Bóng chuyền Việt Nam loanh quanh HCB

Bóng chuyền nữ Việt Nam bước vào SEA Games 26 với nhiều gương mặt cũ, với một mục tiêu cũng cũ: giành HCB. Sau bao nhiêu năm đoạt giải nhì, năm nay chúng ta lại phấn đấu để đoạt giải nhì, phải chăng đó là một bước thụt lùi.

-

Có một điều khá vô lí là sự quan tâm của người hâm mô dành cho bóng chuyền nữ là rất lớn, có lẽ chỉ sau bóng đá nam, nhưng cứ đến SEA Games là sự quan tâm ấy có cảm tưởng cứ…nguội lạnh. Khi ĐT bóng chuyền nữ thi đấu ở các giải đấu giao hữu quốc tế, dù ở nơi đâu, Hà Nội, Vĩnh Phúc hay Gia Lai, người hâm mộ vẫn cứ đổ về đầy chật NTĐ, vé chợ đen xuất hiện cứ như một trận đấu bóng đá. SEA Games thì khác, chuẩn bị âm thầm, ít nhận được sự quan tâm và thành tích cũng khá thầm lặng.

Đơn giản một lẽ, có phấn đấu chúng ta cũng không thắng được Thái Lan, vào chung kết một cách dễ dàng rồi thua cũng khá dễ dàng, chưa thi đấu đã biết kết quả rõ mồn một như vậy hỏi sao không nản. Sau kì SEA Games 25 trên đất Lào không thành công, chỉ tiêu của bóng chuyền nữ Việt Nam lần này là tấm HCB. Sau bao nhiêu năm đoạt giải nhì, năm nay chúng ta lại phấn đấu để đoạt giải nhì, phải chăng đó là một bước thụt lùi.

So với các ĐT trong khu vực, Thái Lan đã ở một đẳng cấp khác. ĐT Việt Nam đã từng giữ vững ngôi vị á quân suốt một thời gian dài, nhưng ngôi số hai ấy cũng đang lung lay khi các đối thủ khác là Indonesia, Philippines, Malaysia đang vươn lên mạnh mẽ.

Điểm mới mẻ của ĐT bóng chuyền nữ ở SEA Games năm nay là sự xuất hiện của chuyên gia người Trung Quốc Quia Yu Chuan. Vị chuyên gia này đã đem đến nhiều nét mới khi làm việc với các nữ VĐV, tuy nhiên do thời gian còn ngắn nên chưa thể ngay lập tức tạo được dấu ấn.

Về lực lượng, ĐT bóng chuyền nữ vẫn cứ trông đợi vào các trụ cột đã quá nhiều kinh nghiệm, chinh chiến nhiều năm trong màu áo ĐT, đã cày ải liên miên suốt cả một thời gian dài. Việc phải thay máu lực lượng, trẻ hóa làm mới ĐT là cần thiết, nhưng bóng chuyền nữ Việt Nam vẫn chưa có đủ một lực lượng kế cận đủ sức thay thế các đàn chị. Phạm Kim Huệ, Phạm Thị Yến, Ngọc Hoa… dù tuổi đã cao, từng dính nhiều chấn thương hoặc đã qua thời đỉnh cao phong độ vẫn là những đầu tàu chưa thể thay thế, kết hợp cũng những gương mặt trẻ hơn như Trà Giang. Bùi Thị Ngà, Ái Nga, Tuyết Hoa là những gương mặt mới, vừa được phát hiện từ giải VĐ QG, tuy nhiên do ít kinh nghiệm nên chưa thể đủ sức chinh chiến, cần phải học hỏi thêm.

Trước giải đấu quan trọng như SEA Games, vẫn biết phải lên dây cót tinh thần, nhưng thực tế là chúng ta không thể vượt qua Thái Lan là điều không thể phủ nhận. Bóng chuyền nữ Việt Nam còn nhiều khó khăn, nhưng việc lạc hậu trong đường lối, chiến lược phát triển đã khiến bóng chuyền nữ Việt Nam khó lòng vươn cao hơn. Khâu phát hiện, đào tạo VĐV trẻ yếu kém đã khiến cho việc duy trì sức mạnh và kế thừa về lực lượng gặp quá nhiều vấn đề. Sau một thế hệ nữ VĐV với những gương mặt tiêu biểu như Kim Huệ, Ngọc Hoa, bóng chuyền Việt Nam chưa có lớp kế cận tương xứng.

SEA Games 26, nếu phong độ của các trụ cột ổn định, ĐT bóng chuyền nữ không khó để có tấm HCB, đạt chỉ tiêu. Nhưng tiếp sau chỉ tiêu đó là gì, đó mới là vấn đề của bóng chuyền nữ Việt Nam .

Quang Anh

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/newsdetail.asp?catid=459&newsid=254458