhất lịch sử ASIAD - chưa từng một lần vô địch bóng đá nam đại hội. Thành tích tốt nhất của bóng đá Trung Quốc là ngôi Á quân ASIAD 1994.

Cơ hội đi tiếp cho Olympic Việt Nam

So với đại hội cách đây 4 năm, Olympic Việt Nam không có đội hình mạnh do chủ trương trao cơ hội cọ xát cho lứa U20. Thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn rơi vào bảng đấu khó với sự hiện diện của 2 nền bóng đá hàng đầu châu lục là Iran và Ả Rập Xê Út. Việc một số đội bỏ giải giờ chót đẩy Olympic Việt Nam vào thế bất lợi trong trường hợp phải xét vé vớt cho các đội hạng ba.

Ở lượt trận cuối bảng B (hôm nay 24-9), Olympic Việt Nam buộc phải thắng Olympic Ả Rập Xê Út để chắc suất vào vòng 1/8. Trường hợp hòa hoặc thua và xếp hạng ba chung cuộc, số phận thầy trò huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn phụ thuộc kết quả 4 bảng đấu còn lại diễn ra cùng ngày.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bong-da-viet-nam-o-dau-tren-ban-do-asiad-post552605.antd