Bồi đắp 'nguyên khí' cho phát triển bền vững

Lịch sử đã có nhiều minh chứng cho thấy, sự phát triển hưng thịnh của quốc gia - dân tộc luôn có vai trò và đóng góp to lớn của các bậc hiền tài, trí thức uyên bác. Bởi vậy mà Đông các Đại học sĩ Thân Nhân Trung đã đúc kết thành câu nói nổi tiếng: 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia'!

Sinh viên Trường Đại học Hồng Đức trong giờ thực hành, thí nghiệm. Ảnh: Khôi Nguyên

Sự hưng thịnh của quốc gia là nhờ bởi nguyên khí thịnh; và ngược lại. Do vậy, Đảng ta đã xác định: “Tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước”. Trong đó, đội ngũ trí thức Việt Nam là lực lượng đi đầu trong nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ, hội nhập quốc tế. Nhiều công trình, sản phẩm khoa học, công nghệ, văn hóa, tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao của đội ngũ trí thức, đã và đang góp phần quan trọng vào quá trình CNH, HĐH đất nước, cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc... Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc phát huy vai trò của đội ngũ trí thức có lúc, có nơi còn bất cập, mà một trong những nguyên nhân là do nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ trí thức chưa đầy đủ, sâu sắc.

Khi bàn về vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: Bối cảnh tình hình mới đòi hỏi chúng ta phải quan tâm xây dựng, phát triển và phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, vị trí và sự đóng góp của đội ngũ trí thức nước nhà - Nguyên khí của quốc gia, đáp ứng yêu cầu chủ động, tích cực tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới CNH, HĐH đất nước. Trước yêu cầu đó, Nghị quyết 45-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong giai đoạn mới, đã nhấn mạnh: Đội ngũ trí thức là lực lượng lao động trí óc, có trình độ học vấn cao, chuyên môn sâu về một lĩnh vực, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; giàu lòng yêu nước, có đạo đức và lý tưởng cách mạng, gắn bó với Đảng, Nhà nước và dân tộc; là lực lượng có vai trò quan trọng trong liên minh giai cấp công nhân, giai cấp nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Cũng như cả nước, đội ngũ trí thức Thanh Hóa là lực lượng đông đảo, với trên 236 nghìn người, đang hoạt động trong hầu hết các lĩnh vực. Để khơi dậy và phát huy hiệu quả nguồn lực quan trọng này, những năm gần đây tỉnh Thanh Hóa đã ban hành và triển khai thực hiện nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh, động viên, khen thưởng trí thức. Đặc biệt, năm 2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, gặp gỡ, tham vấn và đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với đội ngũ trí thức trên địa bàn tỉnh. Hội nghị được xem là diễn đàn quan trọng để các trí thức, nhà khoa học bày tỏ quan điểm, nguyện vọng và có nhiều ý kiến tâm huyết vì sự phát triển của tỉnh. Đồng thời, diễn đàn cũng là nơi lãnh đạo tỉnh tham vấn ý kiến của đội ngũ trí thức, nhà khoa học về các vấn đề quan trọng trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, có tác động sâu sắc đến sự phát triển cả trước mắt lẫn lâu dài của tỉnh... Với sự quan tâm cũng như nhiều cách làm cụ thể đó mà đội ngũ trí thức Thanh Hóa đã và đang phát huy vai trò nòng cốt trong truyền bá tri thức, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đồng thời, góp phần tích cực vào việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đội ngũ trí thức có trách nhiệm tiên phong, tạo ra sản phẩm tinh thần, vật chất chất lượng cao cho xã hội, là nguồn lực đặc biệt trong phát triển kinh tế tri thức, CNH, HĐH và hội nhập quốc tế. Đó là yêu cầu đặt ra cho đội ngũ trí thức Việt Nam nói chung, Thanh Hóa nói riêng hiện nay. Song, muốn vậy việc xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh toàn diện phải được xác định là đầu tư cho xây dựng, bồi đắp “nguyên khí quốc gia” và phát triển bền vững; và là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và xã hội. Đồng thời, cần tạo môi trường, điều kiện và động lực để phát huy vai trò, sự cống hiến đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức trong bối cảnh hiện nay.

Để làm được điều đó, trước hết và quan trọng hơn cả vẫn là thống nhất nhận thức trong các cấp ủy, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng đội ngũ trí thức. Đồng thời, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thu hút, trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng, tôn vinh đội ngũ trí thức phù hợp với yêu cầu và thực tiễn của ngành, địa phương. Kịp thời lắng nghe, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng; thường xuyên tổ chức tham vấn, đối thoại bảo đảm khách quan, tôn trọng ý kiến của đội ngũ trí thức.

Bồi dưỡng và khơi dậy lòng tự hào, vinh dự và trách nhiệm của đội ngũ trí thức đối với quê hương, đất nước; không ngừng tự rèn luyện, phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực, trình độ cho đội ngũ trí thức, nhất là trí thức trẻ. Xây dựng các diễn đàn, sân chơi khoa học, hội thi sáng tạo... để khuyến khích tinh thần, tài năng sáng tạo của đội ngũ trí thức. Thu hút trí tuệ của đội ngũ trí thức, các nhà khoa học vào việc tư vấn, phản biện và giám định xã hội thông qua các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cùng với đó, cần tạo chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện về chất lượng đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài trong các cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn. Đồng thời, ưu tiên đào tạo gắn với yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đặc biệt, ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và huy động nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển hạ tầng khoa học, công nghệ, giáo dục và đào tạo; các quỹ đầu tư phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; tạo môi trường thuận lợi cho trí thức làm việc, nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến...

Để đội ngũ trí thức, nhà khoa học, những người hiền tài tiếp tục đóng vai trò là “nguyên khí quốc gia”, bên cạnh các giải pháp nêu trên, thiết nghĩ vấn đề có tính mấu chốt vẫn là tự bản thân đội ngũ trí thức phải nhận thức sâu sắc về sứ mệnh của mình đối với sự phát triển hưng thịnh của quê hương, đất nước. Có như vậy mới tạo được động lực từ bên trong mỗi người, nhằm khơi dậy tâm huyết, tài năng, trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm, sức sáng tạo... để tạo ra các sản phẩm tinh thần, vật chất có chất lượng cao cho xã hội.

Khôi Nguyên

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/xay-dung-dang/boi-dap-nguyen-khi-cho-phat-trien-ben-vung/209571.htm