Bob Dylan: Khi người khổng lồ gật đầu

Chỉ sau một đêm, Bob Dylan và Nobel Văn học đã trở thành chủ đề nóng trên toàn thế giới. Nhưng mãi đến hai tuần sau đó, "người khổng lồ của thi ca" mới lên tiếng chấp nhận nhận giải thưởng danh giá này. Đó có thể là cái kết viên mãn cho cả người trong cuộc và ngoài cuộc. Nhưng cũng có thể là khởi đầu của một câu chuyện mới, khi Bob Dylan từ trong dĩ vãng lại hiện diện trong những câu chuyện thường ngày.

Nhịp sống hiện đại được bao phủ bởi tiếng nhạc EDM rộn ràng thời thượng, bởi các dòng tin mạng lướt nhanh trên đầu ngón tay. Có ai ngờ một ngày, giải Nobel Văn học lại đẩy Bob Dylan vào dòng chảy ấy, trở thành từ khóa tìm kiếm nóng nhất trên mạng xã hội. Người ta tò mò hỏi nhau "Chẳng phải Bob Dylan sống ở thời đại khác chúng ta sao?". Cả thế giới nhộn nhạo trong những thắc mắc, tranh cãi. Còn Bob Dylan thì giữ im lặng, giống như dĩ vãng vàng son mà ai đó nghĩ ông còn đang ở lại.

Dù rằng Bob Dylan vẫn là tên tuổi lớn trong làng nhạc thế giới, thì sự ồn ào của xã hội công nghệ số có lẽ không phải là nơi mà người nghệ sỹ kỳ cựu này thuộc về. Sự nghiệp của Bob được gây dựng từ thập niên 60 của thế kỷ trước, khi những giai điệu mộc của ghi ta, kèn harmonica đang là thứ thanh âm được ưa chuộng nhất, và phương tiện truyền thông vẫn chỉ loanh quanh báo giấy, đài phát thanh, cùng vô tuyến truyền hình.

“Bob Dylan thì có gì? Chỉ là sự gào thét điên loạn của đám thanh niên!”. Nhạc sĩ lừng danh một thời Ewan MacColl đã nhận xét về Bob Dylan như thế. Bob rõ ràng không phải kiểu người kín tiếng. Tuy vậy, sinh ra trong thời đại truyền thông còn bị hạn chế, tiếng nói của ông không phải lúc nào cũng được đăng tải trên các phương tiện đại chúng. Những vấn đề chính trị, những vấn nạn nhức nhối trong xã hội được chuyển tải một cách thi vị qua lời ca của Bob, nhưng lại thường xuyên vấp phải rào cản từ giới công quyền. Tuổi đời của Bob khi đó còn quá trẻ, hoặc tư tưởng của ông quá cách tân - đến độ người đời cho rằng ông nên kín tiếng thì hơn.

Bob Dylan tới giờ vẫn là người như vậy, mang trong mình nhiều tư tưởng, thách thức sự cấm đoán và kiếm tìm những công cụ để được bày tỏ quan điểm, đặc biệt là thông qua âm nhạc. Có phải vì thế mà giới truyền thông luôn cố tìm hiểu những điều Bob muốn nói thông qua các bài hát của mình? Khi ông im lặng trước tin được trao giải Nobel Văn học, người ta bắt đầu suy đoán bài hát: “Why try to change me now?” (tạm dịch “Sao lại cố thay đổi tôi lúc này?”) trên một sân khấu ở Las Vegas liệu có phải là lời nhắn tế nhị của Bob gửi đến Hội đồng Nobel? Các lời chỉ trích bắt đầu đổ như mưa xuống đầu Bob cũng bởi thái độ mà người ta cho là“kênh kiệu” trước giải thưởng danh giá bậc nhất này.

Sẽ không ngoa nếu ví von ngôn từ trong các ca khúc của Bob giống như một tác phẩm nghệ thuật. Ông giải phóng những tư tưởng của mình qua thi ca nhạc họa, và vô hình trung cái tên Bob Dylan lại gắn với một loạt những định danh như nhạc sỹ, họa sỹ, nhà văn… Cũng vì những điều người đời tự gắn vào ấy, mà khi giải thưởng Nobel Văn học được trao cho Bob, mọi người cứ mãi tranh luận về tư cách của ông, và quên đi giá trị thực sự mà ngôn từ ông mang đến cho công chúng.

Đám đông khát thông tin ngày nay quên mất rằng trong một xã hội bị cấm đoán, những lời ca của Bob không chỉ thể hiện quan điểm mà đôi khi là một lý tưởng, có thể thay đổi một hay nhiều cuộc đời nào đó ngoài kia. Còn hôm nay, “tiếng thét gào” của Bob biết đâu sẽ lọt thỏm giữa vô vàn những bài báo trên mạng, trôi nhanh chỉ sau vài giây cập nhật? Những phát ngôn của ông có thể chẳng khác ngôi sao truyền hình thực tế nào đó cập nhật bộ quần áo đang mặc chỉ với một thao tác bấm điện thoại. Bob đã không làm thế, vì như đã nói, ông không thực sự thuộc về xã hội thời kỳ thông tin bùng nổ.

Hội đồng Nobel có lẽ cũng nhìn ra được điều đó ở Bob Dylan, hay ở lớp nghệ sỹ cùng thế hệ với ông. Có thể ông thấy việc dư luận dậy sóng thật không đáng bận tâm; hoặc có thể vì giải Nobel Văn học, hay bất cứ một giải thưởng nào khác, đều không nói thêm điều gì về con người ông. Rốt cuộc, Bob Dylan vẫn là người nghệ sỹ của ngôn từ. Cả thế giới biết điều đó, công nhận điều đó. Giải thưởng là một sự ghi nhận, có thể là thừa thãi đối với ông, nhưng chắc chắn không phải là một nghịch lý để người ta phải tranh cãi, hay thậm chí chối bỏ.

Việc Bob Dylan chấp nhận giải thưởng Nobel Văn học một cách bình thản có thể là kết thúc khá đơn giản về mặt truyền thông. Dư luận cũng nhanh chóng lắng lại. Có mấy ai suy nghĩ sâu xa câu chuyện đằng sau giải Nobel Văn học ấy. Hội đồng Nobel trao giải cho Bob Dylan phải chăng vì muốn rung chuông về tình trạng ngôn từ vô nghĩa, ít giá trị trong đa phần sản phẩm nghệ thuật nói chung hiện nay? Và Bob Dylan gật đầu nhận giải có phải vì ông chấp nhận thế giới thực tại mà chúng ta đang sống?

Như lời một ca khúc nổi tiếng của Bob: “Blowin’ in the wind” (tạm dịch: “Thổi bay cùng ngọn gió”), có những câu hỏi được đặt ra mà câu trả lời đã “theo gió thổi, bay xa". Bob Dylan và giải Nobel Văn học đặt ra cho chúng ta thật nhiều câu hỏi không lời đáp, những trăn trở về thời đại, về giới hạn của một người nghệ sỹ.

Thời gian vẫn cứ trôi, thời đại cứ liên tục đổi thay. Nhưng Bob Dylan và những lời ca bất hủ sẽ vẫn giữ được giá trị của mình, và được công chúng ghi nhận, dù ở bất kỳ xã hội nào. Những nghệ sỹ như Bob Dylan là người tiên phong cho tư tưởng giải phóng con người khỏi mọi định kiến trói buộc. Vậy nên đừng cố gắn họ vào một định danh hay neo giữ họ ở lại bến bờ nào đó, vì những gì chúng ta nhận lại chỉ là sự gượng ép - một sự gượng ép rất chênh vênh.

Bài: Trung Đăng

Nguồn Đẹp: http://dep.com.vn/Entertainment/Bob-Dylan-Khi-nguoi-khong-lo-gat-dau/49122.dep