Bốn gợi ý khi đi lễ Đền Hùng

GiadinhNet - Từ nay đến ngày chính giỗ mùng 10/3 âm lịch, mỗi ngày dự kiến có trên 1 triệu lượt người đến với lễ hội Đền Hùng.

Nếu không có điều kiện đi lễ Đền Hùng, bạn có thể giỗ Tổ tại nhà bằng cách làm mâm cơm cúng hoặc chỉ cần thắp một nén nhang tại bát hương gia tiên.

Với lượng du khách đông như thế nên việc chen chúc thờ cúng và ăn nghỉ trong tình trạng giá cả đắt đỏ, phục vụ kém là khó tránh. Những gợi ý của chúng tôi dưới đây có thể giúp bạn phần nào giải tỏa nỗi lo này.

Có thể giỗ Tổ tại nhà

Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh cho biết, ngày giỗ Tổ không nhất thiết phải bắt buộc lên Đền Hùng. Ở nước ta hiện có tới 1.600 di tích thờ đền Hùng, ai ở gần những nơi đó thì đến. Nếu không có điều kiện đi lễ Đền Hùng, mọi người có thể làm mâm cơm cúng ở gia tiên hoặc chỉ cần thắp một nén nhang tại gia tiên trước là nhớ đến tổ tiên, sau là hướng đến ngày giỗ quốc Tổ.

1. Đặt chỗ trước: Ông Hoàng Hòa, Phó chánh văn phòng Khu di tích Đền Hùng cho biết, đã có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt từ về cơ sở vật chất, tinh thần phục vụ cho lễ hội Đền Hùng – Giỗ Tổ Hùng Vương như: Hướng dẫn, vận chuyển khách thăm quan, dịch vụ lưu trú và hoạt động kinh doanh bán hàng, dịch vụ ăn uống. Ngoài ra, Trung tâm liên kết với các cơ sở sản xuất và cung ứng các mặt hàng được khách hàng ưa chuộng, đầu tư xây dựng thêm một số quầy hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách mua sắm.

Tuy nhiên ông Hòa cho biết, số lượng du khách đến với những ngày giỗ Tổ rất đông. Mỗi ngày có tới trên 1 triệu lượt người đến lễ hội nên Trung tâm chỉ đáp ứng được một phần. Hiện Trung tâm đã đầu tư xây dựng khu nhà nghỉ với 35 phòng đầy đủ tiện nghi, đạt tiêu chuẩn và nhà hàng có sức chứa khoảng 800 khách. Du khách cần điện trước một ngày để Trung tâm đón tiếp được tốt nhất. Số ĐT liên hệ trước: 02103860133.

2. Dâng lễ gì? Theo GS.TS Ngô Đức Thịnh (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian) việc dâng lễ nên tùy vào duyên cảnh của mỗi người. Ngoài hai loại bánh mang biểu tượng của ngày giỗ Tổ là bánh chưng, bánh dày, mọi người cũng có thể dâng hương hoa hay lễ mặn là xôi – gà…Điều quan trọng chính là ở sự chân thành chứ không phải ở cái lễ.

“Dâng lễ vật lên tổ tiên không quan trọng ở vật chất mà nên dâng những cái tinh túy nhất, mang giá trị tinh thần chứ mâm cao cỗ đầy mà không chân thành cũng mất đi giá trị. Du khách có thể về với Đền Hùng chỉ cần thắp một nén hương để thể hiện tấm lòng hướng về ngày giỗ Tổ và cầu mong cho bản thân một điều gì đó. Tệ hại nhất là cúng ê hề, mâm cao cỗ đầy nhưng thiếu sự thành kính. Muốn lễ đúng phải lễ đủ nội dung là: Tạ ơn, sám nguyện, cầu nguyện, hứa nguyện sau đó mới đến dâng lễ”, GS.TS Ngô Đức Thịnh cho biết.

3. Đặc sản Phú Thọ: Theo kinh nghiệm của những người thường xuyên đi lễ Đền Hùng, với những người chưa hoặc ít khi đi xa, bạn nên ăn sáng ở nơi thuận tiện, buổi trưa, sau khi đã chơi hội mọi người có thể về Việt Trì ăn.

Cho dù ăn uống ở đâu thì bạn cũng nên thưởng thức các đặc sản của Phú Thọ như: Cá sông Đà, dê Thanh Sơn, thịt chua Thanh Sơn... Nếu ăn cá sông có thể lựa chọn quán Hạc Trì (TP Việt Trì), quán này có tầm nhìn khá đẹp. Ngoài ra, ở TP Việt Trì có khá nhiều quán ăn ngon cho du khách thoải mái lựa chọn. Nếu bạn ở Hà Nội hay các tỉnh miền núi phía Bắc, trên đường về, bạn có thể vào khu sinh thái Sông Hồng Thủ Đô (Vĩnh Yên) chơi hoặc chọn hướng về qua cầu Trung Hà tắm nước nóng ở Thanh Thủy rồi theo đường 32 về Hà Nội.

Nếu không muốn tự lo mọi thứ thì bạn có thể đi theo tour. Hiện Sở VH,TT&DL Phú Thọ đang có các tour du lịch giỗ tổ như: TP Việt Trì (thành phố lễ hội) - Đền Hùng (2 ngày/1 đêm); Đền Hùng - Chương trình “Hát Xoan làng cổ” - Thành phố Việt Trì (2 ngày/1 đêm); Bảo tàng Hùng Vương (TP Việt Trì) – Đình Lâu Thượng – Làng cổ Hùng Lô - Trẩy hội Đền Hùng (2 ngày/ 1 đêm)…

4. Nơi nào nên đến? Đến Đền Hùng, sau khi làm lễ, những nơi bạn nên đến tiếp theo là: Bảo tàng Hùng Vương - nơi lưu giữ các hiện vật cổ Nhà nước Văn Lang, thời đại Hùng Vương dựng nước và giữ nước; Triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Văn hóa đất Tổ - cội nguồn dân tộc Việt Nam" gắn với triển lãm mỹ thuật của các họa sỹ Hàn Quốc và Phú Thọ; Triển lãm tác phẩm đá chủ đề "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Việt Nam"; Triển lãm hình ảnh về di sản hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ...

Hà My

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/van-hoa/bon-goi-y-khi-di-le-den-hung-2013041711342702.htm