Bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cho cán bộ, giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang

Tại Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ban Đề án 587 vừa tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị cho đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường. PGS.TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện dự lễ khai giảng và truyền đạt chuyên đề đầu tiên.

Đây là một trong những lớp bồi dưỡng được tổ chức thuộc nội dung của Đề án nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư giai đoạn 2019-2030 theo Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 587), lớp được mở riêng cho đội ngũ giảng viên Trường Chính trị tỉnh Bắc Giang.

PGS.TS Dương Trung Ý phát biểu khai mạc lớp bồi dưỡng.

Phát biểu khai giảng lớp bồi dưỡng, PGS.TS Dương Trung Ý nhấn mạnh: Việc tổ chức các lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học lý luận chính trị dành cho đội ngũ cán bộ, giảng viên hệ thống Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng, góp phần chuẩn hóa và nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 9/2/2018 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả học tập, nghiên cứu, vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới; Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về Trường Chính trị chuẩn.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2016 - 2021 của Hội đồng Lý luận T.Ư đã chỉ đạo: “Không thể để kéo dài tình trạng còn lạc hậu của lý luận so với sự vận động và đòi hỏi của thực tiễn. Lý luận phải vươn lên dẫn đường và đồng hành với thực tiễn”, “phải có tầm nhìn vượt trước”. Do vậy, hoạt động khoa học của Học viện và các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư cần bám sát thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đúng định hướng chính trị của Đảng, Nhà nước, đúng chức năng, nhiệm vụ của Học viện và các trường chính trị. Hoạt động nghiên cứu khoa học phải là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý cho cả hệ thống chính trị.

Lớp học được tiến hành trong một tháng, học viên được nghiên cứu các chuyên đề: Định hướng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay; Tư duy hệ thống trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị; Đạo đức nghề nghiệp trong nghiên cứu khoa học; Xác định vấn đề nghiên cứu và loại hình nghiên cứu; Xây dựng đề cương nghiên cứu; Xây dựng giả thuyết nghiên cứu; Tổng quan các phương pháp nghiên cứu khoa học cơ bản; Nghiên cứu khoa học lý luận chính trị với nhiệm vụ bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới...

Ngay sau lễ khai giảng, PGS.TS Dương Trung Ý truyền đạt chuyên đề đầu tiên: Định hướng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong bối cảnh hiện nay. Đồng chí gợi mở nhiều vấn đề nghiên cứu lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn của tỉnh Bắc Giang hiện nay. Qua đó, cán bộ giảng viên Trường Chính trị tỉnh có thêm kiến thức về phương pháp, kỹ năng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, có nhiều công trình nghiên cứu lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đóng góp tích cực vào quá trình tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận của tỉnh Bắc Giang trong thời gian tới.

Trần Thúy Hoàn

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/boi-duong-phuong-phap-nghien-cuu-khoa-hoc-ly-luan-chinh-tri-cho-can-bo-giang-vien-truong-chinh-tri-tinh-bac-giang-093522.bbg