Bóng đá & chính trị

Một trong những quy định của FIFA là không được để chính trị can thiệp vào bóng đá. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng trong bóng đá hoàn toàn không có chút gì của chính trị...

Quốc kỳ xứ Catalan trên sân vận động Nou Camp (Barcelona, Tây Ban Nha).

1. Trong làng bóng đá châu Á, người ta vẫn thường xuýt xoa khi lá thăm may rủi đưa Hàn Quốc gặp Triều Tiên ở vòng loại World Cup hoặc giải vô địch châu lục. Tuy nhiên, trận cầu đó không phải là chiến địa của nơi thể hiện ý thức hệ mà ngược lại, nó lại là chỗ để thể hiện tình đồng bào nhiều hơn, như cái cách của Jong Tae-Se từ bỏ quốc tịch Hàn Quốc để nhận quốc tịch Triều Tiên và khoác áo đội tuyển Triều Tiên. Chính jong Tae-Se đã từng bật khóc khi chào cờ Triều Tiên hồi World Cup 2010, một hình ảnh chấn động làng thể thao khi ấy và bị suy luận rất nhiều về ý nghĩa. Nhưng suy cho cùng, không có hành động nào cho thấy ý nghĩa chính trị trong bóng đá lớn hơn những giọt nước mắt của chàng trai Hàn Quốc lớn lên ở Nhật Bản đó.

Lá thăm trong bóng đá không phân biệt biên giới; ý thức hệ; thể chế và thù địch. Như nó đã từng khi I-ran gặp Mỹ; khi Hy Lạp gặp Thổ Nhĩ Kỳ; khi Anh gặp Ác-hen-ti-na hay Bắc Ailen; Xcốt-len. Lúc ấy, vết dấu chính trị rất mờ nhạt và có chăng chỉ tồn tại trong chính suy luận của những người ưa tán dóc tràng giang đại hải về bóng đá mà thôi.

Nhưng cũng có những hiện tượng khác trong bóng đá chính trị thể hiện khá rõ trong màu cờ sắc áo ĐTQG. Tỷ dụ như chuyện đội tuyển Pháp, trong mấy năm khủng hoảng vừa qua, đã bị báo chí đất nước lục lăng lên án rất nhiều khi các tuyển thủ không chịu hát quốc ca khi cử quốc thiều trước mỗi trận đấu. Trong mắt người Pháp, điều đó thể hiện ý thức thiếu tôn trọng đối với quốc tịch của mình và nó được thổi phồng lên thêm nhờ vào tình trạng nhập cư quá tải của Pháp nhiều năm qua. Chủ nghĩa dân tộc đã sống lại cũng nhờ một phần từ những hình ảnh ấy của Les Bleus và chính trong một cuộc phỏng vấn trực tiếp với HLV trưởng ĐTQG Pháp hiện nay, ông Didier Deschamps, một người Pháp gốc, tác giả bài viết này đã nhận được câu trả lời về kế hoạch phát triển tài năng của bóng đá Pháp hiện nay như sau: “Chúng tôi đã sai lầm nhiều năm qua và giờ là lúc phải sửa sai. Chúng tôi sẽ không vì những cầu thủ to cao, lực lưỡng và dồi dào thể lực mà bỏ quên các cầu thủ nhỏ con hơn nhưng lại giàu kỹ thuật”. Câu trả lời ấy dành cho câu hỏi về tình trạng cầu thủ gốc Phi trong bóng đá Pháp hiện nay và cách trả lời khéo léo đó cũng cho thấy Pháp sẽ bắt đầu chú trọng đến người Pháp gốc nhiều hơn trong ĐTQG của mình.

Và đó, chính là chính trị trong bóng đá...

2. Nếu ở cấp ĐTQG, dấu vết của chính trị rất mờ thì ở CLB, dấu vết của chính trị lại đậm nét hơn dù một CLB không đại diện cho một thể chế chính trị nào cả. Điển hình trong đó chính là chủ nghĩa ái quốc mà người thực thi nó chính là những HLV, giám đốc kỹ thuật hoặc những ông chủ CLB, những người quyết định được vấn đề nhân sự của đội bóng.

Khi Cruyff tạo dựng mình trở thành một vị thánh sống đối với cộng đồng CĐV Barcelona, ông cũng đã đồng thời tạo một mối liên hệ khác, kéo dài từ thập niên 70 tới nay ở CLB xứ Catalan. Đó là mối liên hệ giữa Barca với Hà Lan, một nền bóng đá nhiều tài năng.

Khi Van Gaal đến nhận vai trò HLV trưởng Barca cách đây khoảng 15 năm, ông gần như đã Hà Lan hóa CLB xứ Catalan. Với sự hậu thuẫn của Cruyff, cả Van Gaal ở lần làm HLV Barca thứ hai (2002/03) lẫn Rijkaard ở năm 2003 đã tiếp tục công cuộc Hà Lan hóa ấy mà đỉnh điểm, đã có lúc Barca ra sân với bảy danh thủ người Hà Lan như Cocu; Reiziger; Davids, Kluivert; Overmars; Bronckhorst, De Boer... Đó chính là biểu hiện của tinh thần ái quốc của những HLV người Hà Lan. Nhưng Rijkaard không thể giữ mãi chính sách ấy và ông chỉ thành công khi bắt đầu phải bớt “ái quốc” đi một chút. Và kỷ nguyên ái quốc của người Hà Lan tại Barca đã chấm dứt khi Cruyff bị rút dần vai trò lãnh tụ tinh thần của CLB. Học trò của ông, Guardiola, đã nắm quyền và thể hiện sự ái quốc của mình bằng cách Tây Ban Nha hóa đội hình Barca và tạo tiền đề cho cả thành công của ĐTQG Tây Ban Nha sau đó.

Tương tự với những người Hà Lan, Wenger ở Arsenal cũng thể hiện tinh thần ái quốc đó bằng việc liên tục đưa những người Pháp đến với Arsenal. Khi Wenger chưa tới CLB thành London, chưa từng có một cầu thủ Pháp nào khoác áo pháo thủ. Nhưng bắt đầu từ ông, với thế hệ đầu tiên là Vieira, Grimandi, Petit, Arsenal trở thành một CLB gần như của Pháp với lực lượng Pháp thường trực lúc nào cũng phải từ ba đến bốn cầu thủ trở lên.

Ở Bồ Đào Nha cũng không khác khi thời gian gần đây khi Mourinho đang tuyên chiến với những thế lực đen của đội bóng là người Tây Ban Nha. Ông hậu thuẫn cho những cầu thủ đồng hương như CR7, Pepe, Carvalho, Coentrao và tạo nên một nhóm Bồ Đào Nha ái quốc trong lòng CLB thủ đô Tây Ban Nha. Chủ nghĩa ái quốc ấy đã xung đột từ ngấm ngầm đến công khai với chủ nghĩa ái quốc của tập thể cầu thủ bản địa và nó có thể là đầu mối để Mourinho phải ra đi nay mai.

3. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan cũng đã xuất phát trong lòng bóng đá như một sản phẩm phụ nhưng lại mạnh mẽ hơn của chủ nghĩa ái quốc. Đã từ lâu, người ta biết đến CLB Athletic Bilbao của Tây Ban Nha với nguyên tắc chỉ sử dụng cầu thủ, huấn luyện viên là người xứ Basque được sinh ra và lớn lên tại bản địa. Nhưng những khó khăn về xây dựng lực lượng đã buộc chủ nghĩa cực đoan ấy phải thay đổi đôi chút khi họ nới lỏng biên độ cho cả những người gốc Basque không nhất thiết phải sinh sống tại Basque và HLV đã được mở rộng đa quốc gia, đa sắc tộc hơn. Sự phai nhạt chút ít ấy đã gột sạch được những nghi vấn kéo dài hàng thập kỷ rằng Bilbao là CLB con cưng của nhóm khủng bố ETA xứ Basque. Song, khi ở Basque vấn đề chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang được mềm hóa đi thì ở Catalan, chủ nghĩa đó sống lại một cách sôi động hơn bao giờ hết.

Năm 2012 vừa rồi, trong cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Tây Ban Nha chịu nhiều thiệt hại nặng nề. Người Catalan vì thế trưng cầu dân ý muốn tách riêng thành quốc gia độc lập và hưởng ứng họ chính là CLB con cưng Barca. Đội tuyển Catalan vẫn tồn tại một cách không chính thức từ lâu nay nhưng trong phong trào phục hưng Catalan, người Catalan nghĩ rằng ĐT của họ là trụ cột cho ĐTQG Tây Ban Nha thành công thì họ cũng có thể thành công tự thân. Thậm chí, Barca còn tuyên bố, nếu tách khỏi Tây Ban Nha, Barca sẵn sàng xin sang tham gia giải VĐQG Pháp nếu LĐBĐ Tây Ban Nha từ chối họ. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan ấy còn mạnh mẽ hơn nữa khi Barca quyết định chọn màu áo sân khách của mình mùa bóng sau chính bằng quốc kỳ xứ Catalan.

Nói chung, bóng đá trong tâm thức mỗi người vẫn chỉ là thể thao và thể thao thì phải vui, đừng dính dáng đến chính trị và ý thức hệ. Song, bóng đá khốn nỗi lại được điều hành, thực thi bởi con người mà con người ta sống trên đời không thể nào không có một thái độ chính trị rõ ràng. Và chính sự áp đặt thái độ chính trị chủ quan của người làm bóng đá đã tạo nên một thế giới bóng đá sống động, nhiều màu sắc, thể hiện rõ sự ảnh hưởng đậm nét của chính trị, điều mà FIFA dù không muốn cũng vẫn phải chấp nhận thỏa hiệp phần nào...

HÀ ĐỨC THỌ

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/hangthang/the-thao/item/325902-.html