Bong bóng kinh tế Trung Quốc (K2): Sẽ sụp đổ?

Không khả tín

(ĐTTCO) - Cách nay hơn 10 năm đã có những dự báo về sự sụp đổ của kinh tế Trung Quốc, điển hình là nhà nghiên cứu Gordon G. Chang với cuốn sách “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc” xuất bản năm 2001. Tuy nhiên, dường như tất cả dự báo đó đều không chính xác?

Nếu nhìn vào những con số chính thức do nhà nước cung cấp, kinh tế Trung Quốc vẫn chưa thể gọi là sụp đổ. Tuy nhiên, có một vấn đề cực kỳ quan trọng, cũng là nhược điểm lớn nhất của thể chế kinh tế Trung Quốc đang theo đuổi, đó là thiếu minh bạch. Dù nhiều chuyên gia có ý kiến bất đồng về nền kinh tế Trung Quốc, nhưng phần lớn đều đồng ý rằng những số liệu chính thức của chính phủ nước này không đáng tin cậy.

Việc theo đuổi kích thích kinh tế sẽ khiến Trung Quốc ngày càng ngụp lặn sâu hơn trong nợ, trong khi các biện pháp kích thích kinh tế của Bắc Kinh rõ ràng không hiệu quả. Thí dụ, 6 lần giảm lãi suất chuẩn từ tháng 5-2014 và 5 lần giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngân hàng trong năm 2015 đã không có ảnh hưởng đáng kể. Vì thế, chỉ có cải cách mới mang lại sự tăng trưởng bền vững cho Trung Quốc.

Hồi giữa tháng 3, Tân Hoa Xã đưa tin một số quan chức địa phương tại Đông Bắc Trung Quốc đã thừa nhận giả mạo số liệu kinh tế trong những năm gần đây và tình hình tăng trưởng thực tế thấp hơn nhiều so với báo cáo. Theo đó, một số quan chức chính phủ đã “cường điệu hóa” những số liệu kinh tế từ thu nhập hộ gia đình đến tổng GDP của địa phương khi báo cáo. Chẳng hạn, một quan chức của tỉnh Hắc Long Giang cho biết con số đầu tư thực sự vào tỉnh này trong những năm qua đã bị thổi phồng lên ít nhất 20%, tương đương 100 tỷ NDT (15,7 tỷ USD). Trong khi đó, những số liệu do trung ương công bố cũng luôn thiếu chính xác. Tại cuộc họp Hội nghị Hiệp thương Chính trị vào tháng 3 năm ngoái, ông Đổng Đại Thắng, cựu Phó Tổng Kiểm toán Trung Quốc, đã thừa nhận nhiều năm qua số liệu kinh tế Trung Quốc bị tạo giả ở mức nghiêm trọng. Một báo cáo nghiên cứu của Bảo hiểm An Bang Trung Quốc cho biết số liệu giả tạo không chỉ ở bộ phận vốn nước ngoài mà còn ở nhiều lĩnh vực khác như GDP, thu thuế, đầu tư… Ông Emmanuel Macron, Bộ trưởng Kinh tế Pháp, cho biết: “Tôi chưa từng tin vào những con số mà họ đưa ra”. Tính khả tín của số liệu kinh tế Trung Quốc càng bị nghi ngờ hơn sau khi Cục trưởng Cục Thống kê Trung Quốc (NBS) Vương Bảo An chính thức bị điều tra vì “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng” hồi cuối tháng 1.

Đã sụp...

Theo số liệu chính thức của NBS, tăng trưởng GDP của Trung Quốc quý III-2015 đạt 6,9%, cao hơn mức dự đoán của các chuyên gia kinh tế là 6,8%. Trong 3 báo cáo tăng trưởng theo quý gần đây nhất, các số liệu của Trung Quốc đều cao hơn 0,1% so với dự đoán của thị trường. Tuy nhiên, các chuyên gia và định chế uy tín đều không tin vào con số này. Willem Buiter, kinh tế trưởng của Citigroup, cho rằng con số thực tăng trưởng GDP của Trung Quốc chỉ khoảng 4%, thậm chí 2,2%.

Chỉ số đáng tin cậy nhất của các hoạt động kinh tế của Trung Quốc được cho là việc tiêu thụ điện. Trong 11 tháng năm 2015, tiêu thụ điện năng ở Trung Quốc chỉ tăng 0,7%, theo Cơ quan Năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA). Những số liệu khác cũng xác nhận GDP tăng trưởng rất chậm. Chẳng hạn, nhập khẩu - một phong vũ biểu cho cả sản xuất và tiêu dùng - giảm tới 8,7% vào tháng 11-2015 tính theo USD, đánh dấu kỷ lục 13 tháng liên tiếp suy giảm, xuất khẩu cũng giảm 6,8%.

Về thất nghiệp, con số chính thức Trung Quốc đưa ra là 5%, tuy nhiên giới quan sát cho rằng thực tế tỷ lệ này có thể lên đến 30-40%. Số người rời bỏ các ngành nghề truyền thống theo công bố của chính quyền là 1,8 triệu người, nhưng thông tin ngoài nước đưa ra khoảng 6 triệu người… Gần đây, Tỉnh trưởng Hắc Long Giang tuyên bố công nhân mỏ ở Trung Quốc chưa bao giờ bị nợ lương ngày nào, nhưng ngay sau đó đã xảy ra sự kiện gần 10.000 công nhân mỏ ở Song Áp Sơn, Hắc Long Giang xuống đường biểu tình vì bị nợ lương nhiều tháng. Với tỷ lệ thất nghiệp 30-40%, ước tính số người thất nghiệp hiện nay ở Trung Quốc lên tới trên 300 triệu người, đông hơn tổng dân số của nhiều quốc gia. Cục diện này liệu có phải là dấu hiệu của sự sụp đổ?

Và sẽ đổ?

Một điều đáng lo khác, Trung Quốc hiện quá nặng nợ, theo một số ước tính có thể lên tới 350% GDP, khoảng trên 30.000 tỷ USD. Đáng ngại hơn, khoảng 2.500 tỷ USD nợ doanh nghiệp Trung Quốc thuộc diện nợ khó đòi. Đã có những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế không đủ khả năng gánh nổi số nợ này. Trong năm 2014-2015, chúng ta đã chứng kiến những vụ vỡ nợ của các công ty Trung Quốc. Cho đến nay, chính quyền trung ương và địa phương vẫn cố chống đỡ để số vụ vỡ nợ không diễn ra hàng loạt, nhưng giới quan sát tin rằng chẳng bao lâu họ sẽ không chống đỡ nổi.

Đối với tình trạng thất nghiệp hiện nay, nguy cơ hoàn toàn khác với tình hình đầu thập niên 90. Khi đó Trung Quốc mới mở cửa, đang thu hút nguồn đầu tư lớn từ nước ngoài, nhiều lĩnh vực có trên thị trường lao động quốc tế ồ ạt chảy vào Trung Quốc. Vì thế cho dù thời đó xuất hiện làn sóng thất nghiệp quy mô lớn, nhưng về cơ bản kinh tế Trung Quốc đi lên. Còn hiện nay Trung Quốc đang đối diện việc thoái vốn nước ngoài ồ ạt, giá thành lao động và giá nguyên vật liệu lên cao, nguy hiểm về hệ thống tài chính… Vì thế, nguy cơ lần này không thể giải quyết trong thời gian ngắn. Nghiêm trọng nhất là những di chứng để lại của một nền kinh tế dựa vào thu hút đầu tư trong hơn thập niên qua.

Các nhà kỹ trị Trung Quốc muốn dùng tiêu dùng để cứu vãn nền kinh tế. Tuy nhiên, các chỉ số như thu nhập doanh nghiệp của các nhà bán lẻ và sản phẩm tiêu dùng công ty, cho thấy chi tiêu ở Trung Quốc đang phát triển với tốc độ chậm. Đồng thời, theo số liệu công bố của Cục Thống kê quốc gia và khảo sát địa chất Hoa Kỳ, Trung Quốc đang ở tình trạng dư cung lớn. Chẳng hạn, lượng xi-măng Trung Quốc sản xuất từ năm 2010-2012 bằng tổng số xi-măng do Hoa Kỳ sản xuất trong cả thế kỷ 20. Như vậy, “cỗ xe tam mã” sản xuất, đầu tư, tiêu dùng của Trung Quốc đã bị hỏng.

Sự phồn thịnh của kinh tế Trung Quốc có thể không tồn tại được lâu.

Một quan chức Trung Quốc nói với tờ Financial Times rằng các nước không cần lo lắng về sự chậm lại của Trung Quốc, vì Trung Quốc không thiếu các chính sách kích thích kinh tế. Tuy nhiên, lời trấn an này đã sai về cơ bản. Bởi thực tế các lãnh đạo kỹ trị của Trung Quốc không thể thay đổi hướng đi xuống của nền kinh tế. Cách tốt nhất họ có thể làm hiện nay là làm chậm tốc độ đi xuống bằng các chính sách ngắn hạn, có thể dẫn đến kết quả thậm chí còn tồi tệ hơn trong dài hạn.

Văn Cường

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20160413/ky-2-se-sup-do.aspx