Boeing nộp phạt 2,5 tỷ USD 'dàn xếp'' hai vụ rơi máy bay 737 Max

Boeing vào hôm 7/1 đã đạt thỏa thuận nộp phạt 2,51 tỷ USD để tránh bị điều tra hình sự vì tội lừa dối Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) trước và sau hai vụ tai nạn máy bay 737 Max, khiến tổng cộng 346 người bị thiệt mạng.

Hai vụ tai nạn diễn ra chỉ trong vòng chưa đầy 5 tháng đã hủy hoại danh tiếng của Boeing và FAA – cơ quan từng có mức tín nhiệm “vàng” trong số các cơ quan quản lý hàng không trên toàn thế giới. Ảnh: Getty

Theo CNBC, số tiền nộp phạt 2,51 tỷ USD bao gồm 243,5 triệu USD tiền phạt hình sự, 500 triệu USD tiền bồi thường cho gia đình các nạn nhân bị thiệt mạng trong hai vụ tai nạn máy bay xảy ra vào năm 2018, 2019 và 1,77 tỷ USD cho các hãng hàng không đã mua dòng máy bay 737 Max của Boeing.

Thỏa thuận giữa Bộ Tư pháp Mỹ và Boeing đã khép lại cuộc điều tra kéo dài gần hai năm và sẽ hoãn mọi truy tố hình sự nếu sau ba năm không phát hiện thêm sai phạm nào. Trước đó, các công tố viên của Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định Boeing đã “cố tình lừa dối nước Mỹ” bằng cách ngăn cản FAA trong quá trình đánh giá độ an toàn của dòng máy bay 737 Max.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Boeing - hãng sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ đã thừa nhận vụ việc có ít nhất hai phi công kỹ thuật có hành vi che giấu đối với FAA về năng lực của hệ thống kiểm soát bay trên dòng máy bay này từ cuối năm 2016 - trong các giai đoạn bay thử nghiệm cuối cùng để khai thác, cho tới tận cuối năm 2018 - khi máy bay này đã được đưa vào sử dụng và sau vụ tai nạn đầu tiên.

Chính phần mềm trên được cho là nguyên nhân dẫn đến hai vụ tai nạn máy bay thảm khốc vào năm 2018 và 2019 và cướp đi sinh mạng của 346 người.

“Hai vụ tai nạn thảm khốc của chuyến bay mang số hiệu 610 của hãng Lion Air và chuyến bay mang số hiệu 302 của hãng hàng không Ethiopian Airlines đã phơi bày hành vi gian dối và lừa đảo của các nhân viên thuộc một trong những nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới”, ông David P. Burns – quyền trợ lý Luật sư Bộ Tư pháp – nhận định.

“Các nhân viên của Boeing đã chọn con đường kiếm lợi nhuận trên cả tính mạng con người bằng cách che giấu các tài liệu quan trọng với FAA trong quá trình điều tra”, ông Burns nhấn mạnh.

Theo cáo trạng do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra, Boeing đã thú nhận về hành vi sai phạm của mình cũng như nộp phạt. Tuy vậy, không cá nhân hay giám đốc điều hành nào thuộc Boeing bị truy tố hình sự trong cuộc điều tra của Bộ Tư pháp Mỹ.

Vào ngày 10/3/2019, chuyến bay mang số hiệu ET 302 của Ethiopian Airlines, trên hành trình từ Addis Ababa (Ethiopia) đến Nairobi (Kenya), đã bị rơi chỉ 6 phút sau khi cất cánh. Ảnh: Getty

Đài CNBC dẫn lời các chuyên gia cho rằng, số tiền dàn xếp “khổng lồ” 2,51 tỷ USD vẫn còn là quá ít so với những thiệt hại mà Boeing hứng chịu trong 2 năm qua. Trước đó, hãng này đã mất 20,7 tỷ USD tiền đền bù trực tiếp cho các hãng hàng không, chi phí sản xuất, kho bãi và bồi thường cho gia đình nạn nhân. Không những vậy, kể từ tháng 3/2019, các chiếc máy bay dòng 737 Max đã bị cấm bay trên toàn thế giới. Vào tháng 12 vừa qua, hãng Gol Airlines của Brazil bắt đầu khai thác lại 737 Max.

Về phía các gia đình nạn nhân trong hai vụ tai nạn, các luật sư đại diện cho biết gia đình các nạn nhân của hai vụ tai nạn đang yêu cầu Bộ Tư pháp Mỹ không dàn xếp thảo thuận với Boeing.

Trước đó, ngay sau khi vụ tai nạn thảm khốc đầu tiên xảy ra, Boeing đã lập quỹ hỗ trợ các gia đình các nạn nhân thiệt mạng với tổng trị giá lên tới 100 triệu USD. Tuy vậy, nhiều người cho rằng con số này là quá thấp so với doanh thu của Boeing. Theo thống kê, vào năm 2018, tập đoàn Mỹ đạt doanh số 100 tỷ USD và lợi nhuận 12 tỷ USD.

“Vụ dàn xếp này cùng với ‘quỹ người thụ hưởng nạn nhân vụ tai nạn’, không hề liên quan đến vụ kiện dân sự đang chờ được xử lý đối với Boeing. Gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong hai vụ tai nạn thảm khốc do chúng tôi đại diện sẽ kiên quyết theo đuổi đến cùng để lấy lại công lý cho những người đã khuất”, đại diện các luật sư chia sẻ.

Hương Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/boeing-nop-phat-25-ty-usd-dan-xep-hai-vu-roi-may-bay-737-max-post113002.html