Bối rối tư vấn tâm lý học đường

Vấn đề tâm lý học đường ngày càng trở nên phức tạp nhưng nhiều trường học vẫn đang gặp không ít bối rối trong cách tiếp cận học sinh. Điều này dẫn đến những hệ quả cả trước mắt lẫn lâu dài đối với quá trình phát triển tâm, sinh lý, nhân cách và đạo đức của học sinh.

Giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường tiểu học Xuân Trường (H.Xuân Lộc) hướng dẫn học sinh thực hiện phong trào Đọc và làm theo báo Đội. Ảnh: C.NGHĨA

Thực tế, đến nay việc thiết lập hệ thống phòng tham vấn tâm lý học đường trong trường học vẫn luôn là thách thức, vì thiếu cả nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất lẫn nhân viên làm công tác tư vấn tâm lý học đường.

Nhiều mặt trái tác động đến học sinh

Đồng Nai hiện có trên 920 cơ sở giáo dục từ mầm non đến THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên. Số lượng trẻ và học sinh các cấp học lên đến 720 ngàn em và là tỉnh có số lượng học sinh lớn thứ 5 cả nước, chỉ sau TP.Hà Nội, TP.HCM, Thanh Hóa và Nghệ An. Với số lượng cơ sở giáo dục lớn và học sinh đông như vậy, việc quản lý, đảm bảo chất lượng dạy và học; giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh luôn đối diện với áp lực không hề nhỏ.

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, đã xảy ra khá nhiều vụ liên quan đến bạo lực học đường, trong đó có vụ việc khá nghiêm trọng khiến học sinh bị đa chấn thương, phải nhập viện điều trị nhiều ngày. Nhiều vụ việc liên quan đến bạo lực học đường còn được học sinh phát tán lên mạng xã hội khiến dư luận không khỏi bức xúc, còn nhà trường thì càng thêm bối rối trong việc tìm ra giải pháp giáo dục ngăn ngừa học sinh vi phạm. Không dừng lại đó, hiện tượng giáo dục bằng hành vi bạo lực cũng đã diễn ra.

Trong khi chưa có phòng tham vấn và chuyên gia tâm lý học đường chuyên nghiệp thì nhiều trường đang nỗ lực khắc phục bằng việc mời các chuyên gia, người có chuyên môn về pháp luật về nói chuyện với học sinh. Đây cũng là một hình thức khá hiệu quả và cần được triển khai thường xuyên.

Hiệu trưởng một trường THCS tại TP.Biên Hòa bày tỏ lo lắng, học sinh đang bị tác động mạnh từ nhiều mặt trái của xã hội như: mạng xã hội, lối sống cá nhân ích kỷ, đua đòi. Bên cạnh đó, nhà trường cũng lo lắng khi thuốc lá điện tử thế hệ mới đang tấn công vào môi trường học đường. Nhà trường rất nỗ lực giáo dục học sinh, ngược lại có không ít gia đình đang phó mặc nhiệm vụ này cho nhà trường. Khi xảy ra một sự việc liên quan đến bạo lực học đường, dường như dư luận chỉ trách móc nhà trường nhiều hơn là vai trò giáo dục không thể thiếu của gia đình.

Liên quan đến tâm lý học đường không chỉ là những vụ bạo lực học đường xảy ra bộc phát, mà còn phức tạp hơn ở nhiều vấn đề khác không thể xem nhẹ. Đơn cử như việc dậy thì sớm ở trẻ em, hiện tượng này khiến tính khí của học sinh trở nên thất thường, dễ nóng giận, thậm chí rơi vào trầm cảm, gây ảnh hưởng tới kết quả học tập cũng như cuộc sống. Phát hiện sớm hiện tượng dậy thì ở trẻ là rất cần thiết để cả giáo viên và những người làm cha mẹ điều chỉnh cách quan tâm và giáo dục phù hợp.

Chị Trần Thu Anh (ngụ xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) cho biết: “Con trai tôi năm nay mới học lớp 7 nhưng đã dậy thì với nhiều thay đổi về ngoại hình lẫn tính khí. Điều đó chỉ làm cho tôi bối rối một phần, điều lo lắng hơn là con bắt đầu tò mò chuyện giới tính, thậm chí bạn cùng lớp còn gửi cho những hình ảnh, đường link phim người lớn cho xem. Khi tôi gọi điện trao đổi nhờ cô giáo chủ nhiệm tư vấn cách giáo dục con thì chính cô giáo cũng bối rối không biết trả lời sao”.

Học sinh cần chỗ dựa

Hiệu trưởng Trường THCS Quyết Thắng (TP.Biên Hòa) Mai Thị Thu Hà chia sẻ: “Lo lắng nhất hiện nay chính là những tác động tiêu cực của mạng xã hội khi nhà trường và cả phụ huynh đều rất khó kiểm soát các em ở trên không gian mạng. Nhiều học sinh sống trong thế giới ảo nhưng không có khả năng tự bảo vệ trước những thông tin, hình ảnh, trào lưu xấu độc, rất dễ dẫn đến hành vi “bắt chước” rất nguy hiểm”.

Giáo viên Trường tiểu học Vĩnh Thanh 1 (H.Nhơn Trạch) hướng dẫn học sinh học bài

Dù vấn đề tâm lý lứa tuổi học sinh đang chịu nhiều tác động từ những mặt trái của xã hội phát triển nhưng cách tiếp cận và hỗ trợ kịp thời cho các em vượt qua những khủng hoảng, rủi ro vẫn còn nhiều bất cập, thiếu tính chủ động từ nhà trường đến gia đình. Dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương chỉ đạo các cơ sở giáo dục phải có phòng tham vấn tâm lý học đường nhưng thực tế rất hiếm cơ sở giáo dục công lập làm được điều này. Nhiều hiệu trưởng cơ sở giáo dục cho biết, không đơn giản chỉ là việc thành lập phòng tham vấn tâm lý học đường là xong, mà còn cần người có chuyên môn về công tác này mới đạt được hiệu quả thực sự cần thiết.

Vì thiếu cách tiếp cận nên không ít học sinh gặp các vấn đề tâm lý, hay những “cú sốc” về tinh thần không biết tìm chỗ dựa nào để yên tâm tin tưởng, chia sẻ và tìm được những lời khuyên, cách giải quyết tình huống. Vì không tìm được nơi “hóa giải” tâm lý nên học sinh có thể rơi vào trạng thái khủng hoảng, thậm chí là dẫn đến hành vi tiêu cực lẫn hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử, tại một trường THCS ở TP.Biên Hòa từng xảy ra trường hợp học sinh bỏ học, bỏ nhà đi nhiều ngày vì bất hòa với cha mẹ và chán nản chuyện học hành.

Không dừng lại ở đó, nhiều kiến thức liên quan đến tâm, sinh lý rất cần thiết phải cung cấp cho học sinh nhưng vẫn đang bị xếp vào hàng “chuyện tế nhị” và ít được đề cập đúng mức trong môi trường học đường. Chẳng hạn như chuyện giới tính, phân biệt giữa tình yêu và tình bạn, quan hệ tình dục an toàn, sức khỏe sinh sản vị thành niên… Hiện tượng dậy thì ở trẻ xuất hiện ngày càng sớm, từ lớp 6-7, nhưng phải đến lớp 10, thậm chí lớp 11-12, các em mới được giáo viên nói về chuyện này.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) Nguyễn Quang Thái cho biết, tâm lý của tuổi mới lớn là một vấn đề mang tính thách thức với nhà trường và chỉ cần lơ là một chút sẽ… “tới công chuyện” liền. Do đó, thầy cô không chỉ có nhiệm vụ dạy mà còn phải quan tâm sâu sát đến diễn biến tâm lý học sinh, là chỗ dựa để khi cần thì học sinh có thể chia sẻ và tìm được lời khuyên cần thiết cho mình. Khi nghe học sinh chia sẻ, giáo viên cũng phải rất nhạy cảm, tinh tế trong cách ứng xử, nếu không thì học sinh rất dễ bị mất niềm tin nghiêm trọng hơn.

PGS-TS NGUYỄN THÀNH NAM, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Tư vấn tâm lý học đường còn thiếu tính chuyên nghiệp

Các dịch vụ tư vấn tâm lý trong môi trường học đường vẫn chưa chuyên nghiệp, khiến học sinh mặc cảm. Không ít học sinh tự cho rằng mình là người bị phạt hoặc có bệnh tâm thần mới đến đó. Năng lực của người làm tư vấn tâm lý học đường đang thiếu cả số lượng lẫn năng lực tư vấn, dẫn đến nhiều sai sót về mặt kỹ năng như: việc không đảm bảo tính riêng tư, không thân thiện và không tạo được cảm giác an toàn cho học sinh.

Hiệu trưởng Trường THPT Long Khánh NGUYỄN DUY BẰNG:

Xây dựng môi trường giáo dục thân thiện

Muốn phòng, chống bạo lực học đường hay các vấn đề tâm lý học đường thì phải xây dựng được môi trường giáo dục thân thiện. Ở đó, thầy cô phải gần gũi học sinh để hiểu hơn về tâm lý tuổi mới lớn và dành cho các em những lời khuyên. Trường học cũng cần những CLB, những diễn đàn để học sinh được nói, được bày tỏ những điều các em đang suy nghĩ.

Trưởng phòng GD-ĐT H.Định Quán NGÔ ĐĂNG THÀNH:

Cần chuyên gia tâm lý chuyên nghiệp

Cuộc sống và môi trường giáo dục hiện đại đang làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý trong học sinh và các em rất cần được chia sẻ, nhận được những lời khuyên răn để đi đúng đường. Tuy nhiên, không phải thầy cô giáo nào cũng khiến học sinh tự tin chia sẻ như việc chia sẻ với bạn bè. Do đó, rất cần những nhân viên tâm lý về học đường có đủ chuyên môn trong trường học để giải quyết những vấn đề đang phát sinh hiện nay.

Thành Nam (ghi)

Công Nghĩa

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202311/boi-roi-tu-van-tam-ly-hoc-duong-4d56091/