Bốn tàu Ấn Độ đến Malaysia tập trận

Trung Quốc giống như kẻ bắt nạt khi bác bỏ nghĩa vụ pháp lý dàn xếp tranh chấp theo UNCLOS.

Ngày 25-5 tại Malaysia, bốn tàu chiến thuộc hạm đội miền Đông của hải quân Ấn Độ (đang triển khai ở biển Đông và tây Thái Bình Dương) chở 800 thủy thủ đã ghé thăm cảng Klang thuộc bang Selangor trong khuôn khổ chuyến thăm kéo dài năm ngày.

Bốn tàu gồm tàu chiến tàng hình trang bị tên lửa định hướng INS Satpura, tàu khu trục Ranvijay, tàu hộ tống tên lửa INS Kirch và tàu chở dầu INS Shankti.

Báo Bernama (Malaysia) đưa tin Phó Đô đốc Ajit Kumar, tư lệnh hạm đội miền Đông Ấn Độ, cho biết chuyến thăm nhằm nâng cao quan hệ với hải quân hoàng gia Malaysia.

Ông nói trong chuyến thăm, hải quân hai nước sẽ tiến hành tập trận nhằm cải thiện năng lực phối hợp trong trường hợp chiến tranh hoặc ứng phó với các mối đe dọa phi truyền thống. Ông nhấn mạnh cuộc tập trận sẽ giúp củng cố thêm hòa bình và an ninh biển trong khu vực.

Tàu chiến tàng hình trang bị tên lửa định hướng INS Satpura của hải quân Ấn Độ. Ảnh: GLOBAL MILITARY REVIEW

Dự kiến sau khi ghé Malaysia, bốn tàu Ấn Độ sẽ sang thăm Việt Nam và Philippines.

Tại Philippines, báo Phil Star ngày 25-5 dẫn lời Thứ trưởng Quốc phòng Fernando Manalo cho biết Bộ Quốc phòng sẽ đẩy nhanh các thương vụ mua sắm thiết bị quốc phòng nhằm cải thiện năng lực bảo vệ lãnh thổ, trong đó có vụ mua hai tàu hỗ trợ hậu cần.

Tiêu chí Bộ Quốc phòng đặt ra là hai tàu phải đáp ứng được nhiều nhiệm vụ như hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ, có bãi đáp máy bay trực thăng, có thể vận chuyển một tiểu đoàn cùng xe bọc thép. Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Pháp và Ý đang chào mời Philippines mua hai tàu này.

Tân Hoa xã (Trung Quốc) đưa tin ngày 24-5, Viện viễn thám và Trái đất số thuộc Viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc đã khai trương trạm tiếp nhận dữ liệu vệ tinh đặt tại TP Tam Á thuộc tỉnh Hải Nam. Trạm sẽ tiếp nhận thông tin quan sát biển Đông từ hơn 10 vệ tinh.

Trong khi đó, báo Bưu Điện Hoa Nam (Hong Kong) ngày 25-5 đưa tin tại hội thảo với chủ đề Trung Quốc, quyền lực mềm và pháp luật quốc tế ở ĐH Hong Kong (đặc khu Hong Kong) hôm 23-5, GS Jerome Cohen ở Trường luật thuộc ĐH New York (Mỹ) nói ông thất vọng vì Bắc Kinh từ chối tham gia tiến trình phân xử trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về vấn đề tranh chấp biển Đông ở tòa án trọng tài quốc tế.

Ông nhận định Trung Quốc có thể muốn ép Philippines phải thỏa hiệp. Ông nhấn mạnh Trung Quốc giống như kẻ bắt nạt khi bác bỏ nghĩa vụ pháp lý dàn xếp tranh chấp theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Ông cho rằng sự kiện Trung Quốc bác bỏ tòa án trọng tài quốc tế sẽ làm tổn hại quyền lực mềm của nước này. Ông nói: “Khi bạn bị xem là kẻ vi phạm pháp luật quốc tế, bạn sẽ không giành được nhiều sự tán thành từ cộng đồng thế giới”.

Cùng ngày 25-5, tại lãnh thổ Đài Loan, cơ quan tuần duyên đã đề xuất tăng lương cho lính tuần duyên đồn trú ở các đảo Đông Sa và Ba Bình (các đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang bị Đài Loan chiếm giữ) lên mức 50.000-60.000 đài tệ (khoảng 35-42 triệu đồng VN) mỗi tháng, cao gần gấp ba lần mức lương tối thiểu ở Đài Loan.

Báo China Post (Đài Loan) ghi nhận đề nghị trên được đưa ra vì trong ba tháng qua, cơ quan tuần duyên chỉ tuyển được ba người chịu đến đồn trú ở đảo Đông Sa và không ai đăng ký đến đảo Ba Bình.

LÊ LINH

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130526120711747p0c1017/bon-tau-an-do-den-malaysia-tap-tran.htm