Bóng đá Nam Mỹ có hay hơn bóng đá châu Âu?

Chất lượng các trận đấu châu Âu dường như không hấp dẫn và cuốn hút khán giả như các trận thư hùng ở Nam Mỹ.

Nhìn lại trận đấu Peru - Argentina

Trận cầu Peru ở vòng loại World Cup 2018 không có nhân vật quan trọng Lionel Messi góp mặt bên phía Argentina, nhưng diễn biến của nó khá hấp dẫn và có 4 bàn thắng chia đều mỗi đội. Và ngoại trừ trận Paraguay - Colombia kết thúc với tỷ số 0-1, các trận đấu còn lại của khu vực Nam Mỹ đều có từ 3 bàn trở lên.

Peru cầm chân Argentina 2-2

Đôi lúc bóng đá Nam Mỹ có thể đưa tới cho chúng ta một bộ mặt xấu xí hoặc một chân dung tuyệt đẹp, tùy vào từng ngày. Nhưng có một điều không thể phủ nhận, đó là nhịp độ của các trận đấu Nam Mỹ rất cao và tính chất căng thẳng luôn có khả năng lên tới đỉnh điểm ở bất cứ tình huống nào.

So sánh giữa Copa America và Euro trong cùng năm nay. Euro 2016 tất nhiên quy tụ nhiều đội bóng được quan tâm hơn và do đó cảm xúc khán giả cũng nhiều hơn. Tuy nhiên sự khác biệt về mặt chất lượng trận đấu thì như đêm và ngày.

Các đội Nam Mỹ dự Copa America chơi bóng một cách khá quyết liệt và luôn chủ động tấn công, Chile kể cả có dùng đông đảo người kèm để bắt chặt Lionel Messi thì khi tấn công họ vẫn triển khai với một tốc độ rất cao và nhiều pha bóng kỹ thuật. Mà đó là trận chung kết, còn video trận đấu Ecuador – Peru dưới đây cho thấy ngay cả ở vòng bảng, giữa hai đội bóng không được quan tâm nhiều, khán giả vẫn được thỏa mãn.

Video trận đấu Ecuador - Peru ở vòng bảng Copa America 2016

Trong khi đó Euro 2016 chứng kiến nhiều trận đấu phải giải quyết thắng thua trong hiệp phụ hay loạt luân lưu, và ở vòng bảng thể thức thi đấu dành cho 24 đội khiến một số đội tuyển chủ tâm chơi thận trọng để không bị thua (có thể vượt qua vòng bảng khi hòa cả 3 trận, như nhà vô địch Bồ Đào Nha). Một số trận đấu có tốc độ rất chậm và ít tình huống nguy hiểm.

Nếu nói về tốc độ thì thực tế các cầu thủ châu Âu không thiếu, thậm chí ta có thể thấy các trận đấu ở cấp CLB ở Premier League hay La Liga tốc độ di chuyển của các cầu thủ đều rất nhanh và thời gian xử lý bóng của họ rất ít do bị áp sát mau lẹ. Tuy nhiên đó là về mặt chất lượng cầu thủ, còn về phong cách thi đấu thì những người Nam Mỹ vẫn “chơi tất tay” khi vào trận hơn là các đội châu Âu.

Trung bình có 2,84 bàn thắng/trận được ghi ở Copa America 2016, trong khi ở Euro 2016 là 2,12 bàn/trận

Sự dè chừng chiến thuật thái quá dường như khiến bóng đá châu Âu đặt nặng đòi hỏi không thủng lưới lên đầu rồi mới đến chuyện ghi bàn. Bồ Đào Nha ở Euro thực tế chỉ thắng 2 trận, cả hai chiến thắng (trước Croatia và Pháp) đều đến ở hiệp phụ, còn lại là hòa hoặc sống sót trong loạt sút luân lưu. Đó không phải là điều mà chúng ta trước đây có thể thấy thường xuyên ở các giải đấu lớn.

Do lối sống vùng Địa Trung Hải thuận lợi nên các cầu thủ Nam Mỹ mang ảnh hưởng của mình tới La Liga và chúng ta có thể thấy điều này trong các trận đấu. Không chỉ Barcelona, một đội nhỏ như Rayo Vallecano cũng đá khá hay nếu chúng ta chịu bỏ thời gian ra theo dõi (khi Real Madrid thắng Rayo 10-2 cuối năm 2015, Rayo đã dẫn trước 2-1 sau hơn 10 phút đầu trận).

Trong khi đó bóng đá Anh ít cầu thủ Nam Mỹ hơn và dựa nhiều vào thể lực là chính. Không dễ để xem một trận đấu ở Anh nếu hai đội có ít cầu thủ kỹ thuật, thậm chí ở cấp độ Championship còn tồi tệ hơn Premier League. Các cầu thủ kỹ thuật không dám tới chơi ở Championship vì họ tốn quá nhiều năng lượng vào việc chạy lên chạy xuống do các đội hay dùng bóng dài.

Có thể nói bóng đá Nam Mỹ dễ thưởng thức hơn nhiều so với sản phẩm của bóng đá châu Âu. Nhưng về mặt chiến thuật thì Cựu lục địa vẫn đang vượt trội, thể hiện qua 3 chức vô địch World Cup gần nhất (Italia, TBN, Đức).

Q.D

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/the-thao/bong-da-nam-my-co-hay-hon-bong-da-chau-au-c9a443227.html